Chuyện chưa kể về gia tộc họ Hoàng

Khám phá du lịch Bắc Hà, chắc hẳn ai cũng biết đến dinh thự Hoàng A Tưởng - ngôi biệt thự bề thế, cổ kính, mang nét kiến trúc châu Âu. Dinh Hoàng A Tưởng được xây dựng từ năm 1914 và hoàn thành năm 1921, chủ nhân là Hoàng Yến Tchao, dân tộc Tày, cha của Hoàng A Tưởng.

Hoàng Yến Tchao là thổ ty vùng Bắc Hà - chức quan ở vùng dân tộc thiểu số thuở ấy. Khi đến tham quan dinh thự, ngoài tìm hiểu kiến trúc của ngôi biệt thự, nhiều người cũng muốn khám phá những điều kỳ bí xung quanh gia tộc họ Hoàng - gia tộc quyền lực nhất ở Bắc Hà thời bấy giờ.

Trong không gian của biệt thự cổ, cuối tháng 2 vừa qua đã có một cuộc gặp xuyên biên giới tìm lại người thân của những người cách nhau hàng nghìn cây số. Họ mang quốc tịch khác nhau nhưng có cùng chung nguồn gốc, tổ tiên. Cuộc gặp gỡ đã gợi mở nhiều câu chuyện mà từ trước đến giờ chưa được kể.

Đó là cuốn hồi ký hơn 30 trang được in bằng tiếng Pháp, có nhiều hình ảnh cũ của gia đình bà Vương Thị Hinh, cháu gái của ông Hoàng Yến Tchao. Ông Robert Jean Jacques tâm sự: Mẹ tôi mất cách đây 13 năm. Khi lâm bệnh nặng, bà gọi mọi người đến và kể lại nguồn gốc cũng như cuộc sống của bà khi còn ở Việt Nam. Tôi được kể lại, ông Hoàng Yến Tchao có 4 vợ và 7 người con, trong đó có 2 con trai và 5 con gái. Bà ngoại của tôi là một trong những con gái của ông Hoàng Yến Tchao. Mẹ tôi hy vọng, cuốn hồi ký có thể giúp con, cháu có cơ sở tìm lại cội nguồn và họ hàng.

Ông Robert Jean Jacques và gia đình phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu hồi ký, tới nay mới tìm được quê mẹ. Ông Robert Jean Jacques lựa chọn một homestay tại Bắc Hà để ở trong thời gian tìm người thân. Ông đã chia sẻ mong muốn tìm lại nguồn cội của mình với anh Huy Trung - chủ homestay. Sau đó, anh Trung xin phép chia sẻ lại câu chuyện của ông Robert Jean Jacques lên mạng xã hội. Từ đây, ông Robert Jean Jacques đã có cuộc gặp với gia đình chị Hoàng Thị Hiên - một trong những con cháu đời thứ 4 của em trai ông Hoàng Yến Tchao, hiện sinh sống tại thôn Na Kim, xã Tà Chải (Bắc Hà).

Cuộc gặp diễn ra chóng vánh giữa những người thân bất đồng ngôn ngữ. Mặc dù chưa chia sẻ được nhiều câu chuyện nhưng là cơ sở, hy vọng để người thân có kết nối với nhau nhiều hơn trong tương lai. Chị Hoàng Thị Hiên tâm sự: Ban đầu đọc thông tin trên mạng xã hội, tôi mơ hồ nghĩ rằng sẽ gọi ông Robert Jean Jacques là bác. Nhưng khi chúng tôi cùng ngồi lại, viết cho nhau sơ đồ gia phả thì gọi nhau là anh em. Tôi có thể hiểu anh Robert Jean Jacques là cháu đời thứ 4 của ông Hoàng Yến Tchao, còn 3 anh em tôi là các cháu đời thứ 4 của Hoàng Yên Xiên (em trai ông Hoàng Yến Tchao).

Trong cuộc gặp đó, gia đình chị Hoàng Thị Hiên và ông Robert đã cùng tham quan lại dinh thự Hoàng A Tưởng, nơi tổ tiên gia đình đã từng sinh sống. “Cuốn hồi ký của bà Hinh viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đến bây giờ tôi vẫn chưa đọc và hiểu được những gì bà Hinh viết trong hồi ký, thế nhưng anh Robert Jean Jacques kể rằng, bà Hinh có nói gần nơi ở của mình có đỉnh núi cao. Theo như miêu tả, chính là núi Ba Mẹ Con bây giờ”, chị Hiên chia sẻ.

Cuốn hồi ký có đoạn viết về 3 chị em bà Vương Thị Hinh sang Pháp từ khi còn rất trẻ. Sau đó bà Vương Thị Hinh được gả cho gia đình quý tộc ở Pháp. Bà Vương Thị Hinh sinh được 3 người con và ký ức ở quê nhà vẫn luôn ở trong tâm trí bà cho đến khi mất. Vì không có nhiều thời gian ở lại Bắc Hà, ông Robert Jean Jacques phải trở về Pháp. Ông nhờ bà Hoàng Thị Hiên tạm giữ cuốn hồi ký của mẹ và hứa sẽ sớm trở lại Bắc Hà, đưa thêm người thân của mình từ Pháp về quê mẹ.

Cầm trên tay cuốn hồi ký của bà Vương Thị Hinh, chị Hoàng Thị Hiên cho biết: Tôi sẽ nhờ người dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để hiểu thêm những gì bác chia sẻ. Ông Hoàng Yến Tchao có tận 7 người con. Theo tôi được biết, chỉ có ông Hoàng A Tưởng là không có con, thế nên ông Hoàng Yến Tchao có rất nhiều cháu, chắt, hiện có mặt ở nhiều vùng, miền trong cả nước và ở nước ngoài. Đây không phải lần đầu có con, cháu của ông trở về tìm nguồn cội. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa tìm đúng địa chỉ hoặc sau khi họ rời đi chúng tôi mới biết có người đến tìm hiểu.

Hiện tại, ở Bắc Hà, các con, cháu từ đời thứ 4 đến đời thứ 6 của ông Hoàng Yến Tchao và em trai ông là Hoàng Yên Xiên vẫn còn khá đông. Các con, cháu vẫn được người thân chia sẻ, kể lại về nguồn gốc tổ tiên.

Ngày nay, dinh thự mang tên Hoàng A Tưởng - nơi cả dòng họ Hoàng trước kia từng sinh sống đã trở thành biểu tượng của du lịch Bắc Hà, là điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Những câu chuyện dã sử về gia tộc đầy quyền uy này vẫn còn nhiều điều bí ẩn và lôi cuốn.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/chuyen-chua-ke-ve-gia-toc-ho-hoang-post381492.html