Chuyện chữ Nho và 'mũ áo' (1)

Mới đây đột nhiên có vài sáng kiến, kiến nghị từ vài vị học giả về việc dạy lại chữ Nho (hay còn gọi là chữ Hán) trong trường phổ thông dưới các hình thức như bắt buộc, tự chọn, hoặc chỉ cho phân ban khoa học xã hội nhân văn.

Học chữ Nho ngày xưa. Ảnh: Tư liệu

Trong khi tiếng Trung (Hoa) hiện đại vẫn được dạy như một trong các ngoại ngữ hai tự chọn (sau tiếng Anh) ở các cấp. Lại có sáng kiến, kiến nghị biến nước ta thành nước song ngữ/tam ngữ trong lộ trình 30 - 50 năm tới. Gồm dự án dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, dùng hàng ngày và trong văn bản bắt buộc. Tiếng Anh, chữ Nho không còn chỉ là ngoại ngữ nữa mà là ngôn ngữ thứ hai và thứ ba. Giấy tờ hành chính chẳng hạn như hộ khẩu, khai sinh, thẻ căn cước… và các văn bản hành chính, bảng hiệu, quảng cáo… sẽ có hai thứ tiếng/chữ Việt - Anh hoặc ba thứ tiếng/chữ Việt - Anh - Hán (không rõ tác giả đề án này ám chỉ tiếng/chữ Hoa hiện đại hay chữ Hán Việt cổ các cụ ta vẫn dùng đến đầu thế kỷ 20). Lạ hơn với dân hàng phố là ý tưởng “kỳ quái”, “như đùa” này được tranh cãi khá nghiêm trang và “rất cao đạo” trong giới “hàn lâm, trí giả” (thường là các vị có biết chữ Hán/Nôm hoặc tiếng Quan thoại Bắc Kinh). Có “tẩu hỏa nhập ma” thì dân hàng phố cũng chưa thể rõ.

Sau đây là phả hệ chữ Nho (và mũ áo) của một gia đình “đời đời Nho học” ở Vân Đình Hà Nội: Cụ huyện Trực Ninh đỗ một trong những kỳ thi cuối triều Nguyễn. Cụ không dùng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Cụ mặc quan phục đội mũ cánh chuồn. Con trai cụ là ông Ấm, sinh năm 1888 đỗ nhị trường nhưng rồi triều đình hủy bỏ thi chữ Nho vào năm 1919 nên ông ở quê làm ông đồ dạy chữ Nho cho hai con trai và khoảng 10 anh nữa trong làng. Sau 1954 cụ làm tu thư chép lại sách Hán - Nôm ở Thư viện Quốc gia Hà Nội. Ông mặc áo lương đội khăn xếp nhưng đã cắt búi tó và đôi khi cũng mặc quần âu, áo sơ-mi, không mặc com-lê, ca-vát. Ông Ấm giỏi quốc ngữ nhưng vẫn viết gia phả bằng chữ Nho. Ông Ấm thông gia với ông Phạm Tuấn Phú, bạn rất thân của Tú Xương nên hay trích câu thơ quốc ngữ của cụ Tú: “Thôi có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy phán/ Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò!”. Bác con cả ông Ấm (sinh năm 1916) bỏ học chữ Nho, học quốc ngữ làm “hương sư” tức cấp giáo viên thấp nhất dạy A, B, C cho trẻ trong làng. Khoảng đầu 1930 ông bỏ làng lên phố, phụ việc cho Nam Đồng thư xã. Ngưỡng mộ văn báo chí và thơ quốc ngữ của Tản Đà rồi bỏ theo cách mạng. Em ông học chữ Nho khoảng 5 năm “để viết bằng khoán bán ruộng” (vì trước 1945 giấy tờ vẫn có chữ Nho mà công chức Tây biết chữ Nho không nhiều.) Và để học “đạo lý thánh hiền, học làm người”. Sau chú theo người anh trai đi bộ đội học đạo lý và học làm người qua chủ nghĩa cộng sản và chữ quốc ngữ. Chữ Nho không dùng nữa. Tuy vẫn mê làm câu đối nhưng chú làm câu đối tiếng Việt. Sau những năm 1950 hoành phi câu đối ở quê tôi, cả ở những nơi thờ tự người ta cũng làm bằng tiếng Việt. Viết chữ quốc ngữ vào các ô tròn hoặc vuông, từ trên xuống dưới nhưng đôi khi từ trái sang phải. Bác và chú tôi mặc áo lương khi còn nhi đồng, vào tuổi thanh niên thì mặc âu phục và khi làm cán bộ thì mặc Tôn Trung Sơn hoặc “đại cán” bốn túi. Mũ phớt, mũ bê-rê đổi thành mũ hồng quân, mũ công nhân hoặc mũ kê-pi của sĩ quan. Tôi (sinh năm 1948) học A, B, C với một cụ đồ biết quốc ngữ. Cấp 1 học tiếng Pháp. Pháp thua ở Điện Biên thì cấp hai học tiếng Nga. Lên cấp ba Nga vướng “xét lại” nên chúng tôi phải chuyển sang học Trung văn. Đại học thì tiếng Trung lại không dùng nữa. Lứa chúng tôi tất nhiên tuyệt không biết áo the khăn xếp mà cũng không đại cán hay Tôn Trung Sơn. Về mũ áo lứa chúng tôi đã “Âu hóa” 100% và về ngoại ngữ cũng Âu hóa 99,9% bởi từ đó chỉ còn có lẽ không tới 0,1% người Việt học tiếng Trung hay môn Hán Nôm mà thôi. Đó là lịch sử lụi tàn của chữ Nho/ tiếng Hoa trong một gia tộc “nho học đời đời”, minh họa cho 100 năm tàn lụi chữ Nho ở Việt Nam. Song song với chữ Nho, tiếng Hoa thì tiếng/chữ Pháp qua mấy trăm năm du nhập từng làm cái thuyền to chở văn minh tư tưởng và khoa học kỹ thuật tân tiến khai hóa xứ lạc hậu u tối An Nam, từng là ngôn ngữ chính thức của quốc gia hơn 80 năm cũng suy tàn “đánh rụp”, chỉ trong vòng hai mươi năm sau khi người Pháp rút qua cầu Long Biên Hà Nội rồi sau đó bị người Mỹ hất cẳng ở Sài Gòn. Ngày nay dù vẫn tham gia Francophonie - Khối tiếng Pháp song số người Việt dùng tiếng Pháp không quá vài ngàn! Liệu có ai có dự án khôi phục tiếng/chữ Pháp làm ngôn ngữ thứ hai hay thứ ba của nước Việt Nam hiện đại không đây?

Ngôn ngữ biến thiên theo những khúc quanh lịch sử chính trị, chiến tranh, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặt khác trong một thế kỷ qua biến thiên nhiều nhất, sâu sắc nhất, tác động quyết định nhất tới tiến hóa xã hội nước ta chính là những biến thiên về ngôn ngữ/chữ viết. Muốn khôi phục/ phục hưng, làm sống lại thứ gì đó đã lụi tàn có lẽ trước hết phải nghiên cứu những nguyên nhân khiến nó lụi tàn và quá trình lụi tàn ấy đã diễn ra như thế nào. Không thể duy ý chí hay viển vông mà được. Xin tuần sau bàn tiếp.

NGUYỄN BỈNH QUÂN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chuyen-chu-nho-va-mu-ao-1-601279.bld