Chuyện Châu Á "quyến rũ" các ngôi sao tennis: Ít hoa hồng, phải nhiều bánh mì

Seoul hay Tokyo. Bangkok và Kualar Lumpur. Rồi sẽ tới Bắc Kinh. Thêm Thượng Hải. Các tay vợt hàng đầu thế giới đã và đang đổ về châu Á những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Khi danh tiếng chưa đủ Nadal nhận 1,7 triệu USD để có mặt ở Bangkok -Ảnh Getty Vẫn có những người đến châu Á với mục đích tham dự các giải nằm trong hệ thống ATP, để lấy điểm và thăng tiến trên BXH, rồi mới tới tiền thưởng. Tức là họ đến châu Á cũng giống như đi châu Âu hoặc châu Mỹ. Số này có thể kể Stakhovsky, Troicky, Istomin, Anderson, M.Russel, M.Berrer, Thiemo de Bakker… Nhưng đó chỉ là những tay vợt hạng hai. Sự xuất hiện của họ chưa thể tạo nên đẳng cấp, biến các giải đấu trở thành sự kiện thể thao (kèm theo thương mại) khiến cả thế giới phải chú ý. Ở châu Á, quần vợt đi sau so với bóng đá, bóng chuyền trong công cuộc tiếp cận với đẳng cấp thế giới. Đỉnh cao nhất là Thượng Hải, sau 3 năm tổ chức ATP World Tour Final, giờ là 1 trong 9 giải thuộc cấp ATP Master 1000. Còn các giải khác, ở Bắc Kinh và Tokyo là 500. Trong khi Bangkok và Kualar Lumpur chỉ nằm trong hệ thống 250 (có 40 giải ATP 250). Trong hệ thống của WTA dành cho nữ, Bắc Kinh và Tokyo là đỉnh, thuộc đẳng cấp “premier” (900 đến 1.000 điểm thưởng, tương tự như Master 1000 của nam). Quảng Châu, Seoul, Osaka (cấp độ International, 280 điểm) cũng chỉ là những giải nhỏ, với 220.000 USD tiền thưởng. Các nước dầu mỏ ở Trung Đông cũng đã và đang trở thành những sân khấu của thế giới banh nỉ. Qatar là chủ nhà của giải đấu WTA Tour Championship, sự kiện khép lại cả mùa giải với sự tham dự của 8 tay vợt nữ có thành tích hàng đầu trong năm. Và đầu năm, Dubai Tennis Championships (UAE) cũng nằm trong lộ trình của các tay vợt lớn trên con đường họ hướng tới Grand Slam đầu tiên trong năm, Australian Open. Thực ra, vị thế quần vợt Trung Đông có được trên bản đồ thế giới được quy đổi từ sức mạnh của những đồng USD có mùi dầu mỏ. Và các nước châu Á khác cũng không thể không đi theo. Châu Á và cuộc đua tiền Rafael Nadal ngay từ tháng 7/2010 xác nhận anh sẽ có mặt, thi đấu ở PTT Thailand Open. Người Thái cực kỳ hãnh diện khi đón tiếp nhà đương kim vô địch Roland Garros, Wimbledon và US Open 2010. Bangkok còn đón nhà vô địch US Open 2009, Juan Martin Del Potro, và tay vợt nằm trong tốp 10 Fernando Verdasco. Bangkok lúc này giống như thủ đô của tennis thế giới vậy. PTT Thailand Open có tổng số tiền thưởng rất khiêm tốn: 551.000 USD. Đó dĩ nhiên không thể là phần thưởng đủ để khiến các tay vợt phải bay những chặng đường dài và đổ mồ hôi trên sân đấu trong giai đoạn quần vợt thế giới bắt đầu khủng hoảng thừa giải đấu (so với khả năng tham dự của các tay vợt). Nhưng Bangkok lại trả cho Nadal tới 1,47 triệu USD tiền phí ra sân, gần bằng 3 lần số tiền thưởng, và chiếm 30% tổng kinh phí tổ chức. Bangkok cũng phải trả cho Verdasco, Jugern Melzer và DelPotro những số tiền không được tiết lộ, nhưng tương xứng với tài năng và tên tuổi của họ. Kualar Lumpur cũng phải trả hàng trăm ngàn USD cho Soderling, Davydenko…, dù cho họ vẫn có “nghĩa vụ” phải bảo vệ điểm số. Đầu năm 2010, khi Kualar Lumpur tổ chức giải nữ, Justin Henin đã ngoảnh mặt với lời mời khi chủ nhà chỉ có thể trả cho cô 200.000 USD. Và dù chỉ có Dementieva, Kirilenko, Liscki, Mirza, họ cũng phải trả phí ra sân cho mỗi tay vợt trong khoảng 100.000-200.000 USD/người. Bắc Kinh, Tokyo, Seoul… không thể đứng ngoài một cuộc đua mà họ xác định từ vài năm nay, là không chỉ đấu giữa châu Á, mà còn phải đấu với cả châu Âu. Năm 2007, Seoul đã trả khoảng 300.000 USD cho Venus Williams để cô từ bỏ các giải đấu ở Luxemburg, Stuttgart và Moscow. Những cái “xác không hồn”? Năm ấy, Seoul đã chiến thắng trên mọi phương diện khi Venus đăng quang. Nhưng không phải cứ bỏ tiền là mua được cả hồn lẫn xác các ngôi sao. Maria Sharapova vừa thảm bại trước “lão bà” 40 tuổi Kimiko Date Krumm ở Tokyo Pan Pacific ngay tại vòng 1. Masha thất vọng một (cô vô địch tại đây năm 2009), các nhà tổ chức giải thất vọng mười. Họ phải trả cho Masha tiền ra sân (năm 2009 là gần 1 triệu USD), để đảm bảo chắc chắn có sự hiện diện của tay vợt quyến rũ bậc nhất lịch sử tennis thế giới ở Tokyo. Đầu năm nay, Dubai đã nhận một vố đau khi Murray biến giải đấu thành nơi anh thử cách chơi mới, tấn công nhiều hơn, và cuối cùng đã thất bại trước Tipsarevic. Đã vậy, Murray còn bảo: “Tôi cũng muốn thắng đấy. Nhưng thất bại này không phải là ngày tận thế. Nếu là Grand Slam hay gì đó tương tự, chiến thuật và cách chơi của tôi sẽ có những sự khác biệt”. Nên nhớ là Murray chỉ có mặt ở Dubai, dù chỉ là giải ATP 500, chỉ sau khi người ta đã trả riêng cho anh 300.000 USD phí ra sân. Không khác gì đánh bạc! Nadal có thể là một nhân cách khác, biết tôn trọng và “ngoại giao” hơn Murray, và hiểu 1,47 triệu USD cũng gần bằng số tiền kỷ lục 1,7 triệu USD tiền vô địch US Open 2010. Nhưng chưa chắc Nadal sẽ chiến đấu như anh vẫn làm ở Monte Carlo, chứ chưa nói tới những gì anh đã nỗ lực ở New York. Thế nhưng, tất cả vẫn chấp nhận ngồi vào chiếu bạc. Khi tennis ở châu Á đang phát triển, tay vợt nam số 1 châu Á chỉ là Lu Yen Hsen, người Đài Loan, đứng 43 thế giới, thì đó là xu hướng khó cưỡng. Và giờ, người hâm mộ quần vợt châu Á nói chung cũng chỉ mong có thế! Từ năm 1998, ATP đưa một số giải đấu ở châu Á vào hệ thống thi đấu hàng năm, trong đó có Qataataatar OpOpen (250), Dubai Tennis Championships (500) và Bắc Kinh. Hệ thống các giải châu Á bắt đầu hình thành từ đó. Phạm Diệu Anh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/158n20101001161301225t158/chuyen-chau-a-quyen-ru-cac-ngoi-sao-tennis-it-hoa-hong-phai-nhieu-banh-mi.htm