Chuyện các Bí thư "học dốt"

- Có những Bí thư suốt đời chỉ biết đi họp và đi xin điểm. Có những Bí thư suốt đời không thoát khỏi cái bóng của danh phận.

Sống trong môi trường đại học và trường phổ thông, các bạn học sinh, sinh viên thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu. Làm thế nào để được điểm cao? Làm thế nào để gây ấn tượng với bạn gái này, bạn trai kia. Có rất nhiều cách để trở nên nổi bật, người thì đầu tư thời gian để học tập nhằm đạt kết quả cao nhất nhì, người thì lao ra ngoài cổng trường với những công việc part time hay những dự án làm ăn đầy hứa hẹn, và có những bạn khác tập trung vào công việc làm Bí thư. Các Bí thư là những nhân vật đình đám trong thế giới học sinh sinh viên, lo lắng những công việc vì lợi ích tinh thần cũng như vật chất cho tập thể. Vai trò của họ là không thể thay thế trong các trường học. Nhưng có một khía cạnh mà ít khi người ta nói đến, đó là công việc chính của những con người ấy: đó là việc học và làm nghề. Họ là học sinh, sinh viên, việc quan trọng nhất mà họ phải làm, đó là học tập và đảm bảo kết quả tốt nhất có thể. Thế nhưng, không phải lúc nào tất thảy mọi bí thư của các trường đều đảm bảo được điều đó. Bên cạnh đội ngũ cán bộ Đoàn thể có thành tích học tập tốt, thì cũng luôn luôn tồn tại rất nhiều các ví dụ về sự nực cười trong mục đích sống của những học sinh sinh viên có liên quan đến công tác này. 1. Bí thư PTTH trượt đại học - Cái dớp khó vượt qua Ở Hà Nội có một trường trung học nổi tiếng về thành tích dạy và học, năm nào cũng có tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp là 100%, tỉ lệ đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng có tiếng luôn nằm trong top các trường đứng đầu cả nước. Nhưng cũng giống như mọi điều tốt đẹp đều có mặt trái của nó, nằm trong nhóm tạo ra tỉ lệ thi trượt hay thi ko đỗ vào nguyện vọng 1, thường hay xuất hiện tên của Bí thư Đoàn trường, sự đáng buồn này cứ xuất hiện năm này qua năm khác, hệt như một cái dớp khó vượt qua. 2. Bí thư Đại học - Họp, họp và thi lại 9/10 môn Lại nói đến các trường Đại học, nơi mà hoạt động Đoàn thể mạnh mẽ và khí thế hơn rất nhiều so với quy mô các trường phổ thông, nghịch lý Đoàn thể và học tập lại xảy ra theo những tình tiết mới, ly kì và hài hước hơn cũng rất nhiều. Một trường đại học ở khu vực Tạ Quang Bửu luôn là một điểm đến mơ ước cho rất nhiều bạn học sinh. Chẳng biết có phải vì thế không mà sau khi thi đỗ, rất nhiều bạn sinh viên dường như đã yêu trường đến mức cống hiến cho trường đến quên mình. Dương Oanh (Hà Nội): "Tôi có biết một anh, khi còn học phổ thông anh học rất giỏi, thi đỗ vào trường với số điểm rất cao. Vào trường, anh tham gia ngay vào các ban hội Đoàn thể, hoạt động hết công suất, luôn trong trạng thái đi họp. Hiển nhiên là với cung cách như vậy, anh chàng Bí thư này đã trượt toàn bộ số môn học của kì đầu tiên trong đời sinh viên, nhất là lại ở một trường nổi tiếng về học khó như trường này. Tưởng như sẽ tỉnh ra, nhưng không, anh này vẫn chí thú với những ước mơ cống hiến, và vẫn tiếp tục ỷ lại vào hậu thuẫn của cha mẹ cho việc học của mình, cứ thế cứ thế, cho đến giờ khi đã lưu ban mất một năm, anh vẫn là lá cờ đầu, là tấm gương cho các đàn em Đoàn thể thân thương của mình". 3. Bí thư các trường nghệ thuật - Chức càng cao, năng lực càng "lùm xùm" Còn ở 2 trường dạy về nghệ thuật khác, đặc thù ngành học luôn sản sinh ra những thế hệ sinh viên đầy kiêu hãnh, với bọn họ tính cá nhân luôn được ưu tiên hàng đầu, thì đội ngũ Đoàn thể lại được nhìn nhận dưới một góc độ hài hước hơn nhiều. Nghịch lý ở những ngôi trường này tồn tại rõ rệt đến mức không chỉ sinh viên, mà ngay cả các giảng viên cũng thường tỏ ra ngán ngẩm. Cứ không dính dáng gì thì còn đỡ, càng có vai vế, càng có chức vụ, thì khả năng chuyên môn về ngành học của các cán bộ Đoàn thể, các cán bộ hội hè, càng kém đến mức đáng ngạc nhiên. 4. Bí thư Đoàn trường - Cái nôi nâng điểm Ở một trường đại học khác, những hoạt động phong trào này thậm chí can thiệp khủng khiếp tới điểm số. Có những sinh viên được cộng tới hơn 1,0 vào điểm trung bình chung. Vẫn biết, có đóng góp cho trường lớp, cho xã hội thì nên được ưu tiên, nhưng lấy sự ưu tiên làm mục đích thì có phải là đáng hổ thẹn hay không? Nếu đến một ngày vắng bóng những bạn bí thư, thì chẳng ai có thể hình dung trường học sẽ ra sao, ai sẽ làm những công việc chung, ai sẽ lo và phụ trách những hoạt động tập thể ??? Họ thực sự rất quan trọng. Thế nhưng, liệu có nên tiếp tục tình trạng này hay không, khi mà những con người cầm mõ đó lại chỉ muốn đi lên bằng phong trào, bằng những điểm số được cộng bởi các hoạt động bề nổi. Có nên không, khi một người đứng đầu lại là một người kém cỏi? Có nên không, khi người đứng đầu lại thường xuyên phải đón nhận những ánh mắt coi thường? Các quý thính giả, xin hãy lên tiếng. Radio Vietnamnet chờ đợi những phản hồi của các bạn. Hãy để lại ý kiến ở hộp phản hồi bên dưới hoặc gửi mail về địa chỉ radio.vietnamnet@gmail.com. Trà My (Thực hiện)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/radiovnn/201009/Chuyen-cac-Bi-thu-hoc-dot-937792/