Chuyện buồn của gánh cải lương miền Tây

Sau khi trở lại rạp, phim Việt 'Sáng đèn' - có NSND Hồng Vân tham gia - vẫn không được khán giả đón nhận. Tác phẩm có thông điệp sâu sắc nhưng còn một vài hạn chế ở khâu kịch bản.

Sáng đèn là một trong những phim Việt chốt lịch phát hành dịp Tết Nguyên đán rồi bất ngờ tuyên bố rút rạp. Dự án quy tụ dàn diễn viên thực lực gồm NSND Hồng Vân, NSƯT Hữu Châu, Chí Tâm, Bạch Công Khanh… lại chọn đề tài cải lương vốn kén người xem.

Sau hơn một tháng, phim trở lại phòng vé nhưng không tạo được hiệu ứng tốt với khán giả. Hiện tổng doanh thu chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng và nhiều khả năng sẽ phải chịu cảnh ế ẩm đến khi rút rạp.

Chuyện buồn của gánh cải lương

Tác phẩm do Hoàng Tuấn Cường đạo diễn. Anh là người từng làm nhiều dự án kinh dị đạt doanh thu tương đối tốt như Nhà không bán (2022), Vong nhi (2023). Lần này, nhà làm phim chuyển hướng với một câu chuyện nặng về tâm lý xã hội.

Phim đặt bối cảnh miền Tây thập niên 1990, thời điểm nhiều đoàn cải lương gặp khó khăn, bắt đầu tan rã. Không thoát khỏi thời cuộc, gánh hát Viễn Phương của ông Bầu (Hữu Châu) cũng phải cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi đam mê.

Tạo hình NSƯT Hữu Châu trong phim.

Vì chiều theo thị hiếu khán giả, họ quyết định chuyển mình từ đoàn ca cổ trở thành gánh tạp kỹ, sẵn sàng thực hiện đủ tiết mục, thể loại, từ xiếc, lô tô đến tấu hài…

Kịch bản phim nghiêm túc, chủ yếu khai thác cuộc đời các đào kép theo nghiệp cầm ca. Đơn cử, kép trẻ Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh) phải đi vác gạo thuê kiếm thêm thu nhập, đào chánh Kim Yến (Lê Phương) làm nghề đánh bóng bàn ghế để có tiền trang trải cuộc sống.

Chưa kể, gánh hát còn đối diện nguy cơ tan rã khi bị băng nhóm bảo kê quấy phá. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai từng nghệ sĩ, khiến đôi lúc họ muốn bỏ cuộc.

Song, tình yêu nghệ thuật trở thành ánh sáng và là nguồn động lực giúp họ đứng dậy, tìm cách vượt qua khó khăn.

Nội dung phim đơn giản và không có nhiều yếu tố bất ngờ. Sau hồi đầu giới thiệu các nhân vật, diễn biến ở nửa cuối cũng không quá khó đoán.

Biên kịch liên tục đặt các nhân vật vào những tình huống khác nhau, chủ yếu để khai thác diễn biến tâm lý của từng người.

Một vài cảnh quay đơn giản nhưng tạo được cảm xúc, như cảnh ông Bầu thở dài khi nhìn thấy hàng ghế khán giả chỉ có vài người, bất lực mà không biết làm sao. Hay khi các diễn viên vừa hát vừa lo sợ điện cúp, phải dừng lại bất cứ lúc nào.

Diễn xuất chân thực, thông điệp tốt

Dù kịch bản còn một vài điểm trừ, phim vẫn tạo được cảm xúc nhờ phần diễn xuất của các gương mặt thực lực. Nổi bật nhất là NSƯT Hữu Châu với lối diễn tự nhiên, không lên gân.

Diễn viên thực sự thấu hiểu nhân vật và lột tả được cảm xúc của một ông bầu mang nhiều tâm tư. Càng về cuối phim, ông càng lôi cuốn khán giả với lối diễn nặng nội tâm.

Một vài hình ảnh trong phim.

NSND Hồng Vân không gây bất ngờ với dạng vai sở trường. Dù xuất hiện với thời lượng ít ỏi, chị vẫn mang lại tiếng cười, phần nào giảm bớt sự nặng nề cho phim.

Các gương mặt Lê Phương, Cao Minh Đạt hay Bạch Công Khanh cũng làm tròn vai, thể hiện được cảm xúc của nhân vật. Sự phối hợp nhịp nhàng của các diễn viên là yếu tố giúp câu chuyện trở nên gần gũi, dễ cảm hơn.

Khi ra mắt lần đầu, Sáng đèn được đánh giá tốt về mặt nội dung, ý nghĩa. Phần lớn cho rằng tác phẩm là lời tri ân dành cho cải lương - loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã không còn ở giai đoạn đỉnh cao. Phim cũng ca ngợi những người nghệ sĩ thực thụ, không ngại cống hiến hết cuộc đời cho nghệ thuật.

Tuy nhiên, phim gặp đối thủ mạnh là Mai – Trấn Thành đạo diễn – nên thành tích doanh thu lẹt đẹt. Đây là một trong những yếu tố khiến ê-kíp quyết định rút rạp.

Còn hạn chế nên không hút khách

Khi trở lại phòng vé, Sáng đèn tiếp tục đụng độ các bom tấn ngoại như Kung Fu Panda 4, Dune 2: Hành tinh cát, phim hàn Exhuma: Quật mộ trùng ma.

Tác phẩm thiếu yếu tố hút khách nên không được khán giả đón nhận nồng nhiệt, chỉ thu về hơn một tỷ đồng, nâng tổng doanh thu hiện tại hơn 2 tỷ đồng.

Nhiều khả năng Sáng đèn có doanh thu không cao, khó vượt mốc 10 tỷ đồng

Một số ý kiến cho rằng phim còn hạn chế ở khâu kịch bản. Các tình tiết còn mang nặng tính sắp đặt, chủ yếu để khơi gợi cảm xúc khán giả. Biên kịch cố gắng đan xem nhiều câu chuyện nhỏ khiến tổng thể phim còn rời rạc, thời lượng dài (128 phút).

Bối cảnh miền Tây thập niên 1990 chưa được khai thác sâu. Một phần có lẽ vì kinh phí sản xuất không cao. Bên cạnh đó, màu phim bị chỉnh quá đà để tạo cảm giác hoài cổ, khiến màu da diễn viên bị ngả vàng.

Về cơ bản, Sáng đèn là tác phẩm có thông điệp và ý nghĩa rõ ràng. Ê-kíp cũng dũng cảm khi chọn chủ đề cải lương kén khán giả, ít được khai thác.

Đáng tiếc, những mặt hạn chế trong khâu kịch bản khiến phim mất điểm, chưa thể tỏa sáng như nhan đề gợi mở.

Minh Nhật

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-buon-cua-ganh-cai-luong-mien-tay-post1623189.tpo