Chuyển Bộ Công an điều tra nhiều dự án điện gió, điện mặt trời xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản Quốc gia tại Bình Thuận

Thanh tra Chính phủ phát hiện tại Bình Thuận nhiều dự án điện mặt trời, điện gió được xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản Quốc gia sai quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai nên chuyển hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Phụ lục số 02 kèm theo thông báo kết luận thanh tra (KLTT) số 3116/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các dự án điện gió, điện mặt trời (ĐMT) ở Bình Thuận.

13 dự án điện gió, điện mặt trời xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản Quốc gia

Nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai tại Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3

Nhiều sai phạm trong lĩnh vực đất đai tại Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3

Phụ lục số 02 nêu: Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản (số 6612/BTNMT-ĐCKS ngày 6.12.2017, số 2084/BTNMT-ĐCKS ngày 24.4.2018) hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng dự án trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian dự trữ khoáng sản… là không có cơ sở; Tham mưu Thủ tướng Chính phủ về việc chọn địa điểm xây dựng dự án Nhà máy điện gió Đại Phong, Nhà máy điện gió Hồng Phong 1 trong khi chưa có Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 dự án ĐMT và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia. Cụ thể Nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 còn xây dựng trên 40,57ha rừng, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo giải trình có UBND tỉnh Bình Thuận Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Thắng đã nộp quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận số tiền hơn 10 tỷ đồng để trồng rừng thay thế theo phương án đã được phê duyệt.

Theo phụ lục 02, UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty Cổ phần điện gió Hồng Phong 1 thuê đất để đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện gió Hồng Phong 1, công suất 40MW với diện tích 14,7ha, tăng sai 0,75ha, vi phạm khoản 2 Điều 12 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15.1.2019 của Bộ Công Thương.

Điện gió Đại Phong tại Bình Thuận

Điện gió Đại Phong tại Bình Thuận

Bộ Công thương phê duyệt kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, công suất 150MWp, diện tích sử dụng đất là 207 ha, tăng sai 27ha; Thực tế UBND tỉnh Bình Thuận đã cho Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1 thuê 195,04ha để xây dựng Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, tăng sai 15,4ha là vi phạm khoản 4 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12.9.2017 của bộ Công Thương.

Triển khai dự án kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”

Nhà máy điện gió Hồng Phong 1. Ảnh: tds.com.vn

Nhà máy điện gió Hồng Phong 1. Ảnh: tds.com.vn

Phụ lục 02 của thông báo KLTT cho biết Công ty Cổ phần Điện mặt trời đã khởi công Nhà máy ĐMT Phong Phú, đường dây diện và ngăn lộ mở rộng trên diện tích 56,32ha trước khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, bàn giao đất trên thực địa (46,6ha được cho thuê đất sau ngày khởi công và 9,73ha đến thời điểm thanh tra chưa được cho thuê).

Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Thắng chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đã khởi công xây dựng trên đất trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó có 40,57ha đất rừng, đến thời điểm thanh tra (tháng 6.2022) chưa được UBND tỉnh Bình Thuận cho Thuê đất là hành vi chiếm dụng đất.

Hành vi vi phạm của Công ty Cổ phần Năng lượng Hòa Thắng và Công ty Cổ phần Điện mặt trời là hành vi chiếm dụng đất, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013.

Nhà máy điện mặt trời Phong Phú

Nhà máy điện mặt trời Phong Phú

Tương tự, các đơn vị khác mặc dù chưa được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất nhưng đã thực hiện hành vi chiếm dụng (hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013. đất để xây dựng các nhà máy điện: Công ty TNHH ĐMT Trường Lộc Bình Thuận (chiếm dụng 48,31ha trong 1 năm 7 tháng), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đại Phong (chiếm dụng 15,49ha trong 2 năm 2 tháng), Công ty Cổ phần Điện gió Hồng Phong 1 (chiếm dụng 14,75 ha trong 7 tháng), Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1 (chiếm dụng 195,04ha trong 1 năm 2 tháng), Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 (chiếm 119,72ha trong thời gian 1 năm 4 tháng).

Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên Niên kỷ đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy ĐMT Hồng Phong 5.2 ngày 16.6.2020, vận hành ngày 24.12.2020 là vi phạm quy định tại các quyết định cho thuê 55,47ha đất của UBND tỉnh Bình Thuận; Thời điểm thanh tra vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cho phép xây dựng trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Bình Thuận.

Công ty Cổ phần Đức Thành Mũi Né (chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Mũi Né) và Công ty Cổ phần Hà Đô Bình thuận (chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Hồng Phong 4) cũng vi phạm tương tự Công ty Cổ phần Năng lượng Thiên niên kỷ.

Nhà máy điện mặt trời 5.2

Nhà máy điện mặt trời 5.2

Cũng theo phụ lục 02 thông báo KLTT có 3 nhà máy đến thời điểm vận hành, bán điện nhưng vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất là Nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 (Công ty TNHH ĐMT Trường Lộc Bình Thuận), Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A (Công ty Cổ phần Hồng Phong 1) và Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1B (Công ty Cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2); Có đến 12/13 dự án vào sử dụng khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

Thanh tra Chính phủ đã chuyển đến Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an hồ sơ vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/ Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận.

*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Quang Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/chuyen-bo-cong-an-dieu-tra-nhieu-du-an-dien-gio-dien-mat-troi-xay-dung-tren-dat-du-tru-khoang-san-quoc-gia-tai-binh-thuan-i355598/