Chuyển biến tư duy từ 'làm văn hóa' sang 'quản lý nhà nước về văn hóa'

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định thành công rõ nét của ngành văn hóa trong năm qua là sự chuyển biến tư duy từ 'làm văn hóa' sang 'quản lý nhà nước về văn hóa'.

Sáng 3/1/2024, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đề nghị bố trí ngân sách, quỹ đất để đầu tư thiết chế văn hóa

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày Báo cáo công tác VHTTDL năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Ông khẳng định thành công rõ nét của ngành văn hóa trong năm qua là sự chuyển biến tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa".

Năm 2023 cũng ghi dấu ấn thành công của chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023) do Bộ VHTTDL đóng vai trò tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư, Chính phủ và chủ trì triển khai.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

"Các hoạt động lễ hội được chỉ đạo từ sớm, từ xa, tổ chức theo đúng quy định. Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều sự kiện du lịch mang tính chất, quy mô toàn quốc. SEA Games 32 tại Campuchia, đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra và lần đầu tiên giành được vị trí thứ Nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games ở nước bạn, khẳng định hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Định hướng năm 2024, ông Hùng khẳng định quyết tâm ngành VHTTDL sẽ phải phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt với sự nghiệp “chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới".

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị Quốc hội ban hành chính sách đặc thù cho thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn và tương đương); đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung kinh phí đầu tư và định mức kinh phí từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là đối với các tỉnh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị bố trí ngân sách, quỹ đất để đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, đảm bảo kinh phí hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng

Trình bày tham luận tại Hội nghị, NSND Xuân Bắc nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bên cạnh những thành tựu khoa học và sự hỗ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu đời sống con người đáng kinh ngạc thì mặt trái của nó cũng vô cùng khủng khiếp, tác động tiêu cực mạnh mẽ, đặc biệt là đối với nền văn hóa.

"Là một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL, là các nghệ sĩ - chúng tôi ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa và việc bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới", NSND Xuân Bắc bày tỏ.

NSND Xuân Bắc.

NSND Xuân Bắc cho biết, những năm qua Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng đặc biệt đến đẩy mạnh công tác quảng cáo, truyền thông.

"Đối với công tác tuyên truyền trong thời kỳ mới, chúng tôi thực sự thấy được giá trị của việc đi tắt đón đầu trong thông tin. Có những trang nặc danh, trang fake cố tình gây hiểu lầm tạo dư luận, đánh tráo khái niệm nhằm định hướng và kích động những người nhẹ dạ, hồ đồ, thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó có rất nhiều cư dân mạng sẵn sàng bộc lộ quan điểm nhận thức của mình một cách đầy vội vàng, thiếu kiểm chứng, sẵn sàng phán xét hay chụp mũ, biến bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, bị tấn công trên mạng xã hội", NSND Xuân Bắc nêu thực trạng.

Nghệ sĩ bày tỏ lo ngại, nếu cứ để tình hình này diễn ra, không khéo một trong những nét văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua. Điều này quả thực quá nguy hiểm.

"Tôi tha thiết mong Bộ trưởng có ý kiến với các bộ ban ngành liên quan cùng với Bộ VHTTDL có những cách giải quyết quyết liệt và triệt để hơn nữa", NSND Xuân Bắc nhấn mạnh.

Ngoài ra, NSND Xuân Bắc cũng cho biết, công tác số hóa tại Nhà hát Kịch Việt Nam đã được Ban Giám đốc chú trọng. Hiện đã tiến hành số hóa các vở diễn, kịch bản, thông tin ê-kíp, phục trang, đạo cụ của Nhà hát với những thông tin, thông số chi tiết. Việc này giúp cho công tác tìm kiếm, kiểm tra được thuận lợi và dễ dàng.

"Nhà hát Kịch Việt Nam đang có một kho phục trang đồ sộ và phong phú với các kiểu trang phục của Việt Nam và thế giới (số phục trang này có được thông qua những tác phẩm mà Nhà hát dàn dựng). Ngoài công tác lưu giữ để biểu diễn, đây còn là một cơ sở để nghiên cứu đối chiếu trong công việc liên quan đến văn hóa Việt Nam và thế giới qua các thời kỳ", NSND Xuân Bắc chia sẻ.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nsnd-xuan-bac-van-hoa-nguoi-vn-trong-tinh-hinh-moi-la-phan-xet-chup-mu-a-dua-2234554.html