Chuyện anh em họ Lê Hữu ở xã Hoằng Trạch

Theo gia phả họ Lê Hữu ở thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa) và các tư liệu gia phả ở các chi thì từ đường họ Lê Hữu là nơi thờ tự hai vị quan lớn đó là Lang trung tước Đô úy hầu Lê Phúc Diễn và Gián nghị đại phu, tước Đĩnh ngọc hầu Lê Phúc Thực.

Ông Lê Hữu Bào thắp nén hương lên bàn thờ họ Lê Hữu ở thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa).

Vùng đất Đồng Lạc, tổng Bái Trạch, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung xưa, nay là xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa vốn được bồi lắng của 2 dòng Mã giang và Chu giang. Trong 4 di tích đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn xã thì có 3 di tích nằm ở thôn Đồng Lạc.

Về thôn Đồng Lạc, chúng tôi được trưởng thôn Lê Xuân Đằng giới thiệu: Trong số các dòng họ lớn thì dòng họ Lê Hữu rất đặc biệt. Không phải là những người gốc gác ở đây, nhưng đã góp phần làm phong phú thêm truyền thống yêu nước, hiếu học trên mảnh đất này.

Bốn câu thơ “Sơn Tây xuất xứ/ Thanh Hóa có cư/ Đồng Bình hưởng lạc/ Vạn đại niên dư” đã thể hiện đầy đủ xuất thân và gia phả của dòng họ Lê Hữu nói chung và chuyện về Lê Phúc Diễn, Lê Phúc Thực nói riêng. Ông Lê Hữu Bào, trưởng họ Lê Hữu nói với chúng tôi rằng: Dòng họ Lê Hữu có gốc từ đạo Sơn Tây, trấn Sơn Nam, định cư vào Thanh Hóa thời Lê trung hưng, nhưng không rõ thời gian cụ thể, chỉ biết rằng khi ấy các cụ đang làm quan. Vì loạn lạc khói lửa và tránh họa diệt tộc hai cụ đem vợ con về địa phận Thanh Hóa. Khi qua đất Đồng Lạc, thấy nơi đây có phong cảnh đẹp bốn bên bằng phẳng, bèn định cư.

Những tài liệu ghi một cách cụ thể về công lao hành trạng của hai ông đã không còn, nhưng may mắn là vẫn còn 2 tấm bia. Tương truyền, Lê Phúc Diễn, tên thụy là Thanh Khiết phủ quân. Ông là người rắn rỏi, ngay thẳng, ưa nói thực, ghét điều trái, có tài thao lược. Ông theo nghiệp binh và giữ tới chức Lang trung binh bộ được phong tước Đô úy hầu. Còn người em là Lê Phúc Thực, tên thụy là Thanh Cần phủ quân. Vốn là người hay chữ, rất giỏi hùng biện, tính toán cơ sự, được triều đình tuyển dụng làm Gián nghị đại phu giúp triều đình lo toan các công việc chính sự, luận bàn các việc đúng sai. Ông được phong tước Đĩnh ngọc hầu.

Với tài năng, đức độ của hai ông, khi mất, triều đình ban thưởng cho dòng họ hơn 2 sào đất để làm bia mộ. Từ đó, Nhân dân trong vùng và con cháu dòng họ đã xây cất quần thể mộ - bia ký, từ đường khá trang trọng.

Thắp nén nhang lên bàn thờ cụ tổ của dòng họ, ông Lê Hữu Bào nói: Qua bao thế hệ kế tiếp, ông cha chúng tôi thường dặn dò con cháu phải giữ gìn từ đường. Tuy nhiên, do biến thiên của lịch sử và sự hủy hoại của thiên nhiên, từ đường nhiều lần đã phải tu sửa. Lần sửa sang đầu tiên vào niên hiệu Tự Đức thứ 10 (1857), sau đó đến thời Bảo Đại lại tiếp tục tu bổ phần hậu cung và hai hồi nhà. Gần đây, đời sống kinh tế ổn định hơn, tôi cùng con cháu trong dòng họ đều đặn chăm chút hương khói cho các cụ.

Ngôi mộ và bia Gián nghị đại phu Lê Phúc Diễn nằm ở chợ Mới của xã.

Ngôi từ đường gồm ba gian lợp ngói mũi, mang kết cấu theo kiểu kẻ chuyền giá chiêng quay về hướng Nam. Tất cả hiện vật trong gian thờ như: sập hương án, thần vị, bình hương, chân đèn... đều được con cháu gìn giữ, đặc biệt là đôi long ngai. Nằm cách từ đường khoảng chừng gần 1km là 2 khu mộ đá và bia ký. Trong đó có một bia đá đề: “Bản xã Đồng Lạc Lê tộc bi ký” ghi rõ tên và chức tước của Gián nghị đại phu Lê Phúc Thực. Và một tấm ghi tên Lang trung binh bộ Đô úy hầu Lê Phúc Diễn dù đã bị gãy làm đôi song vẫn nhìn khá rõ. Ông Lê Hữu Thới, một người trong dòng họ, cho biết: “Các cụ tôi vẫn còn truyền lại là ngày xưa tại khu vực mộ có miếu thờ uy nghiêm theo phong tục "thượng sàng, hạ mộ”, nghĩa là trên có ban thờ, dưới có mộ phần. Con cháu chúng tôi rất tự hào vì từ đường và bia mộ của 2 cụ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2002. Tuy nhiên, điều chúng tôi vẫn còn áy náy với tiền nhân là mộ cụ Lê Phúc Diễn đang nằm giữa chợ Mới của xã, suốt ngày ồn ào, xô bồ, thậm chí hôi thối. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên xã và các cấp cao hơn về việc dành một phần ít diện tích để mở lối đi riêng vào khu bia, mộ. Nhiều đoàn khảo sát đã về, cũng đã đề xuất nhiều ý kiến với mong muốn tạo điều kiện để khu bia, mộ khang trang sạch đẹp hơn. Ngày giỗ cụ hằng năm vào 24 tháng 11 âm lịch, con cháu về dâng hương đều cũng chỉ có chung một tâm nguyện này”.

Nói về câu chuyện này, ông Lê Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trạch cho biết: Xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa) có 5 thôn với số dân là 5.000 người, riêng thôn Đồng Lạc với 1.700 người. Ngân sách Nhà nước có hạn, vì thế ngoài đình Đồng Lạc hằng năm có hỗ trợ quét vôi ve, dọn dẹp... việc bảo tồn các di tích còn lại đều dựa vào nguồn xã hội hóa. Riêng từ đường bia mộ Gián nghị đại phu Lê Phúc Thực và Lang trung binh bộ Đô úy hầu Lê Phúc Diễn địa phương đang khảo sát và có kế hoạch để bảo tồn phát huy giá trị di sản.

Bài và ảnh: CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/chuyen-nbsp-anh-em-ho-le-huu-o-xa-hoang-trach/27975.htm