Chút tâm tình về Mẹ và chúng con

Vậy là đã chạm mốc 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 kể từ năm 1910 cho đến nay. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ở đất nước Việt Nam, đất nước của những người phụ nữ nổi tiếng duyên dáng, thật thà, thủy chung, nhân hậu, dấu mốc quan trọng về lịch sử cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ trên toàn thế giới này lại thường gắn với kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đến nay cũng đã ngót 1984 năm vang danh trong sử sách.

Tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày hội đến trường năm học 2023-2024 của các cháu Trường mầm non Triệu Lăng, Triệu Phong -Ảnh: Đ.T

Cũng có thể có nhiều nhắc nhớ trong sự kết nối đặc biệt ý nghĩa này, nhưng phải chăng, để mỗi năm có một ngày 8/3 tràn ngập hoa và lời chúc mừng tốt đẹp như hôm nay, đã có rất nhiều máu, nước mắt và sự hy sinh vô bờ bến của những người phụ nữ Việt Nam đã hiến dâng để giành lấy tự do, độc lập, hòa bình, hạnh phúc trong hành trình dựng nước và giữ nước.

Nhân ngày 8/3 năm nay, tôi lại muốn có chút tâm tình về gia đình, về tình mẫu tử, bởi theo tôi hiểu, cách nghĩ này có sự đồng cảm, giao thoa với ý nghĩa của dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ. Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Côpenhagen (thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm “Ngày Quốc tế phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ; Việc làm ngang nhau; Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Và từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới; biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em.

Hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em, đó cũng chính là hạnh phúc của một gia đình. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình.

Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Chỉ thị nhấn mạnh: Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại...

Nói đến gia đình không thể không nói đến trẻ em, con cái. Bởi trẻ em, con cái chính là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất “gương mặt” của gia đình. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đó là trách nhiệm của nhà trường, xã hội, nhưng trước hết là trách nhiệm của các gia đình mà cụ thể hơn, đó là thiên chức của các bậc cha mẹ, trong đó người vợ, người mẹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Bởi lẽ gia đình là tổ ấm của mỗi người từ khi lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay. Khi còn nhỏ, nhờ tiếp thu nền nếp gia phong rồi theo thời gian, quá trình được học tập, giáo dục sẽ hình thành, bồi đắp, định hình nên nhân cách con người.

Dân gian thường nói: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”,“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” là có ý đó. Đặc biệt, trong gia đình, khi so sánh: “Công cha như núi Thái Sơn”, liền đó, cha ông chúng ta cũng có sự tôn vinh đúng với tầm vóc của người phụ nữ: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, nhưng lại luôn nhắc nhớ: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”... Đây chính là chỉ dấu xác định vai trò, trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong việc cùng với người chồng, người cha chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái nên người.

Thực vậy, tạo hóa đã trao cho người phụ nữ trong gia đình một thiên chức thiêng liêng và cao cả, đó là thiên chức làm vợ, làm mẹ; thiên chức chín tháng mười ngày mang nặng, đẻ đau; thiên chức nuôi dưỡng con thơ bằng nguồn sữa được chắt chiu từ chính trong máu thịt của mình.

Đứa con với người mẹ, trên thực tế luôn có sự liên kết bền chặt và cảm động về tình cảm thiêng liêng huyết thống từ khi còn nằm trong bụng mẹ, được bảo bọc, chăm chút, được mẹ cha nâng đỡ, dìu dắt bước những bước đi chập chững đầu tiên và luôn bên con, chia sẻ những ngọt bùi, đắng cay với con, thuận vợ, thuận chồng nâng bước chân con bay cao, đi xa trên cuộc đời này.

Một xã hội lành mạnh, văn minh, phát triển phải là xã hội được xây dựng nên từ những tập hợp gia đình nền nếp thiện lành, đạo đức trong sáng và có khát vọng cao đẹp. Không có đứa con tốt thì không thể có một công dân tốt cho xã hội tương lai và ngược lại.

“Trẻ em hôm nay- Thế giới ngày mai”- thông điệp ấy được khẳng định như là một chân lý và luôn nhắc nhở chúng ta, luôn đặt lên vai các bậc cha mẹ trách nhiệm trĩu nặng vì thế hệ tương lai của đất nước, nói như đại thi hào Tagore: “Con cái không chỉ là con cái của mình, mà còn là những giấc mơ của cha mẹ chúng”.

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, trên bình diện quốc tế, chúng ta có quyền tự hào khi Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn đặt công tác phụ nữ vào một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ, công bằng xã hội. Có thể thấy, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ.

Qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đều có định hướng rõ nội dung, phương hướng lãnh đạo công tác phụ nữ để các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị thực hiện. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới...”.

Gắn kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã một lần nữa khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, với tầm vóc cao đẹp về tình cảm, đức hạnh và trí tuệ, những người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã làm lên tượng đài đẹp nhất, kỳ vĩ nhất về người phụ nữ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Đặc biệt, thiên chức thiêng liêng nhất, sự cống hiến vĩ đại nhất của người phụ nữ Việt Nam cho dân tộc, sau trước vẫn là xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cái nên người, với khát vọng giản dị mà cao cả, nói như một nhà giáo dục học, làm sao để: “Thời thơ ấu của con người như con suối nhỏ; lúc trưởng thành như một dòng sông, về già lại như biển cả. Con suối phải trong trẻo, dòng sông phải hùng vĩ và biển khơi thì phải bao la...”.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chut-tam-tinh-ve-me-va-chung-con/183972.htm