Chụp ảnh chân dung khi mua sim: Hợp lý hay bất cập?

Theo Nghị định số 49/2017, quy định người dùng phải đính kèm ảnh chân dung chính mình khi đăng kí sử dụng thuê bao điện thoại, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong người dân những ngày gần đây.

Ngăn chặn hiện tượng SIM rác, tin nhắn rác đang ngày một lan rộng

Việc mua bán SIM điện thoại tràn lan như hiện nay khiến việc gửi tin nhắn nặc danh (tin nhắn rác) trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Hiện tượng này ảnh hưởng đến việc quản lí an ninh trật tự và gây ra sự không thoải mái cho những người dùng thuê bao khác.

Chưa bao giờ SIM rác được bán tràn lan và thoải mái như hiện nay.

Quyết tâm chấm dứt nạn SIM rác gây nhức nhối trong nhiều năm qua, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) ra nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, phối hợp cùng các nhà mạng thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm tra, siết chặt quản lý việc mua bán SIM nhằm tránh tình trạng SIM không rõ nguồn gốc đến tay người sử dụng dịch vụ.

Bộ TT&TT đã có nhiều cuộc họp trước khi quyết định bổ sung việc chụp ảnh chân dung vào nghị định 49.

Một trong những điểm quan trọng của nghị định bổ sung này cho hay ngoài việc cung cấp các giấy tờ tùy thân, người mua SIM phải đính kèm ảnh chân dung chính mình thì SIM mới hợp lệ. Quy định này được áp dụng cho các thuê bao đăng ký sau ngày 24/4/2017. Với các thuê bao được kích hoạt trước ngày 24/4/2017 thì các nhà mạng có 12 tháng để bổ sung thông tin khách hàng theo quy định mới.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện khi nhận được thông báo của nhà mạng sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo.

Bộ TT&TT cho hay đây là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn các tội phạm công nghệ thông tin nguy hiểm lợi dụng sơ hở của nhà mạng để lừa đảo, cung cấp những thông tin sai lệch gây mất lòng tin của nhân dân.

Nhà mạng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện

Quy định là một chuyện, nhưng việc thực hiện nó một cách trơn tru lại là một chuyện khác. VinaPhone (trực thuộc VNPT) là nhà mạng tiên phong trong việc thực hiện nghị định mới. Sau hơn 1 tháng thực hiện thì công tác lấy và bổ sung thông tin khách hàng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhà mạng này cho hay phần đông khách hàng cho rằng mình đang bị "làm khó", không ít người phản ứng mạnh không chịu đến trung tâm chụp ảnh chân dung. Giải thích cho người sử dụng dịch vụ hiểu về quy định mới đã khó, kêu gọi họ chụp ảnh chân dung còn khó hơn.

Khách hàng đang đăng kí mua SIM tại cửa hàng VinaPhone.

MobiFone, cũng gặp khó khăn tương tự khi khách hàng không chịu chụp ảnh vì lí do đã cung cấp CMND cho nhà mạng rồi. "Trong CMND đã có hình ảnh và dấu vân tay kèm theo, vậy việc chụp thêm ảnh chân dung là không cần thiết" - Chị Khương Thúy Vân, một thuê bao dùng SIM MobiFone ở Quận 9 cho biết.

Không những tốn thời gian, việc sao lưu và lưu trữ đến hàng trăm nghìn thông tin của các chủ thuê bao cũng khiến các nhà mạng "điêu đứng" vì chi phí nâng cấp hệ thống là không hề nhỏ. VinaPhone có khoảng 1.200 cửa hàng, MobiFone có 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Viettel cũng có hàng ngàn cửa hàng, chưa tính cả số đại lý được ủy quyền. Nếu nhân lên, số tiền sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng. Trường hợp thiếu kinh phí, một số đại lý phải đóng cửa thì số lượng người đổ dồn lên các cửa hàng chính là không tránh khỏi.

Dư luận xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều

Ngay khi nghị định 49 được ban hành đã làm dấy lên làn sóng dư luận sôi nổi trong nhân dân về vấn đề này với nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Chị Phan Nhật Hà, thuê bao MobiFone, Quận 1 cho biết: "Nghị định này giúp quản lí được tình trạng SIM rác không rõ nguồn gốc hiệu quả, nhà mạng cũng thuận tiện trong việc quản lí các thuê bao của mình."

Một số người dùng dịch vụ khác cũng có quan điểm tương tự. Anh Nguyễn Phúc Sang, thuê bao Viettel, Quận Thủ Đức cho hay: "Các nhà mạng cần có nhiều thông báo và cung cấp thêm tin tức giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn."

Nhưng cũng không ít người dân tỏ ra "bất bình" về quy định mới này.

Một tài khoản mang tên @phamducphi bức xúc bình luận rằng: "Quản lý chặt quá cũng không hay! Đăng ký thuê bao đã có CMND, bản đăng ký, ảnh chụp CMND thì tại sao cần có ảnh cá nhân nữa?"

Bạn đọc tên @hanguyen: "Tôi toàn bị tin nhắn rác từ nhà mạng, ít khi bị thuê bao khác nhắn tin rác. 1 ngày nhận không dưới 10 tin nhắn rác từ chính nhà mạng đang sử dụng."

Người dùng @thanhtam cũng không đồng tình: "Theo tôi, khi đăng ký thuê bao nhà quản lý nên chụp cái vân tay trên CMND hơn là chụp chân dung! Làm như vậy vừa quản lý được chủ thuê bao, vừa kích thích người dân có trách nhiệm với cái CMND của mình hơn, không cho mượn CMND để đăng ký bậy bạ. Rườm rà hóa thủ tục làm gì để sau này lại phải đơn giản hóa?"

Tran Le - Theo Thethaovanhoa.vn

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chup-anh-chan-dung-khi-mua-sim-hop-ly-hay-bat-cap-190422/