Chương trình OCOP - Tạo động lực phát triển kinh tế khu vực nông thôn

PTĐT - 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế...

Kỳ I:Đòn bẩy từ mỗi xã một sản phẩm

Bưởi đặc sản Đoan Hùng đang được phát triển, chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.- Dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bưởi đặc sản Bằng Luân (xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng).

PTĐT - “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình hướng đến mỗi xã sẽ tạo ra ít nhất một hay nhiều sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh, tiến tới xây dựng thương hiệu, liên kết mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, đồng thời đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Hiện chương trình đang được các địa phương triển khai tích cực, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó, chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế HTX. Nhằm triển khai hiệu quả chương trình, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình và giai đoạn. Chương trình được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn và cả khu vực đô thị với mục tiêu góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần đưa chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.
Bước đầu, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm OCOP dựa trên các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể, làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở danh mục các sản phẩm thế mạnh đã được thống kê, sản phẩm tham gia OCOP của tỉnh được chia thành 4 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; lưu niệm- nội thất - trang trí và dịch vụ - du lịch nông thôn; ưu tiên lựa chọn 23 danh mục sản phẩm chủ lực để tiêu chuẩn hóa, phát triển OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm địa phương có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP cấp Quốc gia như: Bưởi đặc sản Đoan Hùng, chè xanh Phú Thọ, thịt chua… Ngoài ra, tỉnh khuyến khích các địa phương tạo điều kiện lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản của địa phương, các sản phẩm truyền thống có nguy cơ thất truyền, tập trung hỗ trợ khôi phục và phát triển trong các làng nghề, phấn đấu tiêu chuẩn hóa sản phẩm tham gia chương trình.Theo đó, các địa phương tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá thực trạng các sản phẩm trên địa bàn, đồng thời xây dựng nội dung, kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trước mắt, mỗi huyện, thành, thị chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 1-2 dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm trọng điểm theo chuỗi giá trị, lựa chọn 2-3 sản phẩm lợi thế nhất để tập trung hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện kiểu dáng, bao bì, mẫu mã, nhãn hàng hóa sản phẩm nhằm đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo quy định. Chủ động lồng ghép các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình.Việc phân hạng sản phẩm chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng sao, trong đó, đạt hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; hạng 2 sao sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, hạng 1 sao là sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình. Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: Cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương.Từ lâu, cây bưởi đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Đoan Hùng. Toàn huyện hiện có trên 2.400ha bưởi, trong đó trên 1.400ha đang cho thu hoạch, chủ yếu 2 giống bưởi đặc sản là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân với tổng sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 18.000 tấn. Giá trị thu nhập bình quân đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích cho thu nhập 500-600 triệu đồng/ha/năm. Tại 2 vùng bưởi đặc sản, đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao. Hai sản phẩm chính là sản phẩm bưởi đặc sản Bằng Luân và bưởi đặc sản Chí Đám đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm nón lá Sai Nga (xã Sai Nga) được xác định là một trong các sản phẩm chủ lực trong triển khai chương trình OCOP của huyện Cẩm Khê.

“Trên nền tảng sẵn có, huyện Đoan Hùng đang triển khai xây dựng hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm bưởi đặc sản Đoan Hùng thành sản phẩm OCOP “4 sao”. Thông qua việc phát triển thành sản phẩm OCOP tạo điều kiện quảng bá, phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng ra thị trường. Khi đã xây dựng được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm thì mức thu nhập của người dân sẽ tăng lên; bà con nhân dân sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu để ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định” - ông Nguyễn Hoàng Minh-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đoan Hùng cho biết.Ngoài các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương, các sản phẩm làng nghề truyền thống đặc trưng cũng được nhiều địa phương tích cực khôi phục, phát triển thành các sản phẩm có tính hàng hóa, phấn đấu tiêu chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP. Hiện nay, cả tỉnh có 75 làng nghề được công nhận, có tổng số lao động trong các làng nghề trên 20 nghìn người, trong đó lao động thường xuyên là trên 14 nghìn người, trung bình mỗi năm sản xuất hàng triệu sản phẩm với tổng doanh thu đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Đây là tiềm năng để các địa phương căn cứ, rà soát, lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, bởi có khá nhiều sản phẩm của các làng nghề có mẫu mã và chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có thể định hướng xây dựng trở thành sản phẩm chủ lực, phát triển nâng hạng OCOP của địa phương.Xuất phát từ sản phẩm truyền thống, nón lá của xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê đã và đang được quan tâm phát triển thành sản phẩm OCOP cấp huyện. Ông Nguyễn Đức Trường - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện làng nghề của xã có trên 400 hộ tham gia sản xuất, trung bình mỗi năm sản xuất trên 190 nghìn chiếc nón lá, tổng doanh thu bình quân đạt 9,4 tỷ đồng/năm. Nhằm tạo sự liên kết giữa các hộ làng nghề, từ năm 2016 xã đã thành lập HTX kiểu mới trong làng nghề, qua đó, số lượng, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã cũng ngày một nâng cao, tạo nét riêng có, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.Xác định nón lá Sai Nga là sản phẩm chủ lực trong triển khai chương trình OCOP, Cẩm Khê đã tập trung phân bổ nguồn vốn từ các chính sách, chương trình phát triển sản xuất, các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn để hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc phục vụ sản xuất cho các hộ. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu, quảng bá sản phẩm nón lá gắn với du lịch làng nghề. “Với mục tiêu nâng cao ý thức nội lực, phát huy lòng tự hào dân tộc, khơi dậy ý tưởng sáng tạo của người dân, đề xuất những sản phẩm “tiềm ẩn”, những sản phẩm mới phát sinh trong cuộc sống, để từ đó địa phương hỗ trợ, “thổi hồn”, nâng tầm sản phẩm, trở thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, tạo đòn bẩy thông qua các cơ chế chính sách, tuyên truyền, hỗ trợ để người dân, các tổ chức kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp phát huy vai trò tự chủ, tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm với chất lượng, mẫu mã đảm bảo theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường” - ông Vũ Quốc Tuấn- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.Chương trình OCOP cũng như chương trình xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các địa phương giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu sản phẩm của địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Kỳ 2: Xây dựng sản phẩm OCOP- những vấn đề đặt ra

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201912/chuong-trinh-ocop-tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-khu-vuc-nong-thon-168195