Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: Đầu tư tổng lực cho những địa bàn khó khăn nhất

Mục tiêu giảm nghèo được đặt ra là trong 10 năm tới, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.

Hỗ trợ cải thiện nhà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một ưu tiên của Chương trình quốc gia giảm nghèo 2011 - 2015 Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc công bố kết quả điều tra hộ nghèo mới đây có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo nói riêng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung trong thời gian tới. Nhiều địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo trên 50% Ông Ngô Trường Thi, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hơn 3 triệu hộ nghèo theo kết quả tổng điều tra mới đây là một con số đáng lưu tâm. Cũng qua điều tra, hiện cả nước có 81 huyện thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó bao gồm 54 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Cả nước cũng còn 1 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% là tỉnh Điện Biên. "Đối tượng hộ nghèo chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở nhiều vùng, miền có nhiều phong tục tập quán, trình độ dân trí khác nhau... Đây là một thách thức rất lớn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo thời gian vừa qua và sắp tới”, ông Thi đã chia sẻ như vậy. Một thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, đối tượng "nghèo đô thị” dường như đang bị bỏ rơi, họ vẫn chưa được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đối tượng người nghèo di cư tới các vùng đô thị cũng rất được quan tâm trong khi thiết kế Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, hiện nay, việc giảm nghèo được xác định ưu tiên khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước. Còn về lâu dài, định hướng giảm nghèo sẽ toàn diện mọi vùng miền, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng và nhóm dân cư, không phân biệt các nhóm đối tượng... Và để giải quyết vấn đề này, không chỉ Bộ LĐ-TB&XH làm được mà liên quan đến các bộ ngành, đặc biệt là với UBND các tỉnh, thành - nơi xuất phát của nhóm người di dân và nơi tiếp nhận người nghèo tới làm ăn sinh sống. Tập trung nguồn lực cho các huyện, xã nghèo Giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Việc ban hành Nghị quyết 80/NQ - CP, theo ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm UBDT, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong công tác xóa đói giảm nghèo thời gian tới. "Nếu như trước kia, đói nghèo chỉ được nhìn qua thu nhập thì nay, chúng ta có cách tiếp cận và xử lý vấn đề đói nghèo một cách đa chiều hơn, với những chính sách hỗ trợ mạnh hơn”, ông Hà Hùng cho biết. Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Nghị quyết 80 có một nội dung lớn cho cả giai đoạn 10 năm tới, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Nghị quyết 80 hướng đến đối tượng là người nghèo, hộ nghèo trên cả nước đang sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Mục tiêu giảm nghèo được đặt ra là trong 10 năm tới, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Theo Nghị quyết này, trong 10 năm tới, Chương trình giảm nghèo sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung như hỗ trợ sản xuất, học nghề, tạo việc làm, giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hỗ trợ pháp lý... Các chính sách đặc thù về giảm nghèo sẽ được các bộ, ngành rà soát và đưa vào hệ thống chính sách thường xuyên của mình để đảm bảo các hỗ trợ cần thiết và được thiết kế đồng bộ, đáp ứng đúng nhu cầu của người nghèo. Đồng thời một chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 cũng sẽ được xây dựng, bao gồm các đề án, dự án giảm nghèo và hệ thống tiêu chí đánh giá công tác giảm nghèo quốc gia. Cùng với đó, nguồn lực từ các chính sách, chương trình giảm nghèo cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án ODA sẽ tập trung đầu tư cho các địa bàn nghèo nhất của cả nước để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các xã này. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay, để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo giai đoạn tới, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để giới thiệu, hướng dẫn cho người dân về các chương trình, chính sách, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề, kết hợp các chương trình tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm với nâng cao năng lực để người dân tiếp cận chính sách tốt hơn thời gian qua. Định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, đặc biệt với việc ban hành Nghị quyết 80 được đại diện các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao. Ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, Nghị quyết có nhiều điểm đột phá thể hiện quyết tâm giảm đói nghèo của Nhà nước Việt Nam: "Các chính sách giảm nghèo từ riêng lẻ sang một hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính thường xuyên, toàn diện và có độ bao phủ cao”. Ông Bahuet cũng lưu ý, để đạt được các mục tiêu giảm nghèo trong tương lai, Việt Nam cần coi giảm nghèo là công việc thường xuyên. Trong quá trình thực hiện cần thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng triển khai các chính sách hiện có, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, cho dù được đánh giá là hình mẫu về xóa đói giảm nghèo trong khu vực, nhưng Việt Nam vẫn cần phải cố gắng và thực hiện kiên quyết hơn nữa các giải pháp giảm nghèo. Chỉ như vậy thì thành tựu giảm nghèo mới đạt được mục tiêu nhanh và bền vững. Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=32691&menu=1434&style=1