Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước 2016-2020: Thu hút nhà khoa học trẻ

“Thực tế thực hiện nhiệm vụ tại chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 cho thấy, các nhà khoa học trẻ hoàn toàn có khả năng đảm đương các nhiệm vụ cấp quốc gia”.

TS Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước - cho biết như vậy. Theo ông Thành, sắp tới Văn phòng các chương trình sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng nhiệm vụ thu hút các nhà khoa học trẻ, lực lượng khoa học từ nước ngoài về thực hiện.

Giai đoạn 2011-2015, trong số 329 nhiệm vụ thuộc 257 đề tài và 72 dự án thuộc 10 chương trình KC đã phê duyệt và đưa vào triển khai, có nhiều nhiệm vụ đã được các nhà khoa học trẻ đảm nhiệm, góp phần vào thành công chung của chương trình.

Bệnh nhân Bùi Văn Nam (Nam Định) được các bác sỹ Bệnh viện 103 ghép tim thành công trong chương trình KC.10/2011-2015. Ảnh: HB

Đánh giá kết quả chương trình giai đoạn 2011-2015, GS-TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương - cho rằng, trong 5 năm chương trình đã bám sát hơn, thường xuyên hơn với yêu cầu thực tiễn, đồng thời cập nhật những kết quả nghiên cứu mới của thế giới.

Do đó, các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước nhìn tổng thể đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Từ thành công của chương trình, nhiều kỹ thuật mới trong y học được ứng dụng, giúp người dân có thể điều trị nhiều bệnh nan y ở trong nước. Ví dụ như thành công của kỹ thuật phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, hay quy trình ghép khối thận - tụy từ người chết não... là những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được triển khai thành công tại Việt Nam.

Tuy nhiên, GS Phú cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều đề tài mang tính chung chung, nhất là một số đề tài khoa học xã hội và nhân văn đưa ra những kiến nghị thiếu thuyết phục, không khả thi.

Giai đoạn tới, bên cạnh việc thu hút lực lượng khoa học trẻ, TS Thành cho rằng một trong những thách thức lớn nhất là làm sao chương trình trọng điểm chọn đúng trọng tâm nghiên cứu để giải quyết được bài toán thực tế đặt ra.

GS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, các chương trình KH&CN cần nghiên cứu đúng trọng tâm từ chính sự đặt hàng của cuộc sống. Theo ông, giai đoạn 2016-2020, hoạt động nghiên cứu khoa học gặp rất nhiều thuận lợi bởi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI đã tạo ra những hướng đột phá trong cơ chế quản lý. Từ đó, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Tài chính - dưới sự chỉ đạo của Chính phủ - đã ban hành nhiều cơ chế mới giúp phát huy tính tự chủ, độc lập của các cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học.

“Đây là những thuận lợi cơ bản để tin tưởng rằng giai đoạn 2016-2020, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước sẽ có những bước tiến mới” - GS-TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Phương Nguyên

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chuong-trinh-khcn-trong-diem-cap-nha-nuoc-20162020-thu-hut-nha-khoa-hoc-tre/201609290210260p1c785.htm