Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018: Hấp dẫn qua những giờ học trải nghiệm

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Một trong những điểm nhấn tích cực là chương trình đã đưa việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm (HĐTN) vào chương trình phổ thông, tạo sự cuốn hút cho học sinh.

Theo Sở GD-ĐT Tiền Giang, HĐTN là một môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 trong Chương trình GDPT năm 2018. Đây là hoạt động giáo dục mang hướng “mở”, trong đó học sinh được trực tiếp trải nghiệm trong nhà trường, xã hội dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà trường, giáo viên. Thông qua hoạt động này, giúp hình thành, phát triển kỹ năng, năng lực, tình cảm, đạo đức cho học sinh.

Giờ học trải nghiệm sáng tạo tại Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho.

Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, HĐTN được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ (CLB), trong đó, CLB là loại hình tự chọn. HĐTN được tổ chức theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học.

Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho là một trong những cơ sở giáo dục bậc tiểu học có chất lượng hàng đầu của tỉnh Tiền Giang. Toàn trường có 1.190 học sinh từ khối 1 đến khối 5. Trong suốt nhiều năm học qua, nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bằng các giải pháp thiết thực. Bên cạnh các hoạt động giảng dạy và học tập, nhà trường thường xuyên tổ chức các giờ HĐTN cho học sinh.

Thầy Lê Văn Triêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường tổ chức HĐTN thông qua các hoạt động: “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo, “Lễ chào cờ hoạt động trải nghiệm”… Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức hoạt động “Hành trình đến địa chỉ đỏ” cho học sinh ở mỗi năm học. Thông qua các hoạt động này, học sinh rất hào hứng tham gia, từ đó hình thành kỹ năng sống cho học sinh.

Theo Sở GD-ĐT, để đạt được mục đích, yêu cầu và hiệu quả của hoạt động học tập trải nghiệm, các trường cần xây dựng chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức thật sự khoa học và phù hợp. Hiệu trưởng của các cơ sở giáo dục cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên dạy HĐTN cần chú ý đến năng lực, sở trường của giáo viên chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách Đội, Đoàn thanh niên; đồng thời xây dựng chuyên đề theo hướng đổi mới nội dung, chương trình; bồi dưỡng năng lực tổ chức HĐTN cho giáo viên tiếp cận, tham gia…

Còn ở Trường Tiểu học Huỳnh Văn Phèn, huyện Gò Công Tây, thời gian qua, nhà trường đã chỉnh trang, cải tạo không gian thư viện, phát triển khu vườn tuổi thơ để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và trải nghiệm khác nhau. Đặc biệt, không gian thư viện với rất nhiều đầu sách hay, là địa điểm lý tưởng để học sinh thỏa thích khám phá các loại sách, báo theo từng chủ đề.

Tại nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, với mục tiêu tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, những năm qua, các trường đã hình thành nhiều CLB giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, tự tin, mạnh dạn trước đám đông…

Các CLB tập trung theo 2 định hướng chính là: CLB học thuật và CLB theo sở thích. Trong đó, CLB học thuật là nơi tập hợp, trao đổi, giúp học sinh phát triển kỹ năng ở các môn học như: Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn…; còn CLB theo sở thích phát triển các kỹ năng ở các môn thể thao như: Bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền…

Có thể thấy, bằng sự cố gắng, các cơ sở giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức giảng dạy các HĐTN. Tuy nhiên, khi tiếp cận với hoạt động giáo dục mới này, bên cạnh những thuận lợi thì các cơ sở giáo dục, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp một số khó khăn.

Từ thực tế triển khai, không ít giáo viên vẫn còn băn khoăn, khái niệm học tập trải nghiệm, sáng tạo đối với học sinh ở nhiều địa phương hiện nay vẫn còn khá mới, mặc dù chương trình đã triển khai được 3 năm, các hoạt động giáo dục chủ yếu chỉ bằng hình ảnh trực quan và qua hoạt động đọc - chép giữa thầy và trò. Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, học sinh dễ rơi vào trạng thái thụ động khi tiếp cận đối tượng được trải nghiệm hoặc biến buổi học trải nghiệm thành một chuyến tham quan.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202311/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-nam-2018-hap-dan-qua-nhung-gio-hoc-trai-nghiem-995156/