Chương mới trong sự nghiệp bóng chuyền của hoa khôi Kim Huệ

Phạm Kim Huệ chưa bao giờ muốn từ bỏ niềm đam mê trái bóng chuyền dù đã trải qua hơn 20 năm với nhiều khó khăn và thử thách.

Việc Kim Huệ nhận lời dẫn dắt đội bóng chuyền Ngân hàng Công thương (NHCT) được cho là một quyết định táo bạo, bởi nhiều trụ cột đã ra đi. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để Kim Huệ thể hiện tài năng của mình trong việc vực dậy đội bóng.

Dũng cảm đương đầu thử thách

NHCT biến động lớn về lực lượng ngay sau khi kết thúc ở vị trí thứ 4 giải vô địch quốc gia 2020. Nhiều trụ cột như Trần Tú Linh, Vi Thị Như Quỳnh hay Lưu Thị Huệ lần lượt nói lời chia tay đội bóng. Huấn luyện viên trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt cũng rời đi sau nhiều năm dẫn dắt và đem lại thành công cho đội.

Từ một đội luôn nằm trong nhóm ứng viên vô địch, NHCT đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến giữ vững vị trí top 4. Trước những khó khăn này, ban lãnh đạo NHCT đã tin tưởng và giao trọng trách vực dậy đội bóng cho Phạm Kim Huệ, người làm trợ lý cho HLV Tuấn Kiệt trong 2 năm trước đó.

"Ban đầu tôi hơi lo lắng khi được bổ nhiệm, và cũng cảm thấy áp lực nặng nề trên cương vị mới. Tôi sẽ phải đưa ra các phương án cho tình hình hiện tại của đội, chỉ dậy cho các cầu thủ trẻ. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng tôi phải từng bước giải quyết vấn đề. Tôi hy vọng mọi chuyện dần sẽ ổn", Kim Huệ cho biết khi trở thành HLV trưởng.

Những áp lực càng đè nặng lên vai cựu đội trưởng bóng chuyền nữ Việt Nam, khi NHCT để thua ngay trong trận đầu cô ra mắt trên cương vị huấn luyện viên trưởng. NHCT thua 2-3 trước Vĩnh Phúc trong trận giao hữu hôm 7/3.

Trận đấu này được coi là bài kiểm tra cho NHCT trước mùa giải mới. Nguyễn Thu Hoài, Lê Thanh Thúy cùng lứa trẻ NHCT quyết tâm giành chiến thắng để mừng ngày ra mắt của Kim Huệ. Tuy nhiên, chủ nhà Vĩnh Phúc, với sự tăng cường vận động viên từ Thông tin LVPB, đã giành phần thắng chung cuộc sau 5 set.

Kim Huệ còn nhiều việc phải làm để vực dậy đội bóng NHCT. Ảnh: Thế Anh.

Nhìn các học trò thi đấu trên sân, Kim Huệ luôn lo lắng. Thuyền trưởng 38 tuổi gần như đứng sát đường biên chỉ đạo cả trận, với vẻ mặt đăm chiêu. Một trận giao hữu nhưng chỉ ra nhiều điểm yếu của NHCT. Bước một của đội chuệch choạc khiến Thu Hoài không thể đưa ra các phương án tối ưu. Bóng chủ yếu được đẩy ra biên cho chủ công dứt điểm. Những tay đập còn non kinh nghiệm như Khánh Huyền, Thu Thùy không thể chia lửa được cùng Phương Anh.

"Chúng tôi gặp khó khăn về quân số khi đội hình ngày càng mỏng manh, cũng như các vận động viên trẻ còn non quá, tôi không thể nào mà ép các em vào sân thi đấu ngay được. Ai cũng vậy thôi, lên huấn luyện viên trưởng đều rất sức ép, cả áp lực tinh thần và tâm lý khi cầm quân. Nhất là khi NHCT lực lượng mỏng như vậy, bản thân tôi cũng cảm thấy quá sức", Kim Huệ chia sẻ những khó khăn.

Đội bóng từng làm mưa làm gió các giải trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức. "Đặc sản" của NHCT là những pha đánh chồng giữa lưới nhờ sự ổn định từ hàng sau giờ đang mai một trầm trọng. Kim Huệ chỉ còn gần 1 tháng để chỉ dạy và lên tinh thần cho các học trò trước khi bước vào vòng một giải vô địch quốc gia 2021.

Gian truân sự nghiệp trồng người

Kim Huệ được coi là tượng đài của bóng chuyền nữ Việt Nam, bên cạnh Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Cựu phụ công cao 1,81 m nắm giữ kỷ lục 17 lần liên tiếp dự giải vô địch quốc gia hay 7 lần giành HCB SEA Games.

Gần 20 năm thi đấu, Kim Huệ gây tiếng vang với những pha đánh bóng một chân sau đầu đã trở thành "thương hiệu". Cô có thể đọc được trận đấu và thực hiện những pha đánh đột biến. Bộ sưu tập của Kim Huệ có đầy đủ mọi danh hiệu cá nhân xuất sắc, cùng 9 chức vô địch quốc gia.

Kim Huệ giã từ đội tuyển quốc gia vào năm 2013 để tập trung cho câu lạc bộ. Cô cũng xin về làm trợ lý huấn luyện viên tại NHCT sau khi giúp đội vô địch quốc gia 2016. Dù vậy, do thiếu lực lượng thi đấu nên phải đến năm 2018, Kim Huệ mới chính thức nói lời chia tay sự nghiệp vận động viên.

Sau 2 năm đảm nhận vị trí trợ lý và dần làm quen với vai trò mới, Kim Huệ nhận được sự tin tưởng trở thành thuyền trưởng, trong lúc đội bóng gặp nhiều khó khăn.

"Tôi cũng là hình mẫu để các em vươn lên. Cái đầu tiên các em học được từ tôi đó chính là tính tự giác chuyên nghiệp. Còn về chuyên môn, bản thân tôi học được cái gì sẽ truyền đạt lại hết cho các em những gì mình có", cựu tuyển thủ chia sẻ.

Thách thức và cơ hội để Kim Huệ chứng tỏ tài năng. Ảnh: Thế Anh.

Các nữ cầu thủ trở thành huấn luyện viên không phải là hiếm trong làng bóng chuyền Việt Nam. Cùng lứa với Kim Huệ, cựu phụ công Nguyễn Thị Ngọc Hoa cũng bắt đầu dẫn dắt đội nữ Long An, trong khi Phạm Thị Yến làm trợ lý đội Thông tin LVPB.

Dù vậy, cựu tay đập 38 tuổi nhận lời dẫn dắt khi đội bóng của cô đang ở trong cuộc khủng hoảng. Các vận động viên trẻ ở tuyến hai gấp rút được đôn lên đội một để học hỏi và thi đấu, dù mới chỉ có ít năm làm quen với trái bóng. "Tôi cần phải bồi dưỡng gấp rút cho các vận động viên để có thể thay ra thay vào những lúc cần thiết".

Tân HLV trưởng NHCT mong muốn dồn hết sức lực để vực dậy đội bóng, đào tạo những vận động viên tài giỏi để có thể thực hiện những mơ ước mà cô còn dang dở.

"Bóng chuyền đã mang lại cho tôi niềm tự hào. Tôi chưa bao giờ hối hận về sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, có hai điều khiến tôi tiếc nuối là tấm HCV SEA Games với tuyển Việt Nam và lỡ cơ hội ra nước ngoài thi đấu dù nhận được một số lời mời. Tôi hy vọng dưới sự dẫn dắt của mình, các học trò có thể thay tôi làm những việc đó", Kim Huệ đặt kỳ vọng vào học trò.

Kim Huệ một lần nữa bắt đầu cuộc hành trình mới, mà ở đó cô sẽ là người chiến thắng, giống như cách luôn thể hiện trên sân đấu.

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuong-moi-trong-su-nghiep-bong-chuyen-cua-hoa-khoi-kim-hue-post1190682.html