Chương mới trong quan hệ Mỹ-Philippines: Khi đồng minh lâu năm trao nhau những mỹ từ

Quan hệ đồng minh lâu năm Mỹ-Philippines đang có những chuyển biến tích cực khi hai bên đều nhận thấy tầm quan trọng của việc thắt chặt quan hệ song phương trong bối cảnh mới.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Cung điện Malacanang ngày 6/8. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Cung điện Malacanang ngày 6/8. (Nguồn: AFP)

"Người bạn thân thiết" gắn kết và chia sẻ

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã chính thức mở ra một chương mới trong các mối quan hệ lâu năm và nhiều căng thẳng của gia đình ông với Mỹ khi tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Cung điện Malacanang hồi cuối tuần qua.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa tân Tổng thống Philippines và một thành viên nội các Mỹ, cũng là lần đầu tiên Ngoại trưởng Blinken đến thăm Manila kể từ khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đều nhấn mạnh sự “phi thường” và “quan trọng” trong quan hệ song phương, đặc biệt là khi khu vực và thế giới chứng kiến nhiều diễn biến khó lường.

Nhấn mạnh một chương mới trong quan hệ Philippines-Mỹ sau 6 năm sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Tổng thống Marcos Jr. đã trấn an Ngoại trưởng Blinken rằng liên minh Mỹ-Philippines rất vững chắc.

Ngoại trưởng Blinken đã đến thăm Philippines ngay sau khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan tại Campuchia.

Cùng các đồng minh phương Tây, Ngoại trưởng Mỹ khuyến khích các nước Đông Nam Á khẳng định “vai trò trung tâm của ASEAN” và giúp giảm leo thang căng thẳng đang gia tăng trong khu vực. Trước các vấn đề phức tạp nảy sinh, các nước ASEAN đã lên tiếng phản đối bất kỳ “hành động khiêu khích” nào “có thể dẫn đến tính toán sai lầm, đối đầu nghiêm trọng, xung đột mở và hậu quả khó lường giữa các cường quốc”. ASEAN kêu gọi các bên ổn định tình hình và hy vọng về khả năng giảm leo thang căng thẳng, bình thường trở lại đối với Eo biển Đài Loan.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken, tân Đại sứ Mỹ tại Manila Mary Kay Carlson đã có cuộc trao đổi thân mật với tân Tổng thống Philippines, nhấn mạnh cam kết của bà trong việc tăng cường “sự gắn kết giữa các quốc gia vĩ đại của chúng ta”.

Đại sứ Kay Carlson đã nói với Tổng thống Marcos Jr. rằng Washington "ở đây để giúp đỡ và đầu tư vào thành công của Philippines". Với sự đảm bảo đó, Tổng thống Marcos Jr. đã nhiệt liệt hoan nghênh việc mở rộng hơn nữa quan hệ song phương.

Một dấu hiệu cho thấy sự cải thiện trong quan hệ song phương là Philippines đã hồi sinh kế hoạch tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông vốn bị hoãn lại từ lâu.

Trao đổi với Ngoại trưởng Blinken trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, các cuộc tuần tra chung giữa Philippines và Mỹ có thể diễn ra. Tôi nghĩ đây là một vấn đề mà hai nước sẽ tiếp tục khám phá”.

Ngoại trưởng Philippines Manalo đã mô tả Mỹ là “người bạn thân thiết” và thảo luận về một loạt các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước trong những tháng tới, trong đó có khả năng diễn ra một cuộc gặp không chính thức giữa Tổng thống hai nước bên lề hội nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới tại New York.

Hai bên cũng thảo luận về khả năng Tổng thống Marcos Jr. đến thăm Nhà Trắng trong thời gian tới, cũng như việc chuẩn bị cho hội nghị “2+2” tiếp theo giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao hai nước vào đầu năm 2023.

Mở rộng quan hệ quốc phòng có thể sẽ là trọng tâm chương trình nghị sự trong cuộc đối thoại chiến lược tiếp theo giữa hai đồng minh lâu năm này.

Ba trụ cột - Cơ sở pháp lý cho hợp tác

Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines dựa trên 3 trụ cột chính. Một là, Hiệp ước Phòng thủ chung ký năm 1951, quy định hai bên sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công. Hai là, Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng được ký năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999. Ba là, Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng ký năm 2014, cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines.

Ba thỏa thuận này là cơ sở pháp lý để hàng nghìn quân nhân Mỹ cùng nhiều vũ khí, khí tài được đồn trú luân phiên tại Philippines, cho phép quân đội hai nước tổ chức huấn luyện quân sự, tập trận chung thường niên, hỗ trợ nhân đạo… Mỗi năm quân đội Mỹ có khoảng 300 hoạt động như vậy tại Philippines.

Mỹ có hai cơ sở quân sự lớn nhất ở nước ngoài, Căn cứ Hải quân vịnh Subic và Căn cứ Không quân Clark ở Philippines cho đến đầu những năm 1990. Hai cơ sở này đã bị đóng cửa sau khi Quốc hội Philippines bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng thuê vào cuối Chiến tranh Lạnh.

Sau khi lực lượng Mỹ rút đi, cả hai địa điểm này đã được chuyển đổi thành các cảng và khu đầu tư tự do. Trước khi hết nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Duterte nói rằng, sẵn sàng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ ở Philippines nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine lan sang châu Á.

Thỏa thuận giữa Philippines và Mỹ vào năm 2014 với mục tiêu tăng cường hợp tác quốc phòng, theo đó quân đội Mỹ được phép xây dựng các cơ sở bên trong các căn cứ của Philippines đã mở đường cho việc Mỹ trở lại đóng quân tại Philippines.

Vài năm qua, Hải quân Mỹ đã sử dụng vịnh Subic làm cảng đổ bộ khi tiến hành các cuộc tập trận chung với Hải quân Philippines. Một số lượng nhỏ tàu Hải quân Philippines đã đóng tại cảng thương mại kể từ khi chính quyền cảng đồng ý cho Hải quân Philippines thuê miễn phí một phần cảng vào năm 2015.

(theo Asia Times)

Phương Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuong-moi-trong-quan-he-my-philippines-khi-dong-minh-lau-nam-trao-nhau-nhung-my-tu-193765.html