Chuỗi liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chờ tính chuyên nghiệp cao hơn

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới rất cần tháo gỡ các nút thắt về thể chế để hình thành những chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao hơn. Điều này nhằm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở 'vựa nông sản' lớn nhất cả nước.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Lộc Trời - một doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành hàng lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho biết trước đây công ty làm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi, bây giờ vẫn còn, nhưng không theo cánh đồng mẫu lớn nữa mà là hệ sinh thái.

Chưa yên tâm chuỗi liên kết lúa gạo

Theo ông Thòn, nguyên lý của hệ sinh thái là tập hợp tất cả các thành tố liên quan đến chuỗi lúa gạo bền vững đưa vào hệ sinh thái của mình. Mục đích đông đủ như vậy là để có sức mạnh, tối đa hóa nguồn lực xã hội và triệt tiêu xung đột lợi ích dẫn đến cạnh tranh không cần thiết làm thiệt hại cho tất cả.

Chưa thể yên tâm với chuỗi liên kết lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long dù có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn yếu.

Vị Chủ tịch Lộc Trời đưa ra thí dụ về trường hợp “cò lái” trước đây nhiều người coi họ là phá hoại sản xuất vì chỉ thấy mặt tiêu cực. Nhưng bây giờ cần xác định đây là thành tố không thể thiếu trong hệ sinh thái lúa gạo bền vững.

“Chúng tôi mời họ vào hệ sinh thái, từ đối thủ trở thành đồng vai phải lứa. Hai năm nay chúng tôi đã cùng anh em “cò lái vận động bà con nông dân sản xuất theo nguyên tắc tập thể, thấy ngay hiệu quả rõ ràng. Tình hình bây giờ hoàn toàn khác, một mặt loại được các anh “cò lả cò la” mà giữ lại được những ông “cò” đích thực đồng hành cùng bà con và DN”, ông Thòn nói.

Từ chia sẻ của vị chủ DN nêu trên để thấy việc liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo vẫn rất cần mắt xích trung gian như “cò lái”. Nhất là khi liên kết trong ngành hàng lúa gạo ở vùng ĐBSCL dù có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn yếu, nên có những thời điểm buộc các DN phải mua lúa gạo thông qua trung gian, thương lái và “cò lái”.

Thực tế cho thấy trong chuỗi liên kết lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay chủ yếu tập trung vào những DN lớn muốn thúc đẩy liên kết nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về chất lượng sản phẩm như VietGap, GlobalGap, SRP, kiểm soát dư lượng trong hạt gạo, an toàn hữu cơ…Trong khi đó, tỷ lệ lúa tiêu thụ qua liên kết giữa DN với HTX, tổ hợp tác vẫn chưa nhiều, từ đó gây khó khăn tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

Không chỉ ở ngành hàng lúa gạo, nói về thực trạng liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Tp.Cần Thơ, chỉ rõ liên kết chủ yếu nhất ở ĐBSCL là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực, như: Thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu. Thế nhưng hiệu quả của việc liên kết không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Trong khi đó, các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm.

Do vậy, chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra ở Tp.HCM vào ngày 16/11, vị Chủ tịch của thành phố Cần Thơ nhấn mạnh thời gian tới vùng ĐBSCL cần hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao hơn. Điều này nhằm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.

Cần tháo gỡ các nút thắt về mặt thể chế

Ông Trần Việt Trường cũng lưu ý trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ.

Hơn nữa, chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất ở ĐBSCL. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Không chỉ vậy, vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận các kênh bán lẻ.

“Đặc biệt hơn, ĐBSCL thiếu cơ chế chính sách để thu hút DN lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản nên chưa tạo được động lực phát triển vùng, vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Việt Trường nói.

Còn theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ, thách thức lớn cho chuỗi liên kết vùng ở ĐBSCL hiện nay là kết quả thực thi chính sách liên kết vùng chưa phát huy hiệu lực và hiệu quả cao nhất.

Ông Lam cho rằng 3 lĩnh vực liên kết ở ĐBSCL (gồm: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu) vẫn chưa được liên kết chặt chẽ.

Không chỉ vậy, như băn khoăn của vị giám đốc VCCI Cần Thơ, các thỏa thuận liên kết chưa có sự phối hợp thực chất. Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị.

Do đó, ông Nguyễn Phương Lam đề xuất cần tháo gỡ các nút thắt về mặt thể chế để liên kết vùng ở ĐBSCL trở nên hiệu quả hơn. Bởi lẽ, cơ chế điều phối vùng vẫn chưa tạo hiệu lực (ở cấp độ Trung ương và vùng). Quản trị tài nguyên ở đây còn phân mảnh. Các mô hình hợp tác chưa cụ thể, chuỗi giá trị chia cắt, cụm ngành thiếu hoàn chỉnh, thị trường tài chính kém phát triển…

Còn đứng ở góc nhìn của ông Trần Việt Trường, giải pháp đưa ra trong thời gian tới là nên tiếp tục thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.

Theo vị Chủ tịch của thành phố Cần Thơ, rất cần có giải pháp toàn diện về logistics nông nghiệp của vùng ĐBSCL gồm toàn bộ các khâu từ khâu lập kế hoạch, dự báo, hỗ trợ mua hàng, sản xuất, phân phối logistics chủ động, kết nối đa kênh tới thị trường tiêu thụ.

“Đặc biệt là chú trọng đến giải pháp tích hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối tiêu thụ, hình thành Trung tâm giao dịch nông sản trực tiếp (chợ bán sỉ hiện đại), kết nối với mạng lưới cung ứng nông sản toàn cầu”, ông Trường bày tỏ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chuoi-lien-ket-vung-dong-bang-song-cuu-long-van-cho-tinh-chuyen-nghiep-cao-hon-1096666.html