Chung tay xây dựng không gian đi bộ Hà Nội an toàn, văn minh, hấp dẫn và hiệu quả

Đó là nội dung trong buổi tọa đàm do Hội kiến trúc sư (Hội KTS) Hà Nội tổ chức nhằm đưa ra các giải pháp để hoàn thiện và khắc phục những tồn tại hiện nay cho phố đi bộ Hà Nội.

Sau hơn một tháng triển khai thí điểm tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận cùng với sự vào cuộc chủ động, tích cực của TP, Sở, ban, ngành, đến nay tuyến phố đi bộ đã khoác lên một diện mạo mới. Hình ảnh những điểm trông giữ xe do lực lượng Đoàn thanh niên CA TP Hà Nội, Đoàn thanh niên Bộ Tư lệnh Thủ đô, Phòng quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm triển khai đã tổ chức đúng quy định, trang bị đầy đủ biển hiệu, phương tiện PCCC,… cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi phương tiện và tạo niềm tin cho người dân tham gia vui chơi, giải trí. Công tác phân luồng giao thông từ xa, nhất là đối với các phương tiện xe ô tô để không bị ùn tắc tại các đầu điểm chốt đi vào không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Các hoạt động văn hóa đặc sắc tại các tuyến phố như Hội sách Hà Nội, biểu diễn võ thuật, xiếc, trò chơi dân gian, triển lãm ảnh, viết thư pháp, nặn tò he, trưng bày bán hoa trong không gian đi bộ đã thu hút sự quan tâm của du khách. Theo số liệu của UBND quận Hoàn Kiếm, sau hơn 1 tháng triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trung bình ban ngày lưu lượng khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 1 vạn người. Đặc biệt, tối ngày 2-9, khoảng 2 vạn người.

Du khách nước ngoài thích thú được vui chơi, mua sắm trong không gian phố đi bộ. Ảnh: H.Hạnh

Cũng theo Hội KTS Hà Nội, với các phương án triển khai đồng bộ của TP Hà Nội, bước đầu việc thí điểm tuyến phố đi bộ này đã đảm bảo các điều kiện phục vụ không gian đi bộ như: Công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, bố trí các điểm giao thông tĩnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các điểm dịch vụ như nhà vệ sinh miễn phí, y tế, wifi miễn phí, điểm bán uống nước và tủ nước tự động. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Hội KTS Hà Nội nêu các giải pháp cụ thể tại buổi tọa đàm.

Bà Debra Efroymson, GĐ vùng HealthBridge khu vực châu Á. Ảnh: M.Miên

Theo KTS Nguyễn Phú Đức (Ban quản lý phố cổ Hà Nội) thì không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cần hình thành ý tưởng phân khu các không gian cảnh quan, xã hội nhằm tăng cường giá trị cảnh quan khu vực, nâng cao chất lượng công tác quản lý trật tự đô thị cũng như đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật đáp ứng đi bộ với kiến trúc, cảnh quan, tăng độ thụ cảm thẩm mỹ đô thị khu vực. Do vậy, việc cải tạo chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm bao gồm các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kiến trúc mặt đứng công trình, hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, vỉa hè, đường dạo… Trong đó, nguyên tắc cải tạo chỉnh trang công trình kiến trúc là nghiên cứu thiết kế chỉnh trang mặt đứng các công trình tại các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và lân cận (Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, một đoạn Hàng Dầu và Lò Sũ bao quanh khu đền Bà Kiệu). Khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc. Đối với các phần xây dựng khác quy mô, sẽ chỉnh trang theo ngôn ngữ kiến trúc gốc. Đối với bộ phận gắn vào công trình, cần nghiên cứu cụ thể về màu sơn, hệ thống cửa, ban công, lô gia, mái che, mái vẩy đảm bảo thống nhất, hài hòa, văn minh, gắn với nét văn hóa đặc trưng. Quy định cụ thể về vị trí, kích cỡ biển hiệu, biển quảng cáo (nội dung thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo do các hãng hàng hóa hoặc nhân dân tự đầu tư thực hiện theo thiết kế được phê duyệt). Dỡ bỏ các mái che mái vẩy cũ, sai quy định; sắp xếp lại ở các vị trí hợp lý, cố gắng nằm khuất tầm nhìn quan sát từ tuyến phố. Trong trường hợp không thể thay đổi vị trí, sẽ tổ chức các vật liệu che với dạng kiến trúc có ngôn ngữ, kiểu dáng đồng nhất với hình thức ban công, song sắt và được tổ chức dưới các mép cửa sổ, sau ban công đặc… Đối với biển quảng cáo vẫy: không vượt quá chiều cao cửa sổ và độ cao cách nền 2m.

Lưu lượng người trong phố đi bộ ngày càng tăng.

Theo ThS. KTS Nguyễn Đức Hùng, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phố đi bộ Hà Nội đang tồn tại các vấn đề như: Thiếu không gian sinh hoạt công cộng, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, các công trình văn hóa, di tích lịch sử bị ảnh hưởng, hư hại xuống cấp nhanh...

KTS Nguyễn Đức Hùng cho rằng, về quy hoạch kiến trúc, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về thiết kế đô thị; bảo tồn, tôn tạo, tái thiết các công trình kiến trúc có giá trị; tổ chức không gian cây xanh, vườn hoa theo từng cấp độ, đặc trưng theo mùa; tạo dựng không gian cảnh quan đóng mở sinh động hấp dẫn du khách; tạo dựng các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đa dạng phù hợp với các lứa tuổi; thiết lập các tiện ích đô thị hiện đại văn minh, sử dụng các thiết bị chiếu sáng sinh động, tôn tạo các không gian, công trình điểm nhấn.

TP Hà Nội cần cơ chế quản lý chặt chẽ không gian đô thị, hình thái kiến trúc, cảnh quan theo đúng quy hoạch được duyệt; tuyên truyền phổ biến sâu rộng quy hoạch cho người dân, thúc đẩy quá trình tham gia quản lý đô thị của người dân, đặc biệt là người dân sống trong khu vực. Một vấn đề nổi cộm là tổ chức giao thông, bãi đỗ xe cần nghiên cứu, tổ chức luồng tuyến giao thông hợp lý, thuận tiện tiếp cận với không gian đi bộ, gắn với đó là hệ thống bến bãi đỗ xe hiện đại, giá thành hợp lý, phục vụ văn minh. Đồng thời nghiên cứu tổ chức hệ thống giao thông công cộng thuận lợi kết nối với bên ngoài. Tổ chức tuyến xe điện, xe đạp thân thiện với môi trường kết nối với các khu vực đi bộ khác trong khu vực. Đặc biệt, khu vực xung quanh Hồ Gươm, cần tổ chức khai thác linh loạt các chức năng dịch vụ, thương mại, văn hóa, vui chơi, giải trí. Tích hợp không gian đi bộ với sân chơi cho học sinh khu phố cổ. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động tạo dựng môi trường, không gian sinh hoạt thương mại, văn hóa, du lịch với phong cách phục vụ văn minh, lịch sự, tạo dựng phong cách hình ảnh người Hà Nội thanh lịch.

Là khách mời tại buổi tọa đàm, bà Debra Efroymson, GĐ vùng HealthBridge khu vực châu Á cho rằng, những vấn đề mà các TP gặp phải hiện nay, trong đó bao trùm cả các tuyến phố đi bộ là: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và thiếu không gian công cộng. Để giải bài toán này, cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tạo ra những hoạt động thú vị, xây dựng một TP hiện đại…hướng tới là một TP sống tốt. Chúng ta nên khuyến khích người dân với quãng đường di chuyển ngắn thì sử dụng phương tiện bằng xe đạp, phương tiện giao thông công cộng. Cần tổ chức không gian phát huy tính sáng tạo cho trẻ em với các trò chơi dân gian và tạo không gian vui chơi cho du khách.

Chia sẻ về thực trạng của làng nghề, phố nghề truyền thống trong phố đi bộ Hà Nội, KTS Lương Văn Sơn (Chi hội KTS HACID) cho rằng, phố cũ đang bị những mô hình sản xuất hàng loạt, hàng hóa giá rẻ tràn ngập,… và nguy cơ phố cũ có thể bị xóa sổ. Không chỉ ở Hà Nội, hầu hết các khu phố lịch sử tại châu Á đang chật vật bảo tồn. Liệu phố đi bộ có tạo cơ hội mới cho khu phố cũ. Việc sản xuất trong lòng khu ở cho một cảm giác tiện lợi với người mua – bán, thú vị với khách du lịch nhưng tạo ra 3 bất cập. Thứ nhất, diện tích quá nhỏ hẹp, việc sản xuất không thể hiệu quả, năng suất không thể cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh. Thứ hai, với những người ở trong phố, việc sản xuất ngay tại chỗ ít nhiều tạo ra khó chịu về môi trường, tiếng ồn. Thứ ba, quỹ đất rất nhỏ, hẹp việc mua bán, xếp, dỡ hàng hóa, để xe làm cản trở, tắc nghẽn giao thông. Sắp tới, cả khu phố cổ Hà Nội trở thành không gian đi bộ, việc tiếp cận bằng xe cơ giới sẽ bị hạn chế, khi đó hai vấn đề sẽ ảnh hưởng lẫn nhau: sản xuất thì phá vỡ đi bộ, đi bộ thì cản trở sản xuất. KTS Lương Văn Sơn đề xuất, bên cạnh người dân làng nghề, phố nghề truyền thống phải tự sàng lọc lựa chọn lĩnh vực hàng hóa của mình cho phù hợp thì TP cần hỗ trợ họ về định hướng, khoa học kỹ thuật và hạ tầng cơ sở.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/giao-thong-do-thi/chung-tay-xay-dung-khong-gian-di-bo-ha-noi-an-toan-van-minh-hap-dan-va-hieu-qua-120106