Chung tay nâng cao giá trị cây chè

Với mục tiêu nâng cao giá trị cây chè, năm 2013, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đã dành hơn 6,4 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nghề trồng và chế biến chè cho các cơ sở sản xuất, người lao động tại các tỉnh miền núi phía Bắc…

Đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nghề trồng nâng cao giá trị cây chè

CôngThương - Điển hình là mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu do IPC1 và Công ty CP Chè Sông Lô (xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) phối hợp thực hiện từ cuối quý I/2013. Mô hình đã hoàn thành với tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 250 triệu đồng.

Theo ông Ngô Đức Tú - Tổng giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô, mô hình sử dụng những thiết bị rất hiện đại như: máy làm héo, máy vò chè, máy phân loại, máy sấy khô… Việc đưa dây chuyền hiện đại vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất, đặc biệt chất lượng sản phẩm tốt hơn hẳn. Chè có màu nước đỏ nâu viền vàng, vị chát dịu, hương thơm nhẹ, cánh chè có màu sắc nâu đen tự nhiên và rất được ưa chuộng tại các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp như: Nga, Hà Lan, Ấn Độ, Đức...

Với công suất 4.500 tấn sản phẩm/năm, sau khi trừ chi phí doanh nghiệp sẽ thu được 2,43 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mỗi năm. Mô hình cũng đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng...

Ông Đinh Khắc Hiển, Trưởng phòng Khuyến công của IPC1 - cho biết, mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu chỉ là 1 trong 23 đề án được IPC1 đã triển khai nhằm hỗ trợ nâng cao giá trị cây chè. 2 năm vừa qua (2012-2013), IPC1 đã dành tới 6,414 tỷ đồng thực hiện nội dung này.

Theo kế hoạch, thời gian tới, IPC1 tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất và chế biến chè điển hình từ đó quảng bá, nhân rộng. Thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm tiếp tục hỗ trợ quảng bá sản phẩm chè cho các doanh nghiệp...

Theo ông Hiển, Việt Nam đã trở thành một trong 5 quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Kenya và ngang hàng với Indonesia). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu bình quân chè Việt Nam mới chỉ đạt 70% so với giá bình quân trên thị trường xuất khẩu chè thế giới, thậm chí thấp hơn nhiều so với các nước xuất khẩu chè khác như Srilanka (5.700 USD/ha), Kenya (6.000 USD/ha)... Ông Hiển lý giải, sở dĩ giá chè xuất khẩu của Việt Nam thấp là do chè Việt vẫn chỉ được coi là sản phẩm đấu trộn với các sản phẩm khác nhằm giảm giá thành, vì thiếu các tiêu chuẩn, chính sách quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, có đến 90% sản lượng chè của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô, làm nguyên liệu đấu trộn. Tỷ trọng chè có chứng chỉ VietGAP, RainForest chỉ khoảng 5%.

Nhằm khắc phục tình trạng này, thông qua chuỗi hoạt động khuyến công bắt đầu từ đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, tăng năng suất chất lượng sản phẩm cho đến khâu quảng bá sản phẩm..., IPC1 đang nỗ lực chung tay với cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan chức năng thay đổi diện mạo, giá trị chè xuất khẩu của Việt Nam.

Được biết, trong thời gian tới IPC1 sẽ tiếp tục định hướng tác động theo chuỗi các hoạt động khuyến công để hỗ trợ vào ngành chế biến và kinh doanh chè trên địa bàn cả nước. Trung tâm sẽ kết hợp với Hiệp hội chè Việt Nam và các viện, trường chuyên ngành xây dựng thí điểm mô hình chuẩn để nhân rộng và áp dụng rộng rãi trên địa bàn cả nước. Tổ chức tập huấn, đào tạo về tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và UTZ đối với các cơ sở, hợp tác xã, các cá nhân đang sản xuất chè. Hỗ trợ các công ty, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, các cá nhân đang sản xuất chè xây dựng các mô hình áp dụng sản xuất sạch sơn để nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm.

Hải Linh

Đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nghề trồng nâng cao giá trị cây chè

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep/49632/chung-tay-nang-cao-gia-tri-cay-che.htm