Chung tay hành động vì một môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Bài 3: Bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống

Bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường biển, hải đảo để phát triển kinh tế-xã hội bền vững là nhiệm vụ vừa bức thiết, vừa lâu dài. Để công tác này đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp và Nhân dân.

Nói không với rác thải nhựa

Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường.

Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các giải pháp tích cực, hiệu quả tạo sự chuyển biến từ ý thức đến hành động tích cực đối với môi trường, nhất là đối với những người dân, cơ sở, doanh nghiệp chưa nhận thức sâu sắc về mối nguy hại từ rác thải nhựa, hoặc đã có nhận thức nhưng vẫn bị sự chi phối, tác động từ bên ngoài. Vì thế, công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường cần được đặt lên hàng đầu.

Hội LHPN huyện Gio Linh và xã Linh Hải ra mắt mô hình phân loại, xử lý rác thải hộ gia đình và hỗ trợ người dân vật dụng thu gom rác để làm tốt công tác bảo vệ môi trường - Ảnh: MĐ

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng là người nội trợ nên thường xuyên trực tiếp đi chợ mua thực phẩm nấu ăn cho gia đình. Chị Thủy cho biết: “Tôi dùng giỏ xách hoặc các vật dụng thân thiện với môi trường để chứa, bỏ thực phẩm thay cho túi nilon khi đi chợ. Ngoài ra, ở gia đình tôi cũng đã có thói quen phân rác thải từng loại.

Tôi cũng giáo dục và tập cho các con thực hành phân loại rác sinh hoạt, hạn chế dùng túi nilon, đồ nhựa, ống hút. Đồng thời gia đình tôi cũng gom vỏ lon bia, đồ nhựa, bìa giấy tặng hội phụ nữ bán ve chai tạo nguồn quỹ hoạt động. Tôi hy vọng mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng hành động phù hợp, cụ thể và từ hành động nhỏ nhất trong mỗi gia đình”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Phan Văn Hòa cho biết: Gio Linh là nơi đóng chân của 4 nông trường cao su với gần 3.000 ha cao su đang khai thác, 1 nhà máy chế biến mủ cao su; Khu công nghiệp Quán Ngang; các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản phát triển mạnh ở các xã, thị trấn vùng biển; diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng chống cát bay, cát lấp chiếm tỉ lệ lớn.

Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH, huyện Gio Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”, Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

“Thời gian tới, chúng tôi chú trọng công tác nhân rộng các mô hình, tổ tự quản, thành lập các tổ thu gom, xử lý rác thải trong từng cộng đồng dân cư; xử lý nghiêm việc đánh bắt thủy hải sản bằng các phương tiện hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn sinh vật biển và nội đồng… nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn”, ông Hòa cho hay.

“Tỉnh Quảng Trị đang chú trọng thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường theo hướng tuần hoàn. Nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình mua sắm công xanh; phát triển và phổ biến các mô hình thực hành lối sống bền vững như sử dụng vật dụng, sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh cũng như tăng cường truyền thông về tiêu thụ các sản phẩm xanh, nâng cao nhận thức về tiêu dùng xanh, hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết.

Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới đang là xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiêu chí môi trường được xem như một tiêu chí then chốt và nhiều thách thức đối với các địa phương, đặc biệt là các tiêu chí liên quan trực tiếp tới các hộ gia đình trong bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải, toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn triển khai kế hoạch thu gom, xử lý rác thải với tỉ lệ hộ dân tham gia thu gom rác thải đạt trên 93%. Năm 2023, Hải Lăng phấn đấu đưa huyện về đích nông thôn mới, trong đó để hoàn thành sớm tiêu chí môi trường, huyện kêu gọi các cấp, các ngành, người dân tích cực hưởng ứng hành động vì môi trường bằng những hành động, những việc làm thiết thực, thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

“Chúng tôi khuyến khích công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường để hạn chế thải chất thải nhựa ra môi trường. Nghiên cứu tìm vật liệu, thiết bị thay thế các việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa hiện nay bằng các vật liệu dễ phân hủy trong môi trường để nhân rộng”, ông Hải chia sẻ.

Cần thêm nhiều giải pháp phù hợp

Giai đoạn từ 2015-2023, thông qua tuyên truyền, vận động và các hoạt động thực tế có ý nghĩa, nhận thức của cộng đồng về môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao và tham gia ngày càng sâu, rộng, tích cực hơn.

Thu gom rác ở khu vực nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Đ.V

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: kinh phí thực hiện các phong trào, mô hình, hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế, chủ yếu được cân đối, lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền, hoạt động chuyên môn của các cơ quan đơn vị từ nguồn sự nghiệp môi trường, ngân sách địa phương hằng năm và một phần trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một bộ phận cộng đồng và nhiều tổ chức chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như phong trào thi đua bảo vệ môi trường. Vấn đề môi trường đang ngày càng diễn biến phức tạp, công tác quản lý môi trường ngày càng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường cấp tỉnh đến cấp xã; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan quản lý môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý (phương tiện vận chuyển, trang thiết bị).

Việc đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường phải cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi tỉnh Quảng Trị còn gặp nhiều khó khăn, vì thế, mong muốn cấp trên quan tâm tăng cường hỗ trợ kinh phí giúp giải quyết dứt điểm vấn đề môi trường tại các cơ sở công ích. Vấn đề về khai thác tài nguyên môi trường biển, đảo diễn ra phức tạp, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực biển, đảo và các văn bản có liên quan…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường -Ảnh: M.Đ

Định hướng giai đoạn 2023-2030, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Phân bổ hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn nhằm tập trung tổ chức thực hiện các hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực, vận động sự tham gia tích cực của người dân.

Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến cá nhân, người dân tham gia bảo vệ môi trường, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phong trào thi đua chuyên đề bảo vệ môi trường giai đoạn 2023-2030…

Để đạt được những mục tiêu đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục triển khai tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa…

Xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa. Tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn. Mỗi huyện, thị xã, thành phố cần có ít nhất 1 mô hình cụ thể về “phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn” và 1 mô hình cụ thể về “chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa bàn. Ra quân dọn, xử lý rác tại các “điểm đen” và ô nhiễm rác thải nhựa ở sông, hồ, bờ biển.

Đồng thời, phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường; nhất là giải pháp, sáng kiến giảm rác thải nhựa…

Minh Đức - Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chung-tay-hanh-dong-vi-mot-moi-truong-xanh-sach-dep-an-toan-bai-3-bao-ve-moi-truong-de-nang-cao-chat-luong-cuoc-song/177671.htm