Chung tay, góp sức hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc hóa học

Năm 2022 - dấu mốc 61 năm kể từ khi thảm họa da cam/ dioxin xảy ra ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022). Những mất mát, đau thương thảm họa này gây ra đã để lại hậu quả, di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Vì vậy, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện Lương Sơn thăm gia đình hội viên Bùi Văn Ruồng, xóm Cao, xã Cao Sơn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện Lương Sơn thăm gia đình hội viên Bùi Văn Ruồng, xóm Cao, xã Cao Sơn.

Có dịp cùng Hội Nạn nhân chất độc da dam (NNCĐDC)/ dioxin huyện Lạc Sơn thăm gia đình hội viên Bùi Văn Ngảy, xóm Trang, xã Thượng Cốc thấu cảm được nỗi đau mà các gia đình đã, đang phải gánh chịu. Ông Ngảy là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông có mặt ở chiến trường Quảng Trị. Dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn, không sợ gian khổ, hy sinh, nhưng CĐDC đã để lại trong ông nỗi đau dai dẳng. Ông Ngảy chia sẻ: Đất nước thống nhất, cũng như bao người lính, tôi lấy vợ, sinh con. Nhưng ngờ đâu có người con sinh ra bị nhiễm CĐDC. Hơn 35 năm qua, gia đình vất vả lo cho con bị bệnh. Hai vợ chồng giờ đã tuổi cao, sức yếu, cuộc sống còn bao khó khăn với thu nhập chính là tiền trợ cấp chế độ da cam của hai bố con. Ngôi nhà đang ở cũng đã xuống cấp, mưa dột, nắng nóng…

Cũng trong những ngày tháng 7 ý nghĩa, khi cả nước hướng về kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) và 61 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam 10/8, Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh đã đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình hội viên Bùi Hồng Tháp, xóm Đúng Thá, xã Thu Phong (Cao Phong). Là người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, trở về với thương tật trên người và mất một chân, ông Tháp vẫn nghị lực vượt qua khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Nhưng khó khăn chồng chất khó khăn khi người con của ông sinh ra bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học. Mọi nhọc nhằn đổ lên vai người vợ, người mẹ nay cũng đã tuổi cao sức yếu mà vẫn phải cùng lúc chăm sóc cho cả hai bố con.

Đối với ông Bùi Văn Ruồng, xóm Cao, xã Cao Sơn (Lương Sơn) - một người lính tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, không ngại hy sinh, gian khổ khi tham gia chiến đấu ở chiến trường, trở về tiếp tục cống hiến cho công tác giáo dục tại địa phương. Với ông, dù trên cơ thể còn đó những vết thương và bệnh tật do tuổi cao, sức yếu. Nhưng ông vẫn luôn sống lạc quan, yêu thương, trách nhiệm với gia đình. Điều trăn trở của ông là thương người vợ tảo tần và chia sẻ với những người đồng ngũ trở về với những thiệt thòi hơn mình.

Đồng chí Tạ Quang Biên, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: Hiện, toàn Hội có 3.627 hội viên, sinh hoạt tại 10 cơ sở Hội. Trong đó có 3.002 người là nạn nhân trực tiếp, 625 người là nạn nhân gián tiếp và 260 người thế hệ thứ 3 nghi nhiễm. Phần lớn các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học trực tiếp tuổi đã cao, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp chính sách hàng tháng.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau da cam vẫn mãi đeo bám cuộc sống của nhiều gia đình. Nghiệt ngã hơn, di chứng ấy còn đeo bám đến cả thế hệ con, cháu của họ. Để chung tay hỗ trợ nạn nhân da cam, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học và hỗ trợ, chăm sóc NNCĐDC. Cùng với đó là sự chung tay của cộng đồng với tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau”, có nhiều gia đình NNCĐDC nghèo khó được hỗ trợ sinh kế, nhà ở... từng bước ổn định đời sống. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã đoàn kết, tích cực vận động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh cùng chung tay đóng góp để khắc phục hậu quả chất độc hóa học, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chú trọng việc nêu gương điển hình tiên tiến những nạn nhân làm kinh tế giỏi, nạn nhân vượt khó hòa nhập cộng đồng và các nhà hảo tâm đã tích cực ủng hộ cho NNCĐDC/dioxin; tôn vinh người thân có công chăm sóc, nuôi dưỡng NNCĐDC/dioxin.

Việc chăm lo cho NNCĐDC không chỉ là trách nhiệm của một hoặc vài đơn vị, mà cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Thời gian tới, các cấp Hội NNCĐDC/ dioxin tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, tăng cường vận động các nguồn lực trong xã hội để chung tay giúp đỡ NNCĐDC khắc phục khó khăn có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Hồng Duyên

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/168912/chung-tay,-gop-suc-ho-tro-nan-nhan-bi-anh-huong-chat-doc-hoa-hoc.htm