Chung tay giảm nghèo

Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là một trong những mục tiêu xuyên suốt, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng củ cải trắng ở xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa.

Những kết quả tích cực

Từng là một trong những huyện nghèo của cả nước, huyện Tân Sơn xác định việc tổ chức triển khai công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Để giảm nghèo bền vững, huyện triển khai đồng bộ, thực chất, không chạy theo thành tích, tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ cho các hộ đăng ký, thực hiện thoát nghèo. Quá trình triển khai thực hiện công khai, minh bạch các nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2023 giảm còn 14,67%, cận nghèo 7,51%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 16,75%.

Anh Hà Văn Hăng ở khu Phắt, xã Lai Đồng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo. Nhờ được xã, khu dân cư thường xuyên động viên, khuyến khích, hướng dẫn tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng và được vay vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, được cấp bò cái nuôi sinh sản theo chương trình “Ngân hàng bò”... cộng với chăm chỉ làm ăn, tích cóp, đến năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo, đến nay đã xây được nhà ở kiên cố, trị giá hơn 500 triệu đồng”.

Năm 2023, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã tham mưu chi từ ngân sách và phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo cho các hộ này có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình.

Tỉnh đã tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo, ưu tiên bố trí kinh phí để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp kinh doanh nhằm tạo việc làm, các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn...

Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2023, tỉnh còn 18.957 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 4,44% (giảm 0,75% so với năm 2022) và 15.357 hộ cận nghèo, chiếm 3,6% (giảm 0,58% so với năm 2022). Một số địa phương có tổng số hộ nghèo đa chiều giảm mạnh như các huyện Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng. Các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất lần lượt là Việt Trì 0,49%, 0,37%; thị xã Phú Thọ 0,99%, 1,55%; huyện Phù Ninh 1,44%, 1,34%...

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh Phùng Văn Đàn ở khu Bương, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn đầu tư chăn nuôi bò, vươn lên thoát nghèo năm 2023.

Tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình. Đặc biệt, việc đưa nội dung giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn của địa phương, đơn vị đã góp phần tạo chuyển biến tích cực cho công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình bằng các giải pháp phù hợp, đạt nhiều kết quả tích cực. Với các chính sách, giải pháp giảm nghèo đã được triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống, nhất là đến được với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mở ra cơ hội cho các hộ có vốn sản xuất, có việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Từ đó, khơi dậy và phát huy truyền thống tự lực, nỗ lực vươn lên của nhân dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực.

Để hoàn thành Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đối tượng người nghèo về các nội dung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao trách nhiệm, phát huy vai trò của các lực lượng tại cơ sở, trước hết là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, công an, quân đội... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng, triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, hiệu quả Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng hành động vì người nghèo”... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/chung-tay-giam-ngheo/207177.htm