Chung tay đẩy lùi bệnh lao

Những năm qua, công tác phòng, chống lao được Ban Chỉ đạo chiến lược phòng, chống lao tỉnh quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp tích cực của các đơn vị đã góp phần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao, kịp thời điều trị cho người bệnh.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Sơn La áp dụng kỹ thuật điều trị bệnh nhân.

Hiện nay, 100% huyện, thành phố trong tỉnh có tổ chống lao, mỗi tổ gồm 5 cán bộ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ triển khai các hoạt động của chương trình chống lao tại địa phương; mỗi xã có một cán bộ kiêm nhiệm đảm nhiệm công tác chống lao. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về bệnh lao và phòng, chống lao được tăng cường, với nhiều hình thức, như: Treo băng rôn, pa nô - áp phích; phát tờ rơi; lồng ghép trong cuộc họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể...

Các bệnh viện trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh lao, vận động hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động phòng chống lao. Triển khai chiến lược 2X, gồm xét nghiệm bằng X-quang lồng ngực và xét nghiệm sinh học phân tử cho đối tượng nguy cơ cao có trong cộng đồng tại các trại giam của công an, các cơ sở điều trị nghiện ma túy để phát hiện sớm tất cả các thể lao, lao tiềm ẩn và lao đa kháng thuốc. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức khám sàng lọc cho 11.000 lượt người, đã phát hiện 64 bệnh nhân lao các thể; 43 bệnh nhân có bằng chứng vi khuẩn học; 197 bệnh nhân lao tiềm ẩn.

Trong hoạt động chuyên môn, ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai công tác khám, phát hiện, quản lý điều trị lao, nhất là lao kháng thuốc. Tổ chức tập huấn về phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị, dự phòng bệnh lao cho cán bộ chống lao tuyến huyện, tuyến xã. Riêng đội ngũ nhân viên y tế bản luôn bám sát cơ sở tuyên truyền, vận động các gia đình đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh lao.

Với nhiệm vụ phát hiện và quản lý điều trị bệnh nhân lao, đồng thời chỉ đạo hoạt động chương trình chống lao trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Bệnh viện Phổi tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp, nhằm giảm tác hại và ngăn chặn, khống chế bệnh lao. Trong đó, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, tiếp nhận các danh mục kỹ thuật cao ứng dụng vào điều trị bệnh. Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm; xét nghiệm Xpert, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các máy móc trang thiết bị hiện đại, như: Máy giúp thở xâm nhập và không xâm nhập; máy siêu âm, monitor theo dõi điều trị bệnh nhân.

Bác sĩ, CKI Bùi Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Sơn La, cho biết: Hằng năm, đơn vị đã tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh duy trì mạng lưới chống lao tại 12 huyện, thành phố và 204 xã, phường, thị trấn. Triển khai khám, phát hiện và quản lý điều trị lao tại cơ sở, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với bệnh nhân lao. Từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã khám và xét nghiệm cho hơn 3.320 lượt người; phát hiện 394 bệnh nhân nhân lao các thể, trong đó có 314 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học; tỷ lệ điều trị khỏi lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học đạt 97,8%.

Cuối năm 2023, bà Trần Thị Hương, tiểu khu 8, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, thường xuyên bị ho có đờm, ho khan, sút cân nhanh, kém ăn, mất ngủ, sốt nhẹ vào buổi chiều, đau ngực, khó thở. Bà Hương đến Bệnh viện Phổi Sơn La để khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lao, phải liên tục điều trị. Bà Hương cho biết: Sau đợt nằm viện, về nhà, tôi ở riêng một phòng, sinh hoạt riêng để tránh lây cho gia đình. Đồng thời, uống đúng, đủ thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những triệu chứng bệnh của tôi giảm dần, đi xét nghiệm lại, bác sĩ thông báo tôi đã khỏi bệnh lao.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Thuận Châu đang quản lý, điều trị nội trú 11 bệnh nhân lao. Bác sĩ Trần Việt Dũng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết: Thông thường, khi mới được phát hiện, bệnh nhân lao thường lo lắng, sợ bị kỳ thị. Song khi được tư vấn, hướng dẫn phương pháp chữa bệnh, phòng lao kháng thuốc và tránh lây lan cho người thân, cộng đồng; được tạo điều kiện thuận lợi chữa bệnh thì hầu hết đều yên tâm, phối hợp với bác sĩ và tuân thủ phác đồ điều trị khá tốt.

Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024 với thông điệp “Đúng, chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” thể hiện tinh thần quyết tâm cao trong công tác phòng chống bệnh lao. Đối với tỉnh ta, tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống lao tại những nơi tập trung đông người; lồng ghép trong các cuộc họp xã, phường, thôn, bản; củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn, giám sát mạng lưới phòng chống lao. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng chung tay cùng cả nước đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/chung-tay-day-lui-benh-lao-x2mZPa1Ig.html