Chung tay chăm lo người cao tuổi - Bài 2: Bươn chải tuổi xế chiều

Nhiều người cao tuổi lưng còng, tóc bạc vẫn phải ngày đêm lặn lội trên khắp nẻo đường mưu sinh, bởi họ không có nhiều lựa chọn và cần tiền để sống. 'Khởi nghiệp' cho người cao tuổi là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội; tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản.

Lưng còng mưu sinh nơi phố thị

Trưa, nắng như đổ lửa, tiếng rao “vé số… vé số đây” của bà Nguyễn Thị Cau (77 tuổi, phường Bình San, TP Hà Tiên, Kiên Giang) lọt thỏm giữa dòng người và xe trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM. Vóc dáng gầy nhom, gương mặt đen sạm khắc khổ, bà khó nhọc đẩy chiếc xe lôi cũ mèm, bên trong có bé trai nằm cuộn tròn thiêm thiếp. Đẩy một quãng, bà lại đứng thở dốc vì mệt. Gần 3 giờ đi hết quãng đường khoảng 5km trên một số tuyến phố của phường Bến Nghé và Phạm Ngũ Lão, xấp vé số trong tay bà gần như còn nguyên.

Bà Nguyễn Thị Cau (77 tuổi, ngụ Kiên Giang) và cháu nội bán vé số mưu sinh tại TPHCM. Ảnh: QUANG HUY

Bà có 4 người con trai nhưng 2 người đã chết vì bệnh tật và tai nạn lao động, 2 người còn lại tha hương kiếm sống. Đứa bé nằm trong xe lôi là Bùi Hạnh Phúc, con của người con trai thứ tư, mới được 13 tháng tuổi. Mẹ bỏ đi lúc bé còn đỏ hỏn, một tay bà chăm sóc, nuôi dưỡng.

“Tai ương ập xuống gia đình, ông nội nó không chịu đựng được tình cảnh gia đình cũng bỏ đi, tôi đành bấm bụng bồng Hạnh Phúc về thành phố mưu sinh, lúc ở Bình Tân, khi thì quận 1 gần một năm nay… Không biết tương lai sẽ ra sao”, bà Cau nghẹn ngào.

Sau cuốc xe ôm khuya, ông Ngô Văn Tiến (61 tuổi, quê Phú Yên) cũng về tới căn nhà trọ cấp 4 rộng khoảng 35m2 nằm trong hẻm 24, đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM). Mở cánh cửa rỉ sét bước vào bên trong nhà, những người lớn tuổi cùng thuê trọ đang lục tục chuẩn bị chiếu mền đi ngủ.

Bà Bùi Thị Xuân Trang (đồng hương với ông Tiến) thủ thỉ: “Nay mấy ông bà bán vé số ế quá nên ghé chợ Dân Sinh phụ giúp mấy chủ sạp dọn hàng, mới về khuya như vậy”. Bắt gặp chúng tôi đang nhẩm đếm số người, ông Tiến khoát tay cười trừ: “Ở đây có 35 người, cả nam lẫn nữ, trẻ, già từ 47 đến trên 70 tuổi, đều là đồng hương Phú Yên với tôi trôi dạt về thành phố làm đủ kế sinh nhai. Cơ duyên đưa đẩy cho chúng tôi gặp rồi tụ về một chỗ đỡ đần nhau. Chịu chật chút nhưng ở đây thuê được lâu dài, đỡ cái việc nay dời, mai chuyển, bạ đâu ngủ đó”.

“Khởi nghiệp” miệt vườn quê

Ngồi đếm lại xấp tiền thương lái vừa thanh toán mua hơn 2 tấn tôm, lão nông Trần Văn Việt (69 tuổi, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) không giấu được niềm phấn khởi khi trúng mùa, được giá. Trước đây, ông Việt nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống, thu nhập bấp bênh, thất bại nhiều hơn thành công.

Không bỏ cuộc, ông tìm thông tin trên mạng, chủ động tham dự các hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, tìm hiểu quy trình và công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh. Thấy đủ tự tin, ông quyết định đầu tư 4 ao trải bạt HDPE (bạt chống thấm), đồng thời hợp tác với doanh nghiệp nuôi tôm sạch, thành công ngoài mong đợi.

“Dù không dám nói là thành công vang dội, nhưng hiện đã có của ăn, của để dành cho con cháu. Qua đó, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi tuổi về già”, ông Bảy Việt tâm sự.

Nói về chặng đường “khởi nghiệp” của mình, ông Bảy Việt cho rằng, việc “có đất” cho người cao tuổi khởi nghiệp ở các thành phố lớn còn gặp khó. Ông và hàng triệu người cao tuổi ở miệt vườn, nông thôn, cơ hội khởi nghiệp còn ít và khó khăn hơn nhiều. Dù vậy, ông và nhiều người cao tuổi ở địa phương vẫn mày mò tìm hướng đi, lập nghiệp ngay trên mảnh đất của mình, quyết không chịu già, không để phụ thuộc vào con cháu.

Cũng “không chịu già”, TS Trần Thanh Liêm (66 tuổi, ngụ TPHCM) chọn tiếp tục tham gia lại thị trường lao động sau khi nghỉ hưu với vai trò là Trưởng khoa Du lịch, Trường Trung cấp Việt Giao (TPHCM).

“Với kinh nghiệm hơn 30 năm đứng trên bục giảng, khi về hưu, tôi cứ trăn trở tại sao mình không làm một việc gì đó khi sức khỏe còn tốt, tinh thần minh mẫn. Và rồi lúc Trường Trung cấp Việt Giao mời về trường công tác, tôi đồng ý ngay. Đến nay cũng đã có 3 lứa học trò ra trường, các em có chuyên môn tốt, công việc ổn định, thu nhập tốt, tôi thấy quyết định của mình là đúng”, TS Liêm kể.

Trên đây chỉ là 2 ví dụ trong số hàng triệu lao động là người cao tuổi hiện nay đang làm việc. Để có thành công, cả 2 ông đều có chung nhận định: Không có con đường nào là dễ đi. Theo ông Bảy Việt, tìm được ý tưởng khởi nghiệp đã khó, hiện thực hóa ý tưởng đó còn khó khăn hơn nhiều. Bài toán về nguồn vốn, kiến thức đến “tái học nghề” là thách thức với rất nhiều người cao tuổi ở nông thôn.

Còn TS Trần Thanh Liêm thì dẫn chứng, thời đại 4.0 nhưng trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18-45 tuổi. Người lao động trong nhóm tuổi 45+ có rất ít lựa chọn việc làm; người 50+, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung như bảo vệ, giao nhận hàng…; còn nhóm 60+ hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Bên cạnh đó, một bất cập khác là nhiều người cao tuổi có kỹ năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh, làm trang trại… nhưng quá tuổi vay vốn và Nhà nước cũng chưa có cơ chế nào để giúp đối tượng này tìm kiếm việc làm.

Đồng thuận, TS Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTB-XH cho rằng, khi nói về người cao tuổi và quốc gia khởi nghiệp sẽ là thiếu sót nếu không nói là thiệt thòi và lãng phí rất lớn nếu để người cao tuổi đứng bên lề của quá trình khởi nghiệp quốc gia. “Nhà nước cần có định hướng, lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tình hình thực tế của người cao tuổi hiện nay”, TS Đào Trọng Độ đề xuất.

Tăng cường các giải pháp hướng nghiệp, đào tạo và vốn

Theo PGS-TS Cao Văn Sâm, chuyên gia cao cấp về đào tạo, việc làm, dự báo của các tổ chức quốc tế Việt Nam, đến 2050 tốc độ già hóa của Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cao tuổi hiện nay đang được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, nhất là cho nhóm lao động người cao tuổi phụ nữ và người cao tuổi nông thôn dễ bị tổn thương nhất. Đảng, Nhà nước cần tăng cường công tác truyền thông, xóa bỏ rào cản tâm lý tự ti cho người cao tuổi; tăng cường các giải pháp hướng nghiệp, đào tạo và giải pháp vốn.

Bên cạnh đó, phát huy những mô hình hay như tự thành lập quỹ phát triển sản xuất của người cao tuổi đóng góp từ các hội viên; sử dụng nguồn nhân lực đã nghỉ hưu để tiếp tục đóng góp cho nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt, cần trang bị cho họ thêm kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng hội nhập và thích ứng.

Triển khai tốt các chính sách về người cao tuổi

Trong dịp làm việc với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về người cao tuổi, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách để người cao tuổi được chăm sóc ngày càng tốt hơn như: Chỉ thị 59 của Ban Bí thư (khóa VII, năm 1995) về chăm sóc người cao tuổi; Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới (trong đó có nội dung về người cao tuổi); Luật Người cao tuổi năm 2009 số 39/2009/QH12; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030…

Trong bối cảnh quá trình già hóa dân số nhanh của nước ta hiện nay, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi để người cao tuổi thực sự là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội…

Các bộ ban ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đối với người cao tuổi nêu tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 7-8-2023 của Chính phủ về ưu tiên xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo, cận nghèo có người cao tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội; bao phủ y tế… Sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về người cao tuổi trong giai đoạn mới.

QUANG HUY - BÙI TUẤN - KIM HUYỀN - TẤN THÁI - XUÂN TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chung-tay-cham-lo-nguoi-cao-tuoi-bai-2-buon-chai-tuoi-xe-chieu-post739010.html