Chứng nghiện cờ bạc đeo bám người gốc Á ở Mỹ

Nhiều người gốc châu Á ở Mỹ lâm vào cảnh nợ nần ngay từ khi còn trẻ vì chứng nghiện cờ bạc. Tuy nhiên, họ không có nhiều lựa chọn nếu muốn điều trị.

Anh trai của Jimmy Wong đuổi cậu ra khỏi nhà khi cậu mới 20 tuổi. Hồi đó, Wong làm việc tại một siêu thị ở Nam California (Mỹ). Nam thanh niên dành phần lớn thu nhập cho các cuộc sát phạt ở sòng bạc.

Wong chỉ là một trong số nhiều người Mỹ gốc Á sa lầy trong vòng xoáy bài bạc, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại về tài chính lẫn tinh thần, theo NBC News.

Chơi bài là thú vui của Wong khi anh rảnh. Nhưng rồi anh dần lấn sâu dần vào trò đỏ đen. Cậu nghiện nó đến nỗi nhiều lúc không có tiền để mua thức ăn. Ra ngoài, Wong cũng không có lựa chọn nào khác ngoài đi bộ vì không đủ khả năng mua vé dành cho phương tiện giao thông công cộng.

Rốt cuộc, Wong lâm vào cảnh nợ nần và phải nhờ anh trai trả nợ. Sau khi trả nợ, người anh yêu cầu Wong tìm nơi ở khác.

“Hồi đó, tôi cảm thấy như không ai muốn liên quan hay chịu nói chuyện với tôi. Họ sợ tôi vay tiền. Tôi đã suy sụp”, người đàn ông nhớ lại.

Cùng quẫn, Wong dần nhận ra bản thân không thể kết hôn hay nuôi sống gia đình nếu tiếp tục chìm vào cờ bạc. Suy nghĩ đó thúc đẩy anh chuyển đến vùng North California để bắt đầu cuộc sống mới. Sau 2 năm, cuối cùng Wong cũng cai thành công thói nghiện đánh bài.

Năm 2015, Hội đồng Quốc gia Mỹ về vấn về cờ bạc ước tính khoảng 5 triệu người Mỹ nghiện cờ bạc nhưng chỉ khoảng 8% số họ tìm cách điều trị.

Con số chính xác của những người chịu ảnh hưởng bởi thói nghiện cờ bạc vẫn là ẩn số, song các nhà lãnh đạo cộng đồng thừa nhận thói cờ bạc đã chia rẽ gia đình, gây căng thẳng và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu hơn như tự sát hay phạm tội.

Timothy Fong, giáo sư tâm thần học và đồng giám sát Chương trình nghiên cứu cờ bạc của Đại học UCLA (Mỹ), nhận định thói quen cờ bạc trong văn hóa châu Á bắt nguồn từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong văn hóa Trung Quốc, đánh bài là một hoạt động giải trí gắn liền với ngày Tết. Ngoài ra, không ít người xem bói vận may qua các lá bài.

Ngoài giá trị văn hóa sẵn có, các sòng bạc còn hướng quảng cáo mạnh mẽ đến đối tượng người Mỹ gốc Á. Ví dụ như cung cấp các chuyến xe buýt miễn phí từ các vùng lân cận đến sòng bạc.

"Nhiều người lao động nhập cư có mức lương thấp, làm việc tại các nhà hàng, dễ bị cuốn vào các trò đỏ đen", Ben Hires, người điều hành Hội đồng Khu phố Tàu ở Boston, tiết lộ. Theo ông, vì làm việc tăng ca đến tối muộn, họ không có nhiều hoạt động xã hội, giải trí khác để tham gia. Vì vậy, nếu có xe buýt đưa đón miễn phí đến nơi có ánh đèn rực rỡ, kèm với lời hứa hẹn về khả năng kiếm khoản tiền mặt nhanh chóng, họ sẽ khó cưỡng sức hút từ các sòng bạc. Vào dịp Tết âm lịch, các hoạt động cờ bạc lại càng có cơ hội gia tăng hơn.

Dù nghiện cờ bạc là một vấn đề phổ biến ở người Mỹ gốc Á, các lựa chọn điều trị vẫn còn hạn chế.

"Điều trị phù hợp với văn hóa là điều quan trọng. Cần có nhiều bác sĩ lâm sàng thành thạo ngoại ngữ lẫn văn hóa để có thể tiếp cận bệnh nhân dễ dàng hơn. Để giúp đỡ từng cá nhân, chúng tôi cần làm việc với cả gia đình. Cách đó rất phù hợp với tính chất của cộng đồng châu Á", giáo sư Fong cho hay.

Không có nhiều lựa chọn nếu muốn điều trị

Michael Le (25 tuổi, Los Angeles), nhớ lại những căng thẳng tài chính mà anh phải trải qua vì chứng nghiện cờ bạc của người mẹ.

Khi nhận được một công việc ở trường đại học, Michael từng rất băn khoăn về việc có nên gửi tiền về cho mẹ. Nhiều lần, vì người mẹ tiêu quá nhiều cho bài bạc, anh phải vay tiền của bố để trang trải các hóa đơn của bản thân.

Trong những tháng đầu của đại dịch, sau hàng chục năm gia đình sống chung với chứng nghiện cờ bạc, Michael và người thân đưa mẹ tìm gặp bác sĩ.

"Mẹ tôi luôn cố che giấu chứng nghiện các trò đỏ đen, nên gia đình không biết bà ấy cảm thấy thế nào, còn mẹ tôi không biết làm thế nào để mọi người có thể giúp bà cai nghiện", anh nói.

Trong nhiều tháng qua, gia đình đã học cách tiếp cận bà và để bà cởi mở hơn về chứng nghiện. Các thành viên đã bớt khiển trách và chấp nhận phần nào thói ham cờ bạc của bà.

Những người ủng hộ đã kêu gọi nghiên cứu thêm về tác động của chứng nghiện cờ bạc đối với người Mỹ gốc Á. Một báo cáo năm 2019 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Massachusetts-Boston kêu gọi tiến hành thêm nhiều khảo sát về tác động của bài bạc lên cộng đồng người Campuchia, người Việt Nam tại Mỹ.

Hires cảnh báo rằng người Mỹ gốc Campuchia và Việt Nam có ít nguồn lực hơn để hỗ trợ họ cai nghiện cờ bạc so với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng không chỉ ở cộng đồng người gốc Trung Quốc, mà các cộng đồng châu Á rộng lớn hơn cũng nhận được sự giúp đỡ trong nỗ lực cai nghiện", ông nói.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chung-nghien-co-bac-deo-bam-nguoi-goc-a-o-my-d18984.html