Chứng khoán phái sinh có gì khác?

Lời khuyên của các chuyên gia là muốn đón đầu cơ hội, vượt qua thách thức, rủi ro nhà đầu tư cần hiểu đầy đủ hơn về thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh để có quyết định đúng đắn khi tham gia.

Ảnh minh họa

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, TTCK phái sinh Việt Nam đã được ra mắt và đi vào vận hành ngày 10/8. Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh vẫn là khái niệm mới với nhiều người.

Chứng khoán phái sinh là gì?

Chứng khoán phái sinh (CKPS) là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở của CKPS có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại… hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất…

CKPS quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.

CKPS bao gồm 4 loại chính:

– Hợp đồng kỳ hạn: Là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.

– Hợp đồng tương lai: Là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

– Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán.

– Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.

Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm CKPS đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên TTCK phái sinh Việt Nam, cụ thể là hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu (VN30 và HNX30) và Hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao.

Khác biệt cơ bản giữa TTCK phái sinh và TTCK cơ sở

Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đơn vị trực tiếp xây dựng và vận hành hệ thống giao dịch CKPS tại Việt Nam, TTCK cơ sở còn có tên gọi khác là thị trường giao ngay, và TTCK phái sinh còn gọi là thị trường tương lai.

Theo đó, trên thị trường việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán được thực hiện ngay sau khi giao dịch được hoàn tất, còn ở thị trường tương lai khi các giao dịch mở vị thế mua, mở vị thế bán thì việc chuyển quyền sở hữu chưa được thực hiện ngay mà sẽ được thực hiện vào thời điểm đáo hạn của hợp đồng. “Đây là điểm khác biệt lớn nhất sẽ kéo theo các đặc tính khác của hai thị trường này”, ông Phong cho biết.

Về mặt khối lượng niêm yết, trên thị trường cơ sở khối lượng niêm yết thường là một lượng có hạn mức (tổng khối lượng niêm yết của một CK có một mức giới hạn). Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, khối lượng niêm yết là không có giới hạn, nhà đầu tư có thể giao dịch bất cứ lúc nào họ muốn.

Chủ thể niêm yết trên thị trường cơ sở, các tổ chức phát hành là các DN hoặc đối với trái phiếu là Chính phủ. Với thị trường phái sinh, chủ thể niêm yết các giao dịch này là Sở giao dịch chứng khoán, tạo ra các hợp đồng chuẩn để nhà đầu tư tham gia giao dịch.

Về đặc tính giao dịch, đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và muốn bán cổ phiếu phải có đủ số cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với CKPS, nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán. Ngoài ra, cũng có những khác biệt về xử lý thanh toán, tính chất hợp đồng.

Cơ hội và rủi ro

TTCK phái sinh luôn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi bởi tính hấp dẫn của nó. Nhà đầu tư có thể sử dụng đầu tư đòn bẩy với khối lượng lớn hơn rất nhiều số tiền ký quỹ hoặc sử dụng TTCK phái sinh làm công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường có những biến động ngoài dự đoán.

“Chức năng chính của TTCK phái sinh là giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro. Khi nhà đầu tư có công cụ để hạn chế được rủi ro, họ sẽ yên tâm đổ nhiều nguồn lực hơn về thị trường này. Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm các nguồn lực đầu tư đang tiềm ẩn”, ông Nguyễn Anh Phong cho biết.

Bên cạnh đó, giá trị của TTCK phái sinh chịu ảnh hưởng rất lớn của TTCK cơ sở, TTCK phái sinh ra đời thì thị trường cơ sở phát triển hiệu quả hơn. Bởi TTCK phái sinh thể hiện kỳ vọng của các nhà đầu tư nhìn nhận về TTCK cơ sở, làm cho giá hàng hóa cơ sở mang tính thị trường hơn.

Có 3 rủi ro chính được xác định trên TTCK phái sinh. Thứ nhất, rủi ro thị trường mới. Thứ hai, rủi ro về thanh toán. Thứ ba là rủi ro từ thị trường cơ sở tác động lên TTCK phái sinh. Trong đó, rủi ro về thanh toán được cơ quan quản lý đặc biệt kiểm soát và nghiêm khắc trong xử lý.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân (SSI), Công ty Chứng khoán SSI nhận định, đối với CKPS, nếu như một người này lãi thì sẽ có người nào đó lỗ một khoản tương tự. Cho thấy việc tham gia thị trường này mức độ rủi ro khá cao so với TTCK cơ sở. Ở TTCK cơ sở nhà đầu tư có thể lỗ trong ngắn hạn, nhưng nếu chúng ta mua một cổ phiếu tốt và có tiềm năng tăng trưởng cao thì trong dài hạn vẫn có thể có lãi. Còn đối với TTCK phái sinh rất có thể không hồi phục được khoản lỗ đó.

Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia là nhà đầu tư nên hiểu đầy đủ hơn về thị trường này để có quyết định đúng đắn khi tham gia.

Thu Hà (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/chung-khoan-phai-sinh-co-gi-khac/313593.vgp