Chứng khoán ngày 9/2: Cung giá cao mạnh

Thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể trong phiên hôm nay, đáng tiếc lại là do nhà đầu tư xả hàng giá tốt trên diện rộng. Nếu không có một vài cổ phiếu lớn nâng đỡ, khả năng VN-Index còn có một phiên giảm điểm.

Độ hưng phấn lên rất cao trong những phút giao dịch đầu tiên trên cả hai sàn. Những cổ phiếu dẫn dắt trong vài phiên vừa qua tiếp tục tăng rất tốt. BVH, CTG, PVD, PVF kịch trần khiến “cảm giác” tăng rất bền. Nếu theo dõi độ rộng của thị trường có thể nhận thấy sự chuyển biến tâm lý là rõ rệt. Khoảng trước 9h, số cổ phiếu tăng giá áp đảo trên cả hai sàn, nhất là tại HNX. Thanh khoản tiếp tục yếu là biểu hiện của việc bên bán kìm hàng. Sàn Hà Nội chứng kiến hàng loạt cổ phiếu nóng bắt đầu được đánh lên trần. Có thể nói hôm nay là một ngày phù hợp để kiểm tra sức mua giá cao cũng như cung tiềm năng vốn chưa thể hiện hết những phiên trước. Biến động của nhóm dẫn dắt tại HOSE trong thời gian khá dài của phiên không tác động thêm đến chỉ số nữa do đã kịch trần và chỉ số chịu ảnh hưởng của nhóm còn lại. Thực tế khi những cổ phiếu trụ vẫn được mua tốt, dư mua trần hoặc đang được đẩy dần lên giá trần, hiệu ứng lan tỏa rất mạnh và số lượng cổ phiếu tăng giá tăng lên rất nhanh. Một số mã tỏ ra đuối sức như DPM, HAG, VCB được “cân đối” lại nhờ MSN, VIC. Đến khoảng 9h30 phút, bên mua bắt đầu tỏ ra đuối sức và không còn giữ nổi ở các bước giá cao. VCB bắt đầu đổ đèo và dư bán hai giá trần, sát trần khối lượng tương đối lớn. Tiếp đến là PVD, PVF xuất hiện dư bán trần. Số lượng các cổ phiếu tăng giá trên cả hai sàn bắt đầu giảm mạnh, đặc biệt là tại HOSE. Bất chấp BVH tiếp tục trụ vững giá trần và CTG tranh chấp giá trần, nhóm blue-chip còn lại không chịu nổi áp lực bán giá cao gia tăng bắt đầu hạ nhiệt dần. Chỉ số gần như là một bản sao ngược của phiên hôm qua khi hình thành một xu hướng đi xuống rất rõ ràng. Đặc biệt khoảng sau 10h, sàn HOSE bắt đầu chứng kiến sự giảm giá trên diện rộng với trên 100 mã giảm giá. VN-Index mất gần 3 điểm trong vòng 30 phút cuối đợt hai. Nếu không có sự nâng đỡ của BVH và MSN, tốc độ mất điểm có lẽ còn mạnh hơn. Đóng cửa, sàn HOSE chỉ còn 60 mã tăng giá, 7 mã kịch trần trong khi số giảm lên tới 140 mã và 15 mã giảm sàn. Tại HNX cũng có 128 mã giảm giá và 20 mã chạm sàn. Sự thay đổi của độ rộng cả hai sàn theo hướng tiêu cực trong khi không có thông tin gì bất lợi là kết quả của áp lực bán gia tăng. Thống kê tại HOSE cuối ngày chỉ còn 76 cổ phiếu giữ được mức giá cao nhất và 52 mã có giá đóng cửa cao hơn mở cửa. Đây đều là các con số thống kê xấu nhất trong vòng 6 phiên vừa qua. Mặc dù BVH, MSN vẫn tác động mạnh đến chỉ số lúc đóng cửa, giữ cho mức tăng khoảng 0,36% nhưng VN-Index phải chấp nhận đóng cửa sát điểm thấp nhất trong ngày. Như vậy phần còn lại của thị trường có diễn biến giá không tốt. Khối ngoại hôm nay quay lại mua mạnh BVH với gần 94% thanh khoản trong khi nhà đầu tư trong nước là đối tượng bán chủ yếu. Các blue-chip khác như DPM, PVD, PVF cũng không được mua mạnh, trừ MSN (gần 49% thanh khoản). Tổng lượng mua của khối này giảm 32% so với hôm qua, giá trị giảm 24%. Hôm nay khối ngoại chỉ còn đóng góp hơn 15% lượng vốn giao dịch tại HOSE, một mức khá đuối so với bình quân 27% của 3 phiên liền trước. Thanh khoản tại HOSE tăng 29% so với hôm qua nhưng chủ yếu xuất phát từ hoạt động chốt lời, cắt lỗ. Trên phương diện kỹ thuật, VN-Index tạo thành mẫu đồ thị khá xấu. Nhóm 40 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất hôm nay dao động bình quân tới 3,3%, cao nhất trong 6 phiên trở lại đây. Ngoài BVH, CTG, đa số các mã còn lại không giữ được giá cao nhất. CTG tuy đóng cửa kịch trần như đã xuất hiện dư bán trần lớn. Nhóm này tiếp tục đóng góp gần 51% thanh khoản cả sàn. Diễn biến khá xấu hôm nay có thể chỉ là tác động của hoạt động chốt lời ngắn hạn hoặc biến động cung cầu trong một phiên. Tuy nhiên thị trường vẫn cho thấy áp lực cung giá cao là mạnh hơn sức mua. Một vài cổ phiếu trụ quay lại nâng đỡ chỉ số không phản ánh đúng cục diện ở đa số các mã còn lại.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/2011020903405309p0c7/chung-khoan-ngay-92-cung-gia-cao-manh.htm