Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong lúc chờ báo cáo CPI, giá dầu tăng 2%

Kỳ vọng của nhà đầu tư về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 3 của Fed tiếp tục giảm xuống...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/1), khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước loạt báo cáo lạm phát chuẩn bị được công bố trong tuần này. Giá dầu thô bật tăng do căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông, dù tiếp tục đương đầu với áp lực giảm do mối lo thừa cung thiếu cầu.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,15%, còn 4.756,5 điểm, dù trước đó đã giảm 0,7% ở thời điểm lập đáy của phiên.

Chỉ số Nasdaq có thời điểm trượt gần 0,9% trước khi chốt phiên với mức tăng 0,09%, đạt 14.857,71 điểm.

Chỉ số Dow Jones giảm 157,75 điểm, tương đương giảm 0,42%, chốt ở mức 37.525,16 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số mất gần 310 điểm.

Cổ phiếu công nghệ vẫn giữ vai trò trụ cột của thị trường trong phiên này. Hãng sản xuất con chip Nvidia chứng kiến giá cổ phiếu tăng 1,7%, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Hãng thương mại điện tử Amazon và Alphabet - công ty mẹ của Google - tăng 1,5% mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu Juniper Networks tăng 22% sau khi có tin hãng công nghệ HP có thể công bố thỏa thuận mua lại công ty thiết bị mạng này với giá khoảng 13 tỷ USD ngay trong tuần này.

Sau khi tăng mạnh trong năm 2023, cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ đã chật vật khi bước sang năm 2024 do giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất từ tháng 3. Dù đã tăng mạnh trong phiên ngày thứ Hai và tiếp tục đi lên trong phiên ngày thứ Ba, nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P 500 vẫn giảm khoảng 1,1% nếu tính từ đầu năm.

“Thị trường đang dịch chuyển khỏi cổ phiếu Big Tech và chuyển sang quan tâm đến những nhóm cổ phiếu khác như y tế”, chiến lược gia Quincy Krosby của công ty LPL Financial nhận định. Y tế là một trong 4 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 tăng trong phiên ngày thứ Ba, và đã tăng khoảng 3% từ đầu năm, trở thành nhóm tăng mạnh nhất.

Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall hướng tới hai báo cáo lạm phát quan trọng - căn cứ để điều chỉnh kỳ vọng về đường đi lãi suất của Fed. Trong đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm, tiếp theo là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Sáu.

Theo dự báo của giới phân tích, CPI toàn phần tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kỳ vọng của nhà đầu tư về một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 3 của Fed tiếp tục giảm xuống. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng 65,7% Fed giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 19-20/3. Cách đây 1 tuần, khả năng này còn ở mức 79%.

Mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 ở Phố Wall sẽ khởi động vào ngày thứ Sáu tuần này, với báo cáo từ một loạt ngân hàng lớn. Cổ phiếu một số nhà băng hàng đầu của Mỹ đã giảm khoảng 1% mỗi cổ phiếu trong phiên ngày thứ Ba.

“Đây là sự bất an trước mùa báo cáo tài chính. Định giá cổ phiếu đang khá cao, và cần phải có tăng trưởng lợi nhuận để hậu thuẫn những mức định giá này”, CEO Phil Blancato của công ty Ladenburg Thalmann Asset Management phát biểu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,47 USD/thùng, tương đương tăng 1,93%, đạt 77,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,47 USD/thùng, tương đương tăng 2,08%, đạt 72,24 USD/thùng.

Giới phân tích cho biết căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông và tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya đã hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này.

Mỏ dầu lớn nhất của Libya đang phải đóng cửa do biểu tình, gây thiệt hại sản lượng 0,3 triệu thùng/ngày. Các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng vẫn xảy ra ở Biển Đỏ, khiến một số hãng vận tải biển lớn tiếp tục tránh đi qua khu vực này.

Trước khi tăng trong phiên ngày thứ Ba, giá dầu đã giảm khoảng 4% trong phiên đầu tuần do Saudi Arabia bất ngờ giảm mạnh giá bán dầu cho khách hàng châu Á.

“Câu hỏi bây giờ là liệu việc Saudi giảm giá bán dầu xuống mức thấp nhất 27 tháng có phải cũng là một dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu có thể tăng lên do bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ liên minh OPEC+”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty PVM Oil nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng Saudi Arabia giảm giá bán dầu vì muốn giữ thị phần trong bối cảnh phải cạnh tranh với dầu Mỹ và dầu Nga. Sản lượng dầu của Mỹ đang cao kỷ lục, trong khi dầu Nga vẫn tiếp tục được xuất khẩu bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Xung đột với sự dồi dào của nguồn cung là những dấu hiệu của sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ dầu, nhất là ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-giam-diem-trong-luc-cho-bao-cao-cpi-gia-dau-tang-2.htm