Chứng khoán Mỹ chạm mức cao kỷ lục

Chỉ số S&P 500, theo dõi cổ phiếu của 500 có vốn hóa lớn tiêu biểu trên thị trường chứng khoán Mỹ, tăng lên mức cao nhất mọi thời đại. Phớt lờ các tin xấu về địa chính trị và triển vọng lãi suất không chắc chắn, nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lại sau khi nhận thấy niềm tin của người tiêu dùng cải thiện mạnh mẽ.

Các nhân viên giao dịch làm việc ở Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: Getty

Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giao dịch 19-1 với mức tăng 1,23%, lên 4.839,81 điểm, vượt qua mức cao kỷ lục trước đó thiết lập trong tháng 1-2022. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jone, tăng 1,5% và chỉ số Nasdaq Composite cộng thêm 1,7%. Cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ giờ đây có điểm số dương trong năm 2024.

Cổ phiếu của ba công ty công nghệ Juniper Networks, Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) tăng giá mạnh nhất năm nay trong chỉ số S&P 500, một phần nhờ giới đầu tư phấn khích với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh. Juniper Networks sản xuất các sản phẩm mạng, bao gồm bộ định tuyến, bộ chuyển mạch, phần mềm quản lý mạng, bảo mật mạng. Nvidia và AMD là các nhà cung cấp chip AI.

Sau khi giảm sâu 19% trong năm 2022, chỉ số S&P 500 bùng nổ trong năm ngoái với mức tăng 24% khi nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được cơn suy thoái mà nhiều nhà kinh tế dự báo và lạm phát hạ nhiệt xuống các mức cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dừng tăng lãi suất.

Chỉ số này tiến sát mức cao kỷ lục sau đợt tăng giá mạnh mẽ trong quí 4, nhưng cuối cùng lại giảm xuống. Trong những ngày đầu năm, thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm khi nhà đầu tư chốt lợi nhuận ở cổ phiếu của các công ty công ty nghệ dẫn đầu như Apple.

Nhưng họ quay lại mua cổ phhiếu của những công ty công nghệ này trong những ngày gần đây. Điểm số cao kỷ lục của S&P 500 vào cuối tuần qua xác nhận rằng thị trường chứng khoán Mỹ chính thức bước vào thị trường tăng giá bắt đầu từ tháng 10-2022, chứ không phải một đợt phục hồi trong một thị trường giảm giá. S&P 500 tăng hơn 35% kể từ tháng đó.

Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng 2,35% vào hôm 19-1 và hơn 4% trong tuần qua, trở thành lĩnh vực có hiệu suất tốt nhất trong chỉ số S&P 500. “Nhà đầu tư đánh giá cao triển vọng của các công ty đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc có sản phẩm khác biệt trong lĩnh vực công nghệ đang dẫn đầu thị trường. Đà tăng giá cổ phiếu của các công ty này kéo dài bền bỉ trong những tháng cuối của năm ngoái đến năm 2024”. Matt Stucky, giám đốc danh mục đầu tư của Northwestern Mutual Wealth Management, bình luận.

Stucky cho biết thêm, sự tăng trưởng ổn định của chỉ số này trong năm 2024 phụ thuộc vào việc Fed có thể điều khiển nền kinh tế “hạ cánh mềm” thành công hay không. Ông lưu ý, động lực tăng trưởng của S&P 500 vào năm 2023 gắn liền kỳ vọng tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai. Do vậy, nếu nền kinh tế Mỹ không trụ vững trước các bất ổn vĩ mô như kỳ vọng, đà tăng của chỉ số S&P 500 sẽ không bền vững.

Triển vọng về nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, tình trạng bất ổn địa chính trị và kỳ vọng về tốc độ giảm lãi suất suy giảm không khiến những người tham gia thị trường sợ hãi. Thay vào đó, họ tập trung vào các tin tốt bao gồm một nền kinh tế hoạt động tốt hơn nhiều so với mong đợi, lạm phát hạ nhiệt và một loạt những phát triển tích cực ở các tập đoàn công nghệ của Mỹ

Dữ liệu mới nhất công bố hôm 19-1 cho thấy, người tiêu dùng Mỹ đang trở nên tin tưởng hơn vào nền kinh tế và xu hướng suy giảm của lạm phát. Trong tháng 1, chỉ số tâm lý người tiêu dùng, do Đại học Michigan khảo sát, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2021.

Joanne Hsu, giám đốc cuộc khảo sát của Đại học Michigan, cho biết, tính trong hai tháng tháng, chỉ số này đạt mức tăng lớn nhất kể từ năm 1991. “Tâm lý người tiêu dùng được hỗ trợ bởi niềm tin rằng lạm phát đã được kiểm soát, củng cố kỳ vọng của họ về thu nhập thực tế”, ông nói.

Stucky cho rằng, khi người tiêu dùng tự tin hơn, họ có nhiều khả năng chi tiêu hơn và duy trì sự kiên cường của cho nền kinh tế.

“Những gì bạn thấy là những nền tảng của nền kinh tế giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm 70% GDP hàng năm của Mỹ. Đó là bối cảnh được thị trường đánh giá cao”, Quincy Krosby, giám đốc chiến lược toàn cầu của LPL Financial, bình luận.

Đồng thời, dữ liệu kinh tế bên ngoài lĩnh vực sản xuất và nhà ở hầu hết đều mạnh mẽ, đặc biệt là tính kiên cường thị trường lao động. Dù lãi suất cao gây ra mối đe dọa cho việc tiếp tục tăng trưởng tuyển dụng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ vào tuần trước chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9-2022.

Dù triển vọng nới lỏng tiền tệ không còn mạnh mẽ như dự đoán ban đầu, các thị trường vẫn duy trì tâm lý tích cực. Cách đây một tuần, thị trường gần như chắc chắn rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3 và tiếp tục thực hiện thêm sáu đợ giảm lãi suất với mỗi đợt giảm 25 điểm cơ bản. Cuối tuần qua, các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai định giá có ít hơn 50% khả năng Fed giảm lãi suất trong tháng 3 và hiện đánh giá khả năng Fed giảm lãi suất năm đợt năm đợt trong năm 2024 cao hơn, theo dữ liệu của CME Group

Theo CNBC, Dow Jones Newswire

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-my-cham-muc-cao-ky-luc/