Chứng khoán đi theo tiếng gọi con tim

Mỗi khi chứng khoán giảm điểm quá nhiều, các chuyên gia đều dự báo đây đã là đáy và thị trường sẽ lên lại. Nhưng các chỉ số vẫn cứ dai dẳng đi xuống. Rồi mỗi lần các mã cổ phiếu ào ào tăng điểm, họ lại cảnh báo nên thận trọng vì mức tăng đã quá cao và không phản ánh đúng tình hình kinh tế. Trên thực tế, thị trường Việt Nam dường như chỉ đi theo “tiếng gọi con tim” của các nhà đầu tư.

Thị trường hưng phấn

Những người chơi chứng khoán nhận thấy rằng chỉ số VN-Index đã xuống đáy ở mức 336,7 điểm vào ngày 6.1.2012; thời kỳ thị trường lao dốc đã chấm dứt khi số phiên tăng điểm chiếm áp đảo, những phiên giảm điểm với biên độ cũng không lớn. Từ đó, thị trường cứ từ từ tăng lên cho đến tuần qua khi họ nghĩ rằng đã đến lúc phải mua mạnh vào. Nhất là khi tờ Wall Street Journal nhận định “chứng khoán Việt Nam - không mua bây giờ sẽ hối hận”. Bên cạnh đó, các thông tin kinh tế vĩ mô tích cực như lãi suất sẽ giảm, Chỉ thị 08 ra đời (nhằm thúc đẩy và tăng cường quản lý trên thị trường chứng khoán) càng khiến nhà đầu tư thêm hưng phấn.

Ngày 5.3, ngày đầu tiên kéo dài giao dịch sang buổi chiều, thị trường chứng khoán đã bùng nổ. Kết thúc phiên giao dịch, HNX-Index tăng mạnh 5,66%, đạt 75,78 điểm. VN-Index tăng 4,01%, lên 457,21 điểm (tính từ đầu tháng 1 đến nay, VN-Index đã tăng 105,66 điểm, tức hơn 30%). Những phiên giao dịch ngàn tỉ đồng đã không còn hiếm hoi, khi bình quân mỗi ngày có khoảng 1.800 tỉ đồng được giao dịch. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng mạnh tay giải ngân trong 2 tháng trở lại đây và liên tục mua ròng trong nhiều phiên. Riêng tại sàn TP.HCM, lượng tiền bỏ ra mua ròng khớp lệnh trong 2 tháng đầu năm khoảng 1.800 tỉ đồng/phiên. Đặc biệt trong phiên 6.3, tuy 2 sàn đều giảm điểm nhưng lại phá kỷ lục về giá trị chuyển nhượng: 3.800 tỉ đồng. Dòng tiền vẫn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.

Thị trường dường như cũng đang chuyển động theo tin đồn. Cổ phiếu ngân hàng trở nên đắt giá trước những thông tin về thâu tóm, sáp nhập. Cổ phiếu SHB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn -Hà Nội), HBB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội), STB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín)… tăng liên tục trong nhiều phiên. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu HBB đã tăng 71%, đạt 7.200 đồng/cổ phiếu (8.3) trong khi SHB tăng 91%, đạt 10.900 đồng/cổ phiếu.

Trên thực tế, việc sáp nhập sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam bền vững hơn. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đua nhau gom cổ phiếu ngành ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá đang rất rẻ, nhiều cổ phiếu dưới mệnh giá. Vì vậy, đây đang là mảnh đất làm ăn màu mỡ của các nhà đầu tư, nhất là những thế lực muốn thâu tóm một số ngân hàng.

Các nhà đầu tư chẳng cần nghe theo lời chuyên gia. Chuyên gia thực ra cũng chỉ là người dự đoán, mà dự đoán thì có thể đúng hoặc sai. Nhà đầu tư thực sự chỉ nghe theo tiếng gọi của bản thân mình và họ quay lại sàn khi nhận thấy đây là thời điểm hợp lý. Điều này chứng tỏ họ có tiền nhưng vì lâu nay thị trường quá ảm đạm nên chỉ đứng ngoài quan sát.

Khác hẳn với các chuyên gia, nhà đầu tư chẳng phân tích nhiều và lắm khi họ hành động chỉ theo cảm tính. Tuy nhiên, những gì họ làm lại đúng với quy luật cung cầu: khi hàng hóa đã giảm quá nhiều thì chúng trở nên hấp dẫn và kích thích nhu cầu.

Nên bắt đầu hoảng sợ?

Chứng khoán không bao giờ xuống hay lên mãi được, mà luôn có đỉnh và đáy. Khi trả lời phỏng vấn NCĐT vào năm ngoái, ông Micheal Kokalari, Giám đốc khối Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam, đã dự đoán VN-Index sẽ đạt 600 điểm vào giữa năm 2012. Nhiều người cũng tin rằng chỉ số VN-Index sẽ đạt 500 ngay trong tháng này. Bởi lẽ, nhà đầu tư (hay đầu cơ) đang hào hứng mua vào, còn người nắm giữ thì chưa muốn bán.

Kênh đầu tư chứng khoán đang thu hút dòng tiền quay trở lại. Trừ những người đã thua lỗ quá nhiều và không còn tiền đành ngậm ngùi đứng ngoài, còn các nhà đầu tư khác vẫn tiếp tục quay lại với thị trường. So với những kênh đầu tư khác như vàng, vốn lên xuống thất thường, hay bất động sản đang đóng băng thì chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn.

Nhưng liệu nhà đầu tư có hưng phấn thái quá khi dòng tiền chảy vào cả những mã cổ phiếu yếu kém? Trong phiên giao dịch ngày 5.3, có đến hơn 500 mã tăng trần trên cả 2 sàn. Việc nhà đầu tư bắt đầu tham lam và lao vào mua trần khiến độ rủi ro ngày càng tăng cao.

Với những phiên giao dịch có giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng như những ngày gần đây, tiền cho vay để mua chứng khoán cũng trở nên khan hiếm. Lãi suất cho vay chứng khoán vì thế đã lên đến 23%/năm. Đây cũng là yếu tố khiến thị trường thêm rủi ro. Và rủi ro nhất là thị trường đang ngày càng có xu hướng bị tin đồn dẫn dắt.

Sau phiên giao dịch bùng nổ ngày 5.3, thị trường đã điều chỉnh giảm trong ngày tiếp theo. Cụ thể, VN-Index giảm hơn 12 điểm, xuống còn 445 điểm; VN30-Index giảm 16,5 điểm và HNX-Index giảm 0,58 điểm. Nếu trong phiên giao dịch ngày 5.3, người nắm giữ cổ phiếu không muốn bán ra và trên sàn Hà Nội chỉ có hơn 35 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thì đến ngày hôm sau, 173 triệu cổ phiếu đã được trao tay. Hầu như ai cũng muốn chốt lời.

Nhận định sau diễn biến ngày 5.3 vừa qua, ông Kokalari cho rằng, nhà đầu tư nên “nắm giữ và bán ngay khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều”. Theo ông, có những nguyên tắc cần nhớ để gia tăng cơ hội kiếm tiền trên thị trường lúc này: không đi ngược xu hướng; nắm giữ cổ phiếu nhưng phải sẵn sàng bán nhanh khi xu hướng tăng của thị trường kết thúc; lựa chọn cổ phiếu tốt để đầu tư. Trước mắt, VN-Index khó lòng đạt được mốc 500 điểm và HNX-Index cũng chẳng thể chạm mốc 80 điểm. Tại những ngưỡng kháng cự mạnh này sẽ xuất hiện sự điều chỉnh. Và với tâm lý đám đông của các nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam, bất cứ thời điểm nào lực cầu biến mất cũng lập tức kéo theo làn sóng bán tháo.

Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam qua lịch sử 11 năm thành lập, mỗi khi chứng khoán lên quá cao và nhà đầu tư đã ít nhiều có lời thì họ sẽ rút tiền ra để đầu tư vào bất động sản. Những năm 2007-2008 bất động sản lên rất cao vào lúc thị trường chứng khoán đạt đỉnh. Khi ấy, đi mua căn hộ V-Star ở quận 7, TP.HCM, người viết đã chứng kiến cảnh tranh mua. Điều này cũng hợp lý vì tiền nằm trong chứng khoán dù sao cũng chỉ là tiền ảo. Do đó, khi đã kiếm đủ tiền trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường rút tiền ra để đổ vào bất động sản nhằm phân tán rủi ro.

Những người tham lam tột độ mong muốn kiếm được nhiều hơn có thể sẽ lỗ lớn, nhất là người vay tiền để chơi chứng khoán. Vậy liệu có nên bắt đầu sợ hãi khi mọi người tham lam như lời khuyên của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett?

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11855