Chứng khoán 18/8 giảm 'không phanh', nhà đầu tư tháo chạy

Chứng khoán 18/8 giảm 'không phanh' khi nhà đầu tư tháo chạy bằng mọi giá khiến thanh khoản đạt 34.000 tỷ đồng, mức cao chưa từng có.

Chứng khoán 18/8 giảm “không phanh”, nhà đầu tư tháo chạy

Ngay từ khi thị trường chứng khoán 18/8 chưa mở cửa, toàn cầu đã đón nhận một thông tin chấn động. Đó là việc công ty bất động sản lớn thứ hai Evergrande nộp đơn phá sản. Đây là cái kết được báo trước vì từ năm 2021, Evergrande đã từng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo vì có nguy cơ vỡ nợ. Từ đó đến nay, Evergrande nỗ lực thoát hiểm nhưng không thành công.

Dù đây là cái kết được báo trước nhưng hậu quả của nó vẫn lớn đến mức khó lường. Trong đợt giao dịch sáng của thị trường chứng khoán 18/8, VN-Index giảm tương đối mạnh nhưng lực cầu đã xuất hiện giúp nhà đầu tư vẫn hy vọng vào một phép màu.

Nhưng sau giờ nghỉ trưa, hy vọng của nhà đầu tư hoàn toàn sụp đổ khi VN-Index bất đầu “rơi tự do” với động thái “bán bằng mọi giá” của nhà đầu tư. Một đợt tháo chạy trên diện rộng đã xuất hiện vào cuối phiên chiều của thị trường chứng khoán 18/8.

Chứng khoán 18/8 giảm “không phanh” khi nhà đầu tư tháo chạy bằng mọi giá khiến thanh khoản đạt 34.000 tỷ đồng, mức cao chưa từng có. Ảnh chụp màn hình

Kết quả là thị trường chứng khoán 18/8 trở thành “thứ Sáu đen tối” khi VN-Index lập kỷ lục cả về tốc độ “rơi” cũng như thanh khoản.

Đóng cửa phiên chứng khoán 18/8, VN-Index giảm 55,49 điểm, tương đương 4,5% xuống 1.177,99 điểm. Mốc 1.200 điểm dễ dàng bị xuyên thủng. VN30-Index giảm 57,72 điểm, tương đương 4,63% xuống 1.190,1 điểm. Toàn sàn ghi nhận chỉ có 25 mã tăng giá, 18 mã đứng giá và 486 mã giảm giá (168 mã giảm sàn).

Thanh khoản của thị trường chứng khoán 18/8 ghi nhận mức cao chưa từng có khi có 1,7 tỷ cổ phiếu, tương đương 36.145 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 có 444 triệu cổ phiếu, tương đương 13.920 tỷ đồng được chuyển nhượng.

Trong phiên chứng khoán 18/8, VN30 có tới 7 mã giảm sàn. Đó là GVR, MWG, POW, SHB, VHM, VIC và VPB. Blue-chip duy nhất “vượt bão” thành công là VCB. VCB tăng 100 đồng/CP, tương đương 0,1% lên 89.500 đồng/CP.

Trên sàn Hà Nội, các chỉ số thậm chí còn “rơi” mạnh hơn.Đóng cửa phiên chứng khoán 18/8, HNX-Index giảm 14,01 điểm, tương đương 5,6% xuống 235,96 điểm; HNX30-Index giảm 39,78 điểm, tương đương 7,74 điểm xuống 474,01 điểm.

Thanh khoản phiên chứng khoán 18/8 trên sàn Hà Nội cũng tăng vượt bậc. Có tới 239 triệu cổ phiếu, tương đương 4.177 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm HNX30 có tới 15 mã giảm sàn.

Chứng khoán toàn cầu giảm sốc

Thị trường châu Á-Thái Bình Dương giảm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư đánh giá dữ liệu lạm phát tháng 7 của Nhật Bản và những đòn giáng mới vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản giảm xuống 3,1%, giảm từ mức 3,3% trong tháng Sáu. Lạm phát toàn phần vẫn ở mức 3,3%.

Trong khi đó, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande đang gặp khó khăn đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án phá sản Mỹ.

Công ty đã tìm kiếm sự bảo vệ theo Chương 15 của bộ luật phá sản Mỹ, bảo vệ các công ty không thuộc Mỹ đang tiến hành tái cơ cấu khỏi các chủ nợ.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,97% trong giờ giao dịch cuối cùng, trong khi chỉ số CSI 300 của đại lục mất 1,23%, đóng cửa ở mức 3.784.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,55% để bù đắp cho bốn ngày thua lỗ trong năm phiên vừa qua, kết thúc ở mức 31.450,76 trong khi Topix đóng cửa giảm 0,7% ở mức 2.237,29 sau khi chỉ số lạm phát được công bố.

Tại Úc, S&P/ASX 200 nhích lên một chút và kết thúc ở 7.148,1. Kospi của Hàn Quốckết thúc thấp hơn 0,61% ở mức 2.504,5, đánh dấu ngày thua lỗ thứ sáu liên tiếp và Kosdaq mất 0,98%, đóng cửa ở mức 877,32.

Thị trường châu Âu giảm điểm bởi nhà đầu tư toàn cầu thận trọng khi các nhà giao dịch đánh giá tương lai của chính sách tiền tệ và những lo ngại mới về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã giảm 0,9% trong đầu phiên giao dịch, với cổ phiếu bán lẻ giảm 1,7% dẫn đến thua lỗ do số liệu doanh số bán lẻ yếu của Vương quốc Anh khi tất cả các lĩnh vực và thị trường chứng khoán chính đều chìm trong sắc đỏ.

Chỉ số blue chip châu Âu đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm giảm 0,9% và đang có xu hướng trải qua một tuần tiêu cực, sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy khả năng tăng lãi suất tiếp theo là điều không thể bàn cãi.

Chứng khoán châu Âu vào thứ Sáu có vẻ sẽ theo sau thị trường châu Á-Thái Bình Dương, nơi các thị trường đồng loạt giảm.

Hoàng Tú

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-khoan-18-8-giam-khong-phanh-nha-dau-tu-thao-chay-post261037.html