Chung kết U21 QG – Cúp Báo Thanh Niên 2010: Chưa bắt đầu đã lại kết thúc

Giải bóng đá trẻ U21 QG – Cúp Báo Thanh Niên tuổi 14 đã diễn ra được độ chục ngày, nhưng cần thẳng thắn rằng, đã không có nhiều những trận đấu hay. Lý do thì nhiều, trong đó phải kể đến vấn đề sân bãi (xấu), khán giả (khá thờ ơ) và sự bào mòn về mặt nhân tài của các ĐT Olympic VN và U19 VN khiến rất nhiều đội bóng tham dự VCK rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng …

1. Người ta tính rằng, trong khoảng 6 – 7 mùa U21 QG đổ lại đây, giải đấu do Báo Thanh Niên và VFF phối hợp tổ chức luôn gặp trở ngại về thời tiết ở mức độ khác nhau. Năm 2006, cơn bão Xangsane hất tung cả mái che sân Chi Lăng, khiến VCK U21 QG lần thứ 10 phải gián đoạn; 1 năm trước đó, những ngày mưa tầm tã liên tiếp ở Bình Định đã biến trận chung kết thành màn thủy chiến; lại Bình Định (thay Nghệ An đứng ra đăng cai VCK) năm 2008 và vẫn là bão, mưa; thậm chí, hồi năm ngoái, khi giải lần đầu tiên được tổ chức ở Bình Dương, cũng không tránh khỏi mưa bão… Cho đến VCK U21 QG lần thứ 14 đang diễn ra ở Pleiku, nhiều người đã đùa rằng, nghĩ đến giải U21 là có mưa và ngược lại. Nói vui, chứ nếu địa phương nào gặp hạn hán, xin cứ đệ đơn đăng cai VCK U21 QG. Hệ thống thoát nước, cùng mặt sân rất tồi của Pleiku, cũng là một phần căn nguyên làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu. Một “tượng đài” của các VCK U21 như SLNA cũng phải gặp khó khăn vì vấn đề thiếu thốn lực lượng. Ảnh: Quang Nhựt 2. Liếc qua bản danh sách đăng ký của 8 đội dự VCK U21 QG lần thứ 14 đều có đầy đủ những ngôi sao, tức các cầu thủ trẻ đã thành danh và đang chơi trên đội 1. Ví như SLNA vẫn còn Quang Tình, Văn Bình; M.Nam Định cũng có Danh Ngọc, Mạnh Dũng, Chu Ngọc Anh… Chỉ có điều, tất cả số này đều đang làm nhiệm vụ ở Olympic VN. Với riêng giải U21, đó có thể xem là một mất mát, thậm chí là mất mát cực lớn. Nhưng không thể có lựa chọn nào khác. Tất nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Khi giải đấu thiếu vắng những gương mặt gạo cội, nó lại là cơ hội cho những người trẻ, những gương mặt mới (dù không nhiều). Có thể kể đến Đình Bảo, Mạnh Toàn (SLNA); Hữu Phát, Tuấn Anh, Thế Hưng (Đồng Nai.B); Thanh Sang, Thành Tài (SQC.Bình Định); Hoàng Thiên, Thái Học (HA.GL) hay Nhật Nam, Hữu Khôi, Văn Quý (M.Nam Định)… Vì nhiều lý do (khách quan có, chủ quan cũng có), đây có thể là VCK U21 QG có chất lượng chuyên môn thấp nhất trong lịch sử giải đấu 14 năm tuổi. Sự thật phũ phàng, nhưng phải biết cách chấp nhận nó, và BTC cần ngồi lại với nhau để lên phương án tối ưu cho việc xếp lịch vào năm sau. 3. Trận đấu giữa SLNA, “ông lớn” trong hệ thống các giải bóng đá trẻ, Đồng Nai.B, và “ngựa ô” ở VCK U21 QG năm 2010 hẳn phải rất hứa hẹn. Nó không đơn thuần chỉ là trận đấu cuối cùng của giải giữa 2 đội mạnh nhất, mà trận cầu này còn chứa đựng khát khao của tất cả. Với SLNA, họ muốn đòi lại vị thế số 1 ở giải đấu mang tính bản lề như U21 QG sau 7 năm thất lạc danh hiệu. Còn với Đồng Nai.B, thông qua giải đấu này, họ đang hy vọng có thể tạo cú hích lý tưởng cho bóng đá địa phương cất cánh… Nhưng, khán giả Gia Lai mới là những người chờ đợi nhiều nhất và kỳ vọng nhiều nhất, sau rất nhiều buổi chiều buồn tẻ. Cũng cần phải kể đến nỗi thất vọng của họ, sau khi chủ nhà HA.GL phải dừng bước ở bán kết. Có đôi chút tiếc nuối, khi phải đợi đến ngày cuối cùng, sức nóng của giải bóng đá trẻ mới được hâm trở lại. Chỉ có điều, cả giải đấu lại chỉ kỳ vọng vào một trận đấu, e quá xa xỉ. TÙY PHONG

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/128n20101016005616365t0/chung-ket-u21-qgcup-bao-thanh-nien-2010-chua-bat-dau-da-lai-ket-thuc.htm