Chung cư, nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công chỉ bằng 43% cùng kỳ 2022

Chính phủ cho biết, nhiều giải pháp được cơ quan quản lý thực hiện để gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội.

Nguồn cung thấp, giao dịch cũng trầm lắng

Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế trong quý II, khi số lượng dự án hoàn thành chỉ bằng một nửa so với quý I và bằng khoảng 29% cùng kỳ 2022. Nhiều dự án bị dừng hoặc chậm triển khai do gặp khó khăn về pháp lý, vốn.

Nguồn cung thấp, giao dịch cũng trầm lắng. Số liệu từ các địa phương cho thấy, số lượng nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công chỉ bằng 43% cùng kỳ năm ngoái.

Giao dịch bất động sản trong quý II chủ yếu ở phân khúc đất nền, với 67.525 thương vụ thành công, nhưng cũng giảm khoảng 68% so với quý II/2022...

Nhiều giải pháp được cơ quan quản lý thực hiện để gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết, nhiều giải pháp được cơ quan quản lý thực hiện để gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản, nhất là phân khúc nhà ở xã hội. Một trong số này là cùng các cơ quan hoàn thiện, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó kiến nghị Quốc hội, chính sách với nhà ở xã hội có hiệu lực sớm, dự kiến 45 ngày sau khi luật được Quốc hội thông qua.

Cùng đó, Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục làm việc với các địa phương (Hà Nội, TP HCM) để rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản. Đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản phản ánh khó khăn, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp liên quan tới 168 dự án bất động sản. Số văn bản này đã được Tổ công tác rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi tới cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Để tăng nguồn cung phù hợp nhu cầu, thu nhập người lao động, theo Bộ Xây dựng, đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp 2021-2030 được đẩy mạnh triển khai.

Đến nay, 20 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công, sẽ cung ứng cho thị trường gần 37.800 căn hộ. Trong đó, trên 80% là dự án nhà ở xã hội, quy mô trên 34.430 căn, tại các địa phương như Hà Nam, Bình Dương, Kiên Giang, TP HCM... Khoảng 20% dự án nhà ở công nhân được triển khai tại Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP HCM với quy mô 3.360 căn.

Bộ Xây dựng thông tin, hiện có 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng. Số dự án này có quy mô 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.

Rất ít địa phương bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội

Báo cáo của Chính phủ thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay được Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa ủy quyền của Thủ tướng ký cũng cho biết, trong 2,5 năm qua, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội tại các đô thị, với khoảng 19.516 căn. 294 dự án, với quy mô 288.499 căn (trong đó có 105 dự án được cấp phép xây dựng mới, với quy mô xây dựng khoảng 85.662 căn) đang được triển khai.

Riêng nửa đầu năm nay, có 9 dự án được khởi công, với tổng số hơn 18.700 căn.

Còn khó khăn, vướng mắc khiến phân khúc nhà ở xã hội chưa phát triển mạnh, trong khi nhu cầu của người dân, lao động rất lớn

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nêu rõ khó khăn, vướng mắc khiến phân khúc nhà ở xã hội chưa phát triển mạnh, trong khi nhu cầu của người dân, lao động rất lớn.

Trước tiên là thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài. Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành nhưng chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư...

Về vốn, ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Còn nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 đến nay vẫn chưa được bố trí.

Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, địa phương chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Hầu hết các địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; rất ít bố trí các quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội.

Để giải quyết thực trạng trên, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nhà ở xã hội; hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Một trong những sửa đổi quan trọng là bổ sung cơ chế cho nhóm đối tượng thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…

Chính sách nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được tách bạch khi sửa luật, để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Chính phủ cũng sẽ đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật...

Hiếu Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chung-cu-nha-o-rieng-le-giao-dich-thanh-cong-chi-bang-43-cung-ky-2022-post1050062.vov