Chuẩn bị rau màu sẵn sàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán

Theo thông lệ hằng năm, cứ đến dịp tết Nguyên đán là nông dân canh tác màu ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lại tất bật chăm sóc rau màu để cung ứng ra thị trường.

Ông Lâm Văn Phấn, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) bộc bạch: “Để cung ứng bông hẹ cho thị trường Tết sắp đến, tôi đã trồng 3,5 công hẹ. Hiện tại, hẹ đã bắt đầu cho thu hoạch. Tính riêng sản lượng hẹ bán trong dịp tết Nguyên đán năm 2024, dự kiến lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Số tiền trên đủ cho cả gia đình ăn Tết vui tươi, đủ đầy”.

“Tết Nguyên đán năm 2023, tôi chọn trồng cà chua để bán trong dịp Tết nhưng cà chua giá xuống thấp, lợi nhuận không có. Tết Nguyên đán năm 2024 này, tôi chọn trồng nhiều loại màu trên cùng diện tích đất rẫy 3 công. Trong đó bắp cải là cây màu trồng chủ lực để dành bán Tết, với diện tích hơn 2 công, còn lại là trồng ớt chỉ thiên và cà chua. Hiện tại, bắp cải đã vào bắp to, khoảng 27, 28 Tết là thu hoạch, ước sản lượng bắp cải thu về hơn 6 tấn, nếu giá bắp cải từ 7.000 - 8.000 đồng/kg mới có lợi nhuận tốt. Do đó, tôi đang trông chờ giá màu ngày Tết tăng hơn thời điểm hiện tại”, ông Kim Riêng, xã Tham Đôn chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Khóm 4, Phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) bên trong nhà lưới trồng màu thủy canh để cung cấp đến cho khách hàng. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Lâm Minh Phức, xã Tham Đôn chia sẻ: “Nếu hộ dân xung quanh chọn trồng bắp cải, hẹ bông bán cho thị trường Tết thì tôi chọn trồng cải diếp, bởi cây cải có thời gian trồng và thu hoạch ngắn, tầm 45 ngày xuống giống là đã cho thu hoạch. Với 2.000m2 đất trồng cải diếp, thu hoạch ước tính khoảng 2,5 tấn, giá bán 7.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận hơn 15 triệu đồng”.

Là hộ dân chuyên trồng rau thủy canh, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Khóm 4, Phường 5, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) cũng đã tranh thủ vào dịp Tết trồng thêm một số loại màu đặc trưng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo lời chị Cẩm Nhung, chị có 1 nhà lưới, 1 nhà màng dành trồng rau thủy canh, diện tích 2.000m2. Rau màu trồng trong nhà lưới, nhà màng rất đa dạng như: cải xanh, cải ngọt, cải bó xôi, bắp cải, cải thìa, cải xà lách, rau thơm các loại, hẹ, rau cần, đậu ve, đậu bắp, cà tím... Trong dịp tết Nguyên đán, ngoài trồng các loại màu trên, chị Cẩm Nhung còn trồng thêm cải làm dưa và bắp cải. Dự kiến bắp cải sẽ thu hoạch bắt đầu từ 25 Tết để cung ứng cho khách và kéo dài đến hết ngày 29 Tết sẽ dứt điểm đợt bắp cải. Riêng các loại rau màu khác vẫn cung ứng đều đều mỗi ngày theo nhu cầu của khách, với sản lượng từ 60 - 100kg/ngày. Dịp Tết nếu nhu cầu khách mua rau màu tăng lên 200 - 300kg/ngày thì chị Nhung vẫn có đủ số lượng để bán cho khách.

“Diện tích màu trên địa bàn tỉnh hơn 39.000ha, trong đó, diện tích trồng màu phục vụ thị trường Tết hơn 2.500ha, tăng 10 - 15% so cùng kỳ, với đủ loại rau màu, trong đó nhiều nhất là bắp cải, bông cải, cải làm dưa… Diện tích này đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong những ngày Tết. Trong thời điểm gần Tết, thời tiết sáng sớm se lạnh và trưa nắng nóng, để đảm bảo cây màu sinh trưởng tốt, nông dân cần thường xuyên thăm rẫy màu và tăng cường chăm sóc cây màu bằng cách cung cấp đầy đủ nước cho cây màu phát triển, phòng ngừa cách loại sâu bệnh, dịch hại tấn công trên cây màu. Chú ý việc bón phân cho màu phải bón cân đối, tránh bón thừa phân đạm. Khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trên các loại cây trồng và trên nông sản, nhằm giảm chi phí đầu tư và an toàn sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng...”, đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng thông tin.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/kinh-te/chuan-bi-rau-mau-san-sang-phuc-vu-thi-truong-tet-nguyen-dan-70127.html