Chưa thực hiện đục thông 127 vòm đường sắt dẫn lên cầu Long Biên, đây là lý do

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết chưa tiến hành đục thông 127 vòm đường sắt dẫn lên cầu Long Biên trong giai đoạn này nhằm đảm bảo an toàn cho đoàn tàu.

Trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 12/9, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ủng hộ phương án đục thông 127 vòm cầu đường sắt có tuổi thọ hơn 100 năm ở phố Gầm Cầu và Phùng Hưng do thành phố đề xuất làm phố đi bộ, cải tạo thành không gian văn hóa.

Dự kiến, việc cải tạo 127 vòm cầu này sẽ tạo ra diện tích là 3.600 m2. Tổng mức đầu tư chưa đến 100 tỷ đồng, do đơn vị tư nhân đầu tư.

127 vòm cầu đường sắt ở chân đế của bờ trụ bê tông đỡ ray đường sắt cho tàu di chuyển từ ga Hà Nội - ga Đầu Cầu (ga Long Biên) được xây dựng từ thời Pháp. Trước đây các vòm cầu này rỗng, nhưng sau đó do tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự tại khu vực, nên thành phố Hà Nội đã cho xây bịt kín.

Những vòm cầu đường sắt dần lên cầu Long Biên được xây dựng từ thời Pháp. Ảnh: Dân trí

Những vòm cầu đường sắt dần lên cầu Long Biên được xây dựng từ thời Pháp. Ảnh: Dân trí

Trước đề xuất về việc sử dụng các vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng chưa nên tiến hành phá thông các vòm cầu.

Theo Dân trí, Ông Đới Sỹ Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên thuộc khu gian Hà Nội - Gia Lâm tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng được xây dựng và đưa vào khai thác vào năm 1902 cùng với cầu Long Biên, tổng số có 127 vòm dẫn cùng 4 cầu dẫn chạy dọc song song các phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu đến cầu Long Biên.

Trải qua quá trình khai thác hơn 100 năm, các vòm dẫn đá xây bị phong hóa, xuất hiện các vết nứt trên đỉnh và thân vòm có nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu. Vì vậy trong thời gian từ năm 1969 đến năm 1983, ngành đường sắt đã tiến hành chồng nề bên trong đỡ dưới vòm dẫn và gia cố xây bịt 125/127 vòm đá (trừ hai vòm đã được gia cố bằng bê tông đang để thông tại khu vực ngõ Hàng Hương và phố Nguyễn Thiệp) nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu cho đến nay.

Về việc khai thác sử dụng các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất với việc vẽ tranh bích họa để trang trí 26 vòm cầu (giai đoạn 1) theo đề xuất của UBND TP Hà Nội đảm bảo không ảnh hưởng đến kết cấu công trình để góp phần chỉnh trang đô thị.

Hiện chưa thực hiện việc phá dỡ các vòm cầu đường sắt này. Ảnh: Vietnamnet

Tổng Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị của thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn công trình đường sắt. Tuy nhiên, căn cứ trạng thái kỹ thuật công trình nêu trên, đề nghị chưa tiến hành phá thông các vòm cầu” - ông Hưng nhấn mạnh.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội khẳng định: "Đây là một ý tưởng táo bạo, mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống đô thị, đặc biệt là tại khu vực đường Phùng Hưng và phố Gầm Cầu… Tuy vậy để triển khai ý tưởng này cần có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực, đặc biệt là có ý kiến của Bộ GTVT, cơ quan có trách nhiệm tực tiếp quản lý tuyến đường sắt từ ga Hà Nội đi lên phía bắc qua cầu dẫn lên cầu Long Biên. Đây là dự án khó mà các cấp, các ngành từ TW đến địa phương cùng chung tay vì tương lai Hà Nội phát triển bền vững" (Theo Tuổi Trẻ).

Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc phá dỡ chỉ có thể thực hiện sau khi tiến hành kiểm định đánh giá khả năng chịu tải và có giải pháp gia cố phù hợp.

Lăng Thị (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chua-thuc-hien-duc-thong-127-vom-duong-sat-dan-len-cau-long-bien-day-la-ly-do-d129578.html