Chữa thiếu máu não bằng gối cổ

Đau đầu, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, ngủ không sâu giấc, ngủ mê, mất ngủ), suy giảm trí nhớ, mệt mỏi kéo dài,...

là các triệu chứng rất thường gặp của hội chứng thiểu năng tuần hoàn não (hay thiếu máu não).

Tại sao thiếu máu não?

Khối lượng não người khoảng 1.000g (1kg) với khoảng 14 tỷ tế bào thần kinh. Dù vậy, mỗi giây phút não luôn tiêu tốn mất khoảng 1/3 lượng ôxy, có nghĩa là 1/3 lượng máu nuôi cơ thể. Có tới 4 động mạch (ĐM) bơm máu lên não: 2 ĐM cảnh (sờ thấy đập 2 bên cổ), 2 ĐM đốt sống (còn gọi là ĐM sống nền) lại chui lên não qua hệ thống các lỗ ở mỏm ngang 2 bên các đốt sống cổ.

Việc tim bơm máu lên não đủ hay thiếu phụ thuộc vào 2 yếu tố: áp lực bơm máu và mức độ thông thoáng của các dòng chảy (các ĐM - vi mạch não).

Áp lực bơm máu từ tim rất ít thay đổi, chỉ giảm xuống khi huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc khi bị tụt huyết áp (tuy nhiên đây là tình trạng cấp cứu). Mức thông thoáng của các ĐM não bị giảm khi có vữa xơ ĐM (từ nhẹ đến nặng) và/hoặc ĐM não bị kẹt hoặc xoắn vặn. Điều đáng nói là vữa xơ ĐM não thường xảy ra ở 2 ĐM cảnh, ít khi gặp ở 2 ĐM sống nền.

Hai ĐM cảnh (dọc 2 bên cổ lên não) nằm trong tổ chức mềm (các cơ vùng cổ...) nên không bị kẹt (bị đè vào), trong khi đó 2 ĐM sống nền chui qua các lỗ xương (ở mỏm ngang các đốt sống cổ) sẽ bị kẹt khi có 1 hay nhiều hơn đốt sống cổ bị chệch (trượt) ra khỏi vị trí sinh lý. Như vậy trượt, vẹo các đốt sống cổ là nguyên nhân quan trọng đè ép vào 2 trong 4 ĐM não làm giảm lượng máu cung cấp lên não.

Nếu ví cột sống (CS) như một cây tre, thì ngọn tre là 7 đốt sống cổ nhỏ hơn, “mong manh” hơn CS lưng và CS ngực, lại đội thêm sức nặng của “cái đầu”, rất ít khi đứng im, luôn chuyển động tứ phía kể cả trong lúc ngủ. Đặc biệt là cúi cổ khi học tập, làm việc, đọc sách báo, lên mạng, trò chơi điện tử,... trong khi CS cổ có xu hướng cong ra phía trước thì cúi cổ là ngược lại với đường cong sinh lý này. Có bệnh nhân nói rằng: “Nếu tính từ lúc đi học đến lúc về hưu tôi có nửa thế kỷ cúi cổ”. Vì vậy các tổn thương cơ học của CS cổ như xoay trục (xoắn, vặn), vẹo và trượt đốt sống ra sau, thoát vị đĩa đệm (nhân đệm) là điều khó tránh khỏi. Nó giải thích vì sao số người có các triệu chứng của thiếu máu não ngày một nhiều và ngày một trẻ hóa.

Gối cổ dùng trong điều trị và dự phòng thiếu máu não.

Vai trò của áp lực dịch não tủy

Trong hộp sọ cứng và trong ống sống chạy dọc phía sau trong xương CS, não và tủy sống được bảo vệ trong một dịch đệm là dịch não tủy. Có khoảng 150ml dịch não tủy (DNT) luôn lưu thông từ trong não xuống ống sống. DNT phải luôn “trong” và “sạch”, vì vậy hệ thống màng vi mạch não phải sản xuất ra khoảng 450ml DNT để có 3 lần thay thế DNT mới mỗi ngày, như việc thay thế nước sạch cho bể bơi vậy. DNT “cũ” cũng được hệ thống vi mạch não hấp thụ trở lại.

Muốn thông được từ não xuống CS lưng, DNT phải chảy qua đoạn ống sống CS cổ, nói cách khác CS cổ trở thành “cống thông” DNT. Vậy nên khi CS cổ bị xoắn vẹo thì “cống thông” này cũng bị xoắn vẹo theo, trượt ĐS và thoát vị đĩa đệm ra sau cũng chèn ép làm kẹt (từ ít đến nhiều) dòng chảy xuống của DNT. Hậu quả làm DNT bị ứ lại ở trên não, tiêu đi không kịp, theo thời gian làm tăng dần áp lực DNT - não bị “ngập nước” dần, có thể dẫn tới chứng teo não, não úng thủy.

Trong hộp sọ cứng, tình trạng tăng áp lực DNT sẽ đè ép vào hệ thống vi mạch trải rộng và bao phủ khắp trên bề mặt đại não và các não thất, làm kẹt (từ nhẹ đến nặng) các vi dòng chảy này làm lưu lượng tưới máu não giảm.

Nếu việc bơm máu lên não qua 2 ĐM đốt sống bị kẹt bởi các tổn thương cơ học CS cổ gây nên thiếu máu não tiên phát thì việc lưới vi mạch não bị đè ép do tăng áp lực DNT sẽ gây ra thiếu máu não thứ phát. Cả 2 loại cản trở dòng chảy này phối hợp làm cho tình trạng thiếu máu não nặng thêm lên.

Điều trị thế nào?

Phục hồi và giữ vững cấu trúc sinh lý CS cổ nhằm giải phóng dòng chảy bơm máu qua 2 ĐM đốt sống lên não, mở thông dòng chảy của DNT từ não xuống ống sống là 1 trong những phương pháp điều trị hội chứng thiểu năng tuần hoàn não (hay thiếu máu não) không dùng thuốc.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu phương pháp điều chỉnh xương CS cổ bằng gối cổ để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết:

Phương pháp điều chỉnh xương CS cổ bằng gối cổ là phương pháp điều trị bằng gối có 2 đầu: đầu cao để điều trị, đầu thấp để dự phòng bệnh. Đầu cao với lõi cứng là khuôn sinh lý CS cổ. Khi có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân được nâng đỡ - đặt nằm ngửa cổ trên đầu cao của gối, dưới áp lực của trọng lượng cơ thể, đốt sống trượt, vẹo được nén xuống đẩy vào vị trí sinh lý. Khi điều trị có kết quả, sẽ giải phóng chèn ép 2 ĐM sống nền và lưu thông DNT, làm phục hồi và tăng lưu lượng tuần hoàn máu lên não.

Đầu thấp của gối nâng đỡ và giữ CS cổ ở trạng thái sinh lý khi nằm, do vậy bệnh nhân sử dụng hằng ngày có tác dụng phòng bệnh tái phát, cũng như dự phòng bệnh CS cổ cho tất cả mọi người khi sử dụng phương pháp này. Giữ vững cấu trúc sinh lý CS cổ là dự phòng bệnh tái phát: nằm gối cổ hằng ngày và giữ tư thế đúng với CS cổ, chú ý không cúi cổ khi học tập, làm việc, đọc sách, làm vi tính... và thực hiện các bài tập CS cổ theo hướng dẫn làm CS cổ mềm mại, dẻo dai và vững chắc.

TS.BS. Tạ Tiến Phước

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/chua-thieu-mau-nao-bang-goi-co-n135965.html