Chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương vì lo ngại gian lận thi cử.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao ngành giáo dục đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong đại dịch Covid-19 để hoàn thành năm học với nhiều kết quả đáng biểu dương.

Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ, ngành giáo dục đã có những bước tiến bộ rõ nét trong đổi mới từ hệ thống giáo dục đến khung trình độ, đến chương trình, SGK, đội ngũ giáo viên, công tác quản lý nhà nước, quản trị đại học, hợp tác quốc tế.

Phó thủ tướng nêu nhiều vấn đề ngành giáo dục cần tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới. Ảnh: Ảnh: VGP/Đình Nam.

"Thi chặt như thế còn ăn gian, xin điểm"

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục đã hoàn thành lộ trình 6 năm thực hiện đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách chủ động. Ngành giáo dục lựa chọn thi cử là khâu đột phá. Nhưng theo Phó thủ tướng, thi cử là một phần trong tổng thể công tác kiểm định, đánh giá học sinh, sinh viên cũng có nhiều đổi mới.

Đơn cử, đối với giáo dục tiểu học, trước đây cách đánh giá bằng điểm đã tạo sự ganh đua, chạy theo điểm số giữa các em học sinh nhưng sau này ngành giáo dục đổi mới đánh giá để các cháu tự nỗ lực so với chính mình, đúng xu thế của thế giới một cách rất nhân văn.

Theo Phó thủ tướng, 2020 là năm cuối cùng của lộ trình 6 năm đổi mới kỳ thi một cách chủ động. Mỗi một năm chúng ta đổi mới từng bước. Kỳ thi được đánh giá chưa năm nào tốt như năm nay, bởi đây là năm cuối cùng, hoàn thành lộ trình.

Ông Đam cho biết các năm trước, kỳ thi có nhiều vấn đề, nhiều người yêu cầu bỏ thi nhưng chúng ta vẫn kiên trì thực hiện. Sau khi hoàn thành lộ trình 6 năm, việc thi cử tiếp tục đổi mới, bởi với giáo dục, đổi mới là một hành trình liên tục.

“Nhiều người cứ nói sao không giao kỳ thi về cho các địa phương, sao cứ vật vã, khổ sở về đổi mới thi cử. Tôi nói thẳng, chưa thể giao về cho các địa phương, bởi thi chặt như thế còn ăn gian, còn xin điểm, còn đủ thứ", Phó thủ tướng nói.

Không lạc quan tếu, không bi quan

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, giáo dục có bất cập và phải nhìn nhận rất bình tĩnh và biện chứng đối với những vấn đề như trường lớp, biên chế, chế độ lương cho giáo viên, một số vụ việc tiêu cực, sự cố thi cử… gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Đam nêu 2 ví dụ cho thấy đổi mới giáo dục là quá trình không thể đổi mới ngay trong ngày một ngày hai, đó là việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sáu năm thực hiện đổi mới, rất nhiều ý kiến đòi bỏ kỳ thi này.

Đổi mới SGK cũng phải thực hiện “cuốn chiếu” 5 năm mới xong và lúc chưa hoàn thành, giống như đổi mới thi, bao giờ cũng có ý kiến tranh luận.

Năm nay, cả nước lần đầu thực hiện chương trình mới và SGK lớp 1 mới, đã có những vấn đề bất cập về SGK. Phó thủ tướng cho rằng chúng ta cần bình tĩnh vì 2 điểm quan trọng nhất của đổi mới chương trình, SGK gồm: Chương trình là pháp lệnh còn SGK chỉ là tham khảo; quy tụ nhiều người biên soạn SGK hơn để có SGK tốt hơn.

Bộ GD&ĐT phải nghiêm khắc nhìn vào những điểm chưa tốt về SGK lớp 1 để chấn chỉnh, nhưng chủ trương đúng thì phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ.

Từ vụ việc của trường ĐH Tôn Đức Thắng có ý kiến yêu cầu xem xét lại tự chủ đại học, Phó thủ tướng cho rằng quan trọng trong đổi mới giáo dục là phải kiên định, nhìn nhận rất bình tĩnh.

Tự chủ giáo dục đại học là một trong những kết quả rất nổi bật của đổi mới giáo dục vừa qua, dù rằng con đường này còn tiếp tục nhưng bước đầu đã rất tốt.

Theo Phó thủ tướng, câu chuyện ĐH Tôn Đức Thắng cần phải được nhìn nhận một cách bình tĩnh. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT lập đoàn công tác do một đồng chí thứ trưởng trực tiếp vào làm việc với trường. Vấn đề nào đúng bảo đúng, sai bảo sai nhưng xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật, theo luật; còn là đảng viên phải theo các quy định, điều lệ của Đảng.

“Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học. Giáo dục đại học không chỉ là nơi truyền bá kiến thức, mà còn tạo ra tri thức. Muốn vậy, họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ về chuyên môn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Vũ Đức Đam khẳng định xã hội kỳ vọng rất cao vào ngành giáo dục. Ngành đã có được những bước tiến bộ toàn diện và nhiều mặt rõ ràng, vững chắc. Chúng ta không lạc quan tếu nhưng cũng không quá bi quan, phải tránh hai hình thái cực đoan để có lòng tin phấn đấu.

“Có cái thì chúng ta lạc quan tếu, ví dụ đánh giá Pisa, có một số cái mình chỉ đứng thứ mười mấy thôi, thì tưởng mình đã nhất thế giới. Nhưng cũng không vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới, mà chúng ta mất lòng tin, bi quan vào sự nghiệp đổi mới giáo dục”, ông Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cùng lãnh đạo ngành giáo dục ủng hộ cho thầy trò miền Trung tại hội nghị. Ảnh: MOET.

Đề cao quá mức trường chuyên, lớp chọn

Ông Vũ Đức Đam cho rằng những người làm giáo dục phải cầu thị, lắng nghe, trao đổi về các vấn đề giáo dục mà người dân quan tâm, góp ý trên tinh thần tôn trọng bằng tấm lòng chứ không phải đối phó.

“Chừng nào người dân còn quan tâm đến giáo dục, ngành giáo dục còn may mắn. Những thứ mình làm được người dân hoàn toàn hiểu biết, còn người dân phê phán những thứ mình chưa làm được, có lúc rất gay gắt, đấy là còn thương mình, còn quan tâm đến mình”, Phó thủ tướng nói.

Trong giáo dục phổ thông, Phó thủ tướng đề nghị ngành giáo dục, các địa phương đẩy mạnh thực hiện ba nguyên lý cơ bản.

Thứ nhất, đối với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, phải có đủ trường, lớp, giáo viên để học sinh học đủ ngày 2 buổi thuận lợi. Chúng ta dồn trường, tinh giản biên chế nhưng không được quên nguyên lý này.

Thứ hai, giáo dục phổ thông thì bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Phó thủ tướng cho rằng hiện nay ở mỗi đầu cấp học, chúng ta còn tuyển chọn đầu vào quá gay gắt.

"Đã là giáo dục phổ thông thì phải bình đẳng về cơ hội. Chúng ta đang đề cao quá mức trường chuyên lớp chọn, học tách riêng giữa học sinh dân tộc nội trú là đi ngược với xu thế của thế giới", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục, từ mầm non, phổ thông cho đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà là thiết chế của cộng đồng, và phải được quản trị theo mô hình cộng đồng gồm: Chính quyền, ban giám hiệu, tập thể giáo viên, người lao động trong nhà trường, phụ huynh và vai trò của học sinh.

Minh Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chua-the-giao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-cho-dia-phuong-post1148198.html