Chùa Long Đọi Sơn, ngôi cổ tự nghìn năm tuổi ở Hà Nam

Trải qua thời gian, chùa Long Đọi Sơn ở Hà Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và là kho sử liệu quý giá với tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, bảo vật quốc gia.

Chùa Đọi Sơn là một điểm đến tâm linh huyền bí tại vùng đất Hà Nam. Ngôi chùa hơn 1000 năm tuổi này nằm trên núi Đọi thiêng liêng, (thuộc thôn Đọi Nhất, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), mang hình dáng như một con rồng lớn hướng về phía kinh thành Thăng Long. Do đó, chùa Đọi Sơn còn được gọi là Diên Linh tự hay chùa Long Đọi Sơn.

Chùa Long Đọi Sơn, ngôi cổ tự nghìn năm tuổi ở Hà Nam

Chùa Long Đọi Sơn nằm tựa lưng vào núi Điệp và được bao quanh bởi ba dòng sông dài tít tắp. Dưới chân núi còn có chín giếng nước tự nhiên thường được người đời gọi là chín mắt rồng.

Chùa Long Đọi Sơn là một công trình tâm linh lịch sử được xây dựng dưới sự chủ trì của vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan từ năm 1054. Vào năm 1121, vua Lý Nhân Tông tiếp tục tôn tạo và xây dựng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh.

Theo lược sử của nước ta ghi nhận, phải đến khi vua Lý Nhân Tông sau một lần xuôi theo dòng Châu Giang để ghé thăm núi Đọi, đã bị thu hút bởi cảnh sắc hữu tình của nơi đây và đặt tên cho chùa là Long Đọi Sơn và bảo tháp là Sùng Thiện Diên Linh.

Lịch sử của chùa trải qua nhiều biến cố, đầu thế kỷ XV khi giặc Minh xâm lược nước ta, chùa Long Đọi Sơn đã phải đối mặt với những đợt tàn phá nặng nề. Đến cuối thế kỷ XVI, vào khoảng năm 1591, nhân dân địa phương đã sửa sang, trùng tu lại chùa nhằm khôi phục những giá trị văn hóa và tâm linh của nơi này.

Chùa Long Đọi Sơn nằm tựa lưng vào núi Điệp và được bao quanh bởi ba dòng sông dài tít tắp.

Vào năm Tự Đức thứ 13, chùa Long Đọi Sơn được trùng tu thêm lần nữa với quy mô lớn hơn gồm sửa sang tiền đường, thượng điện, nhà tổ và gác chuông. Năm 1864, chùa tiếp tục được tu sửa phần hành lang cũng như đúc thêm các tượng Di Lặc cùng khánh đồng và khánh đá mới.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Long Đọi Sơn một lần nữa phải đối diện với sự tàn phá nặng nề. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực thực hiện công cuộc trùng tu lại chùa. Lần sửa chữa lớn vào năm 1958 đã hoàn tất những công trình chính tại đây, góp phần tô điểm cho di tích lịch sử và văn hóa.

Để lên được chùa Long Đọi Sơn, du khách sẽ phải leo gần 400 bậc đá bằng đá xẻ, đá phiến meo theo triền núi và được bóng cây che mát.

Chị Nguyễn Tuyết Trinh, du khách đến từ Thái Bình chia sẻ: “Dù phải leo gần 400 bậc đá mới lên đến chùa Long Đọi Sơn, nhưng tôi cảm thấy hành trình đó là xứng đáng. Bởi lên đến nơi, khung cảnh chùa rất đẹp, cổ kính và vô cùng trang nghiêm. Hơn nữa, xung quanh bậc đá leo lên chùa cũng có nhiều cây cối, bóng mát, dù là trời nắng thì cũng không cảm thấy quá nóng bức hay mệt mỏi. Trong chùa Long Đọi Sơn, tôi còn rất ấn tượng với tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, một báu vật độc đáo của chùa Đọi đã tồn tại gần ngàn năm”.

Để lên được chùa Long Đọi Sơn, bạn sẽ phải leo gần 400 bậc đá bằng đá xẻ, đá phiến meo theo triền núi và được bóng cây che mát.

Lễ hội chùa Long Đọi Sơn và lễ hội Tịch điền Đọi Sơn diễn ra tại đây, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút đông đảo du khách đến tham dự.

Kiến trúc chùa Long Đọi Sơn khá khang trang với khuôn viên rộng lớn lên đến 10.000m2, với các công trình như chính điện, tòa Tam Quan (5 gian), bàn cờ người, điện Mẫu, nhà bia, tòa Tam Bảo và hậu điện chùa. Tất cả đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống thời nhà Lý nhằm tạo nên một không gian linh thiêng và cổ kính.

Ngay khi nhìn thấy cổng tam quan là những bức tường nhuốm màu rêu phong càng làm cho nơi đây thêm phần cổ kính. Tiếp đó là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh, một báu vật độc đáo của chùa Đọi đã tồn tại gần 900 năm. Tấm bia ca ngợi công lao, tài trí của vua Lý Nhân Tông và ghi chép về việc xây dựng chùa Long Đọi cùng bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, tạo nên một bức tranh lịch sử và văn hóa sống động.

Phần chính diện của chùa Đọi Sơn hướng về phía Nam. Tiếp đến là bàn cờ hình người rộng khoảng 50m2 được sử dụng như nơi đấu cờ mỗi khi tới mùa lễ hội. Hướng lên sân chùa, du khách sẽ bước qua 24 bậc đá và đi qua những dãy nhà động tội với 10 cửa ngục, nhắc nhở bất kỳ ai khi đến đây cũng nên vươn tới các giá trị chân thiện mỹ.

Kiến trúc chính của chùa Đọi Sơn còn có tòa Tam Bảo với 7 gian bái đường và 3 gian Thượng điện có thờ Phật, Đức Phật Di Lặc ở chính giữa.

Chùa Long Đọi Sơn là một công trình tâm linh lịch sử được xây dựng dưới sự chủ trì của vua Lý Thánh Tông và Vương Phi Ỷ Lan từ năm 1054.

Hậu điện chùa nối thông với hành lang là nơi thờ Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Tống Tử, Đức Át Nan, Đức Địa Tạng và những nhân vật triều Lý có công với đất nước. Cụm kiến trúc này đồng thời còn ghi nhớ những vị quan trọng trong lịch sử như Thái úy Lý Thường Kiệt, vua Lý Nhân Tông, Vương Phi Ỷ Lan.

Tại khu vực phụ bên trái chùa, có 5 gian nhà Tổ đồng thời là khu giảng đường, nhà khách, nhà bếp, tăng phòng, hình thành một cụm kiến trúc hài hòa theo hình chữ U. Phía Tây là khu vườn tháp, giữ được những di tích tháp từ thời Nguyễn. Bên phải chùa là điện Mẫu, tăng thêm sự linh thiêng cho không gian xung quanh.

Chùa Long Đọi Sơn mở cửa chào đón du khách và quý phật tử mỗi ngày vào tất cả các mùa trong năm. Thời điểm lý tưởng nhất để đi viếng chùa Đọi là các tháng đầu năm tức từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch. Đặc biệt, vào tháng Ba âm lịch chùa Đọi Sơn thường diễn ra những lễ hội, nên nếu đi vào thời điểm này, du khách sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động truyền thống, chiêm bái và trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Chùa Long Đọi Sơn mở cửa chào đón du khách và quý phật tử mỗi ngày vào tất cả các mùa trong năm.

Ngoài ra, chùa Long Đọi Sơn còn là nơi lưu giữ nhiều di tích và hiện vật đặc sắc có niên đại lên tới cả ngàn năm tuổi như bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, tượng Kim Cương, tượng đầu người mình chim, mảnh gốm trang trí hình vũ nữ đang múa và hình rồng,...

Ông Trịnh Ngọc Long, người dân xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bộc bạch: “Chùa Long Đọi Sơn không chỉ là một điểm hành hương tôn giáo linh thiêng mà còn là bảo tàng lịch sử sống động, nơi lưu giữ những cảm xúc thiêng liêng và giá trị văn hóa sâu sắc”.

T.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-long-doi-son-ngoi-co-tu-nghin-nam-tuoi-o-ha-nam-post285987.html