Chưa hết quan ngại về thủ tục hành chính và pháp lý

KTĐT - Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong một số lĩnh vực như thuế, nhân lực, cơ sở hạ tầng cảng biển và cảng hàng không… song môi trường kinh doanh của Việt Nam theo phản ánh của các doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vẫn còn không ít vấn đề đáng quan ngại.

Tại buổi họp báo công bố ấn phẩm Sách Trắng 2014 về các vấn đề Thương mại/Đầu tư & Kiến nghị diễn ra chiều 11/11 tại Hà Nội, ông Prenben Hjortlund - Chủ tịch EuroCham đánh giá, khuôn khổ pháp lý trong hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam đã đầy đủ, song thách thức chính lại nằm ở khâu thực thi các quy định này. Đại diện EuroCham đưa ra dẫn chứng cụ thể trong việc thực thi Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010. Nghị định quy định doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ có thể hưởng các điều kiện đầu tư như đối với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của EuroCham cho rằng không có một sự nhất quán trong việc diễn giải và áp dụng luật ở các cơ quan cấp giấy phép đầu tư tại địa phương.

Việc đơn giản các thủ tục hải quan sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Ảnh: Quang Minh

Tương tự, các doanh nghiệp EuroCham nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả và có sự phối hợp thông qua việc khởi tố kiên quyết các hành vi vi phạm. Thông điệp này được lặp lại nhất quán xuyên suốt Sách Trắng, vì việc thiếu một cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh đã và đang có tác động đến phần lớn các ngành như dược phẩm và kinh doanh nông nghiệp…

Nhiều doanh nghiệp thành viên của EuroCham cho rằng, cần đơn giản hóa các thủ tục hải quan bao gồm cả việc triển khai giải pháp hải quan điện tử sẽ không chỉ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp mà còn giải tỏa áp lực cho các cơ quan Chính phủ. "Đẩy nhanh việc thực hiện những thủ tục này cũng sẽ làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến cạnh tranh hơn cho hoạt động thương mại và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài" - ông Michael Behrens - Thành viên nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô chia sẻ.

Sách Trắng 2014 cũng đề cập tới những quan ngại và kiến nghị của doanh nghiệp châu Âu về chất lượng giáo dục và đào tạo, vấn đề thực thi các cam kết thương mại của Việt Nam, vấn đề định giá công bằng. EuroCham mong muốn có cơ hội được trao đổi với Chính phủ nhằm giải quyết tốt nhất những vướng mắc mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, qua đó giúp các doanh nghiệp thành viên vững tin hơn khi đầu tư mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

"Việt Nam đang tham gia vào một số các cuộc đàm phán, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam và hướng đến hội nhập kinh tế ASEAN vào năm 2015. Trong bối cảnh này, chúng tôi nhận thấy những kiến nghị được đề cập trong Sách Trắng sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ đạt được kỳ vọng trở thành một quốc gia mạnh của khu vực".

Ông Csaba Bundik - Giám đốc điều hành của EuroCham

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/kinh-te/tin-tuc/2013/11/81020ec7/chua-het-quan-ngai-ve-thu-tuc-hanh-chinh-va-phap-ly/