Chùa Cao Linh, điểm du xuân không thể bỏ lỡ dịp đầu năm ở Hải Phòng

Với kiến trúc cổ kính, tráng lệ, chùa Cao Linh, Hải Phòng - ngôi cổ tự 300 năm tuổi này thu hút khách du lịch bởi sự linh thiêng, thanh tịnh mà nơi đây mang lại.

Chùa Cao Linh hay còn được gọi là chùa Bạch Đằng Giang, một ngôi chùa cực kỳ nổi bật với lối kiến trúc ấn tượng tại Hải Phòng. Nơi đây nằm cách trung tâm thành phố khoảng 12 km về phía Tây.

Chùa Cao Linh có tuổi đời hơn 300 năm được xây dựng bởi dòng họ Lê Văn tại làng Hà Liên, nay là thôn Bắc Hà, xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Ngôi chùa này không chỉ đẹp bởi lối kiến trúc độc đáo mà còn là nơi cất giữ nhiều kỷ vật có giá trị lâu đời.

Chùa Cao Linh hay còn được gọi là chùa Bạch Đằng Giang, một ngôi chùa cực kỳ nổi bật với lối kiến trúc ấn tượng tại Hải Phòng.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chùa Cao Linh đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và ẩn náu cho nhiều chiến sĩ yêu nước. Tuy bị thực dân Pháp tấn công và tàn phá, ngôi chùa này đã được trùng tu mạnh mẽ vào năm 2011. Các công trình mới như Cổng Ngũ Quan, Đại Hùng Điện Bảo, Vườn Tháp, La Hán Đường, Vãng Sinh Đường cũng được tân trang nhằm tôn vinh lịch sử của ngôi chùa.

Chùa Cao Linh là một địa điểm tâm linh và lịch sử độc đáo tại Hải Phòng, nơi du khách có thể đến khám phá văn hóa truyền thống và kết nối với quá khứ hào hùng của dân tộc.

Những ngày đầu năm mới, hàng ngàn phật tử đều đến đây du xuân, vãn cảnh chùa, cầu mong một năm bình an, may mắn và mưa thuận gió hòa. Nhưng để tham quan chùa Cao Linh một cách trọn vẹn nhất, du khách nên đến đây vào mùa hè, khi mà lúc nắng trên đầu trở nên rực rỡ, khoảng tháng 4 đến tháng 10 trong năm, là thời điểm lý tưởng để bạn khám phá chùa Cao Linh.

Chùa Cao Linh không chỉ là một ngôi chùa cổ mà còn nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo. Với khuôn viên rộng lớn lên đến 49.000 m2, ngôi cổ tự 300 tuổi này sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm đầy ấn tượng, khiến bạn cảm giác như đang lạc vào một "thành phố tâm linh" ngay tại Hải Phòng.

Chùa Cao Linh có tuổi đời hơn 300 năm được xây dựng bởi dòng họ Lê Văn tại làng Hà Liên, nay là thôn Bắc Hà, xã Bắc Sơn, huyện An Dương.

Đến chùa Cao Linh, du khách sẽ không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp và sự tráng lệ của Cổng Ngũ Quan - một chiếc cổng cao hơn 14m và được dát vàng lấp lánh. Du khách sẽ cảm thấy như đang bước chân vào một cung điện xa hoa.

Dưới chân cổng, bạn sẽ thấy 6 linh vật bằng đá được đặt để trấn giữ và bảo vệ chùa. Mái vòm cổng được trang trí bằng các họa tiết rồng, phượng chầu long châu và hình ảnh Đức Phật A Di Đà trong tư thế thiền.

Phần mái được thiết kế theo kiểu truyền thống với hai đầu cong vút về hai bên. Đỉnh mái cổng được trang trí bằng một bánh xe pháp luân với đóa sen tinh khiết, thể hiện sự luân hồi và thanh tịnh.

Ngôi chùa này cũng có 5 cánh cổng, biểu tượng cho 5 đức tính căn bản giúp người đệ Phật hướng thiện, đó là tín, cần mẫn, chánh niệm, thiền định và trí tuệ. Bên trong khuôn viên, bạn sẽ chiêm ngưỡng tổng cộng 14 pho tượng Phật A Di Đà, tượng trưng cho 7 yếu tố giác ngộ của Phật Thất Bồ Tát.

Tại chùa Cao Linh, du khách sẽ không thể bỏ lỡ Đại Hùng Bảo Điện, một công trình quan trọng và linh thiêng của ngôi chùa này.

Ngôi chùa này không chỉ đẹp bởi lối kiến trúc độc đáo mà còn là nơi cất giữ nhiều kỷ vật có giá trị lâu đời.

Đại Hùng Bảo Điện được thiết kế theo hình chữ Đinh truyền thống trong Phật giáo với 3 gian tiền đường và 1 hậu cung. Mái tòa bảo điện có 3 cấp, hình dạng cong vút lên trời, với những lớp rêu phong trên mái ngói đỏ tươi cho thấy vết tích của thời gian.

Bước vào trong, du khách sẽ thấy các tượng Phật quan trọng như Thích Ca Mâu Ni, Phổ Hiền Bồ Tát và Sư Lợi Bồ Tát, cùng với những câu đối truyền thống và không gian lúc nào cũng tràn ngập mùi khói hương tạo sự uy nghiêm, trầm mặc và yên tĩnh của chốn nhà phật.

Tại chùa Cao Linh, khu vực vườn Tháp là địa điểm check-in được giới trẻ cũng như du khách yêu thích nhất tại ngôi chùa này. Nơi đây gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan bởi sự tinh xảo trong kiến trúc và linh thiêng của từng bảo tháp.

Tại chùa Cao Linh, khu vực vườn Tháp là địa điểm check-in được giới trẻ cũng như du khách yêu thích nhất tại ngôi chùa này.

Các bảo tháp tại chùa Cao Linh được chế tác từ đá với độ cao khác nhau. Mỗi tháp có phần đế hình trụ và phần mái với hình dạng rồng vươn lên trời xanh. Mỗi mặt của tháp đều trang trí bằng bức tượng Phật vàng được khắc nổi tinh xảo. Phần chân tháp được thể hiện bằng cánh hoa sen nâu nở rộ, trong khi phần đỉnh tháp là đóa sen e ấp trong nắng, tạo nên một tạo hình tinh tế và hài hòa.

Vườn Tháp được bao quanh bởi những chậu cây nhiều màu sắc và một đài phun nước lớn với tượng Phật Thích Ca thuyết pháp. Những ngôi tháp này không chỉ trang trí cho khuôn viên chùa mà còn chứa di cốt của nhiều trụ trì trước đây, làm cho nó trở nên cực kỳ linh thiêng và quý báu.

Chị Thu Hà, du khách đến từ Cao Bằng chia sẻ: “Đầu năm, chúng tôi thường có thói quen đi chùa, phần là để cầu bình an cho gia đình, phần cũng là để du xuân, thưởng ngoạn dịp năm mới. Năm nay chúng tôi chọn chùa Cao Linh làm điểm đến và cảm thấy đây là lựa chọn vô cùng đúng đắn. Vì không khi linh thiêng, yên tĩnh mà nơi đây mang lại, cả vì cảnh sắc, kiến trúc ở đây rất đẹp và được kỳ công xây dựng. Đến khu vườn Tháp, tôi thấy có nhiều bạn du khách trẻ rất ưa thích check in tại đây".

Chiếc chuông đồng nặng 3,2 tấn

Ngoài Vườn Tháp, chùa Cao Linh còn có nhiều công trình ấn tượng khác được bố trí hài hòa và trang nghiêm. Những điểm nhấn bao gồm chiếc chuông đồng nặng 3,2 tấn, hàng tháp dọc theo tường bao, khu vườn nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp với 7 bức tượng biểu trưng cho 7 điều giác ngộ của Phật giáo và cây bồ đẹp có nguồn gốc từ Bồ Đề Đạo Tràng - nơi Phật Thích Ca đạt đạo ở Ấn Độ.

“Có thể nói rằng, chùa Cao Linh không chỉ là địa điểm du lịch tâm linh mà còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử bởi nơi đây có tuổi đời hàng mấy trăm năm rồi. Đã đến thành phố Hoa Phượng Đỏ thì chắc chắn chùa Cao Linh nên nằm trong danh sách các địa điểm nhất định bạn phải đến”, anh Ngọc Bảo, du khách từ Hà Nội chia sẻ.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-cao-linh-diem-du-xuan-khong-the-bo-lo-dip-dau-nam-o-hai-phong-post285423.html