Chùa Bút Tháp: Danh thắng lừng danh đất Kinh Bắc

Chùa Bút Tháp là điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng ở Bắc Ninh, hằng năm luôn thu hút nhiều tín đồ Phật tử cũng như du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Chùa Bút Tháp tọa lạc ở phía tây của thôn Bút Tháp, thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong số ít những ngôi chùa cổ có quy mô lớn ở đồng bằng Bắc Bộ còn tồn tại được đến ngày nay và được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Gác chuông chùa Bút Tháp

Khách du lịch đến tham quan danh thắng đất Bắc này sẽ đều thấy ấn tượng trước vẻ đẹp cổ kính và uy nghi ngôi chùa, đặc biệt là khi được tìm hiểu về lịch sử ra đời của nó. Chùa Bút Tháp có tên chữ là “Ninh Phúc Tự”, được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII vào thời hậu Lê. Ngôi chùa này được thiết kế bởi vợ vua Lê Thánh Tông là bà Trinh Thị Ngọc Trúc cùng với 2 nhà sư Việt gốc Hoa. Đến thời Lê Trung Hưng, chùa Bút Tháp được trùng tu lại với quy mô lớn hơn theo kiểu “chùa trăm gian” với tòa ngang dãy dọc, được chạm khắc lộng lẫy và vô cùng tinh xảo.

Tiền đường chùa Bút Tháp

Danh thắng chùa Bút Tháp được xây dựng dựa trên những nguyên tắc kiến trúc đặc trưng của Phật Giáo. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc có giá trị cao, có lối kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Toàn bộ kiến trúc chùa quay mặt về hướng Nam (hướng của trí tuệ, của bát nhã). Qua cửa Tam quan, du khách sẽ nhìn ngay thấy gác chuông hai tầng tám mái cổ kính, uy nghi.

Cụm kiến trúc trung tâm của chùa Bút Tháp gồm có 8 đơn nguyên chạy song hành được sắp xếp đăng đối trên một đường thần đạo. Bao bọc cụm kiến trúc trung tâm là hai dãy hành lang với hai bên là tòa Bái Đường, Thượng Điện, tòa Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, Hậu đường và hàng tháp đá.

Phía trong khuôn viên thanh tịnh chùa Bút Tháp

Thượng điện và tích thiên am được nối liền với nhau bởi cây cầu đá độc đáo

Trong chùa Bút Tháp có công trình kiến trúc Tháp Báo Nghiêm, hình dáng giống như một cây bút khổng lồ vươn mình giữa trời cao mang tâm linh của vùng kinh bắc. Tháp Báo Thiên là nơi thờ trụ trì Thiền sư Hòa thượng Chuyết Công. Người đã được lưu danh trong sử sách.

Tháp Báo Nghiêm uy nghi trong khuôn viên chùa Bút Tháp

Bên cạnh nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tinh xảo, chùa Bút Tháp còn có một hệ thống tượng Phật và cổ vật quý hiếm. Đặc biệt là pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay cao 3,7m được đặt trên tòa sen Rồng đội, phía sau là vầng hào quang tỏa sáng có 11 đầu, 42 bàn tay lớn và 958 bàn tay nhỏ.

Pho tượng Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay

Ngoài ra còn có tòa Cửu phẩm Liên Hoa bằng gỗ có 9 tầng, xung quanh có khắc tượng Phật. Dù được làm từ mấy thế kỷ nhưng tòa Cửu phẩm Liên Hoa này lại có thể quay được mà không hề phát ra tiếng kêu.

Tòa Cửu Phẩm Liên hoa cao 9 tầng đặc sắc

Lễ hội chùa Bút Tháp được diễn ra vào ngày 23/4 âm lịch hàng năm. Đây là một lễ hội lớn thu hút rất đông du khách về tham gia. Trong lễ hội, ngoài những nghi thức tế rước linh thiêng, trong phần hội có diễn ra rất nhiều các hoạt động, trò chơi dân gian sôi động như: Cờ tướng, bóng bàn, thi thả chim bồ câu và biểu diễn nghệ thuật chèo…

Chùa Bút Tháp luôn là một điểm du lịch, một địa chỉ hành hương thu hút nhiều rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Trải qua bao thăng biến của lịch sử, ngôi chùa này vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính, uy nghi và tĩnh lặng trong không gian văn hóa đất Bắc.

Trịnh Linh (tổng hợp)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/du-lich-360/chua-but-thap-danh-thang-lung-danh-dat-kinh-bac-d91566.html