Chủ xe ô tô phấn khởi vì xe không cần 'về zin' vẫn được đăng kiểm

Từ 15/2/2024, xe ô tô lắp đặt, thay thế đèn chiếu sáng, đèn sương mù, thay đổi chi tiết thân vỏ như mặt ca-lăng hay cánh lướt gió,... sẽ không còn bị 'tuýt còi' khi đến cửa đăng kiểm. Những đổi mới này khiến chủ xe ô tô phấn khởi.

Đó là những điểm mới được người dân hoan nghênh trong Thông tư 43/2023/TT-BGTVT (Thông tư 43) của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành. Theo đó, việc đi đăng kiểm ô tô đã được "cởi trói" khi có 9 trường hợp được phép thay đổi bộ phận của xe. Các thay đổi này từng được coi là "vùng cấm", bị từ chối đăng kiểm theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT.

Chủ xe "thở phào", dân kinh doanh độ xe mừng ra mặt

Dù được áp dụng từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2024, tuy nhiên thông tin này đã khiến nhiều người dùng ô tô tự tin hơn khi thay đổi, lắp đặt các phụ kiện cho xe ngay từ thời điểm này.

Anh Đinh Thanh Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện đèn chiếu sáng trên chiếc Honda Civic đời 2009 của anh rất tối, thiếu an toàn khi đi ban đêm. Dù mong muốn đầu tư một bộ đèn khác dạng Bi-Led nhưng cứ nghĩ sang tháng 3 là tới hạn đăng kiểm làm anh chưa dám thay thế vì sợ phiền hà.

"Nếu thay đèn khác thì khi đi đăng kiểm lại phải đến các xưởng độ xe để thuê đèn zin, rất mất thời gian. Nhưng may là quy định mới ra đời thật đúng lúc khiến tôi mạnh dạn đi thay bộ đèn khác. Tết này có về quê, đi du xuân trời tối cũng tự tin hẳn ", anh Minh nói.

Còn anh Phạm Thành Luân (Ba Đình, Hà Nội) cũng cho rằng, quy định mới của Bộ GTVT là hợp lý vì đáp ứng đúng nguyện vọng của những người sử dụng ô tô như anh, bởi những phụ kiện nếu được lắp đặt đúng sẽ không ảnh hưởng gì đến khả năng vận hành cũng như sự an toàn của xe.

"Những bộ phận như mặt ca-lăng, cánh lướt gió, bậc lên xuống,... chỉ làm cho chiếc xe trông đẹp và tiện nghi hơn chứ không ảnh hưởng gì đến vận hành. Còn nếu ai có điều kiện thay bóng đèn sang công nghệ mới sáng hơn thì lại càng an toàn", anh Luân chia sẻ.

Nhiều chiếc xe đời cũ có đèn chiếu sáng khá kém, do đó việc nâng cấp ánh sáng là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Người sử dụng xe vui một thì với các đơn vị kinh doanh lắp đặt đồ chơi xe hơi còn vui mười, bởi năm 2023 vừa qua chính là thời gian điêu đứng của ngành nghề này do nhu cầu giảm sút. Do đó, thông tin về những quy định cởi mở hơn cho việc cải tạo xe chẳng khác gì "nắng hạn gặp mưa rào".

Anh Triệu Bôn, chủ một xưởng chuyên độ đèn và âm thanh cho xe hơi tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: "Năm 2023, do phía đăng kiểm siết chặt nên việc độ chế nói chung và thay đèn, gắn phụ kiện lên xe rất hạn chế, lượng khách chỉ bằng khoảng 30-40% so với các năm trước."

Khi nhận được "tin vui" vào đúng dịp cao điểm Tết, cửa hàng của anh Bôn đã mạnh dạn nhập về những mẫu bóng đèn, cụm đèn cũng như nhiều phụ kiện, đồ chơi chất lượng để "đón đầu" phục vụ khách hàng.

"Các quy định dễ thở, cộng với nền kinh tế dần phục hồi, chắc chắn tình hình kinh doanh năm 2024 của ngành chăm sóc và đồ chơi xe hơi sẽ rất sáng sủa", anh Bôn nhận định.

Không chỉ được thay bóng đèn đúng công suất, ô tô còn được phép thay cả cụm đèn chiếu sáng nhưng không làm thay đổi kết cấu của cụm đèn. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Vẫn cần có những hướng dẫn cụ thể hơn

Với góc nhìn rộng hơn, anh Phạm Thành Lê - Quản trị viên Diễn đàn Otofun cho biết, Thông tư 43 mới được ban hành có một hướng tiếp cận cởi mở hơn trong việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cụ thể là những gì không ảnh hưởng đến an toàn thì cần được cho phép. Đồng thời, quy định mới sửa đổi cơ bản đáp ứng theo đúng những đề xuất chính đáng của cộng đồng lái xe trong gần 1 năm vừa qua.

Tuy vậy, anh Lê vẫn cho rằng, Thông tư này còn có một số điểm chưa cụ thể khiến các chủ xe băn khoăn, ví dụ như quy định cho phép lắp đèn sương mù rời, nhưng được lắp ở chỗ nào, cường độ ra sao… là vấn đề cần được làm rõ hơn để tránh sau này phát sinh tranh cãi giữa các chủ xe với đơn vị đăng kiểm.

Ngoài ra, theo anh Thành Lê, dù nội dung của Thông tư 43 đã cởi mở nhưng những điểm đổi mới này lại đang là một trong những điểm sẽ bị xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

"Thông tư 43 cho lắp đèn sương mù rời, nhưng khoản 3 Điều 16 Nghị định 100/2019 lại quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe. Đồng thời, người điều khiển ô tô còn bị tước quyền sử dụng GPLX 1-3 tháng. Vậy hai điều này có xung đột với nhau không?", anh Phạm Thành Lê đặt câu hỏi.

Việc lắp đèn sương mù rời cần được quy định cụ thể hơn, tránh việc tranh cãi sau này giữa cơ sở đăng kiểm và chủ xe. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Thông tư 43 đã khắc phục được một số điểm bất cập trước đây. Những thay đổi chỉ liên quan đến nội thất và tính tiện nghi, không liên quan đến an toàn thì không coi là cải tạo xe cơ giới.

Tuy vậy, việc người dân độ chế xe, nhất là độ các bộ phận như đèn chiếu sáng, đèn sương mù, mặt ca-lăng, gắn thêm các phụ kiện bên ngoài... không phải là được làm một cách tùy ý mà cần đảm bảo tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật nhất định, mục tiêu cuối cùng là vẫn phải đảm bảo an toàn.

"Trong những ngày tới, Cục Đăng kiểm cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể đến các trung tâm đăng kiểm cả nước và người dân để làm rõ hơn những thay đổi của Thông tư 43, từ đó có thể áp dụng hiệu quả ngay từ 15/2", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ.

Thông tư 43 đã bổ sung vào điều 4a của Thông tư 85 một số trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo, bao gồm:

- Thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách (không bao gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa);

- Thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như: bịt kín hoặc thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ;

- Lắp, thay thế hoặc tháo bỏ nắp che khoang chở hàng, hành lý của xe ô tô Pickup (bán tải) nhưng không làm thay đổi kích thước lòng thùng hàng và kích thước bao của xe;

- Lắp đặt thêm đèn sương mù dạng rời;

- Thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 35:2017/BGTVT mà không cần phải gia công thay đổi kết cấu của xe để đảm bảo việc lắp đặt;

- Thay thế bóng đèn thuộc cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng bóng đèn loại khác có công suất tiêu thụ điện tương đương mà không cần phải can thiệp, thay đổi kết cấu của cụm đèn;

- Thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của nhà sản xuất xe nhưng không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT. Việc lắp đặt thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe;

- Thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió;

- Lắp đặt thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.

Hoàng Hiệp

Bạn có quan điểm gì về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến ở phần bình luận phía dưới bài viết hoặc chia sẻ bài viết sâu về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chu-xe-o-to-phan-khoi-vi-xe-khong-can-ve-zin-van-duoc-dang-kiem-2235662.html