Chú trọng giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nói chung, chiến sĩ mới nói riêng luôn được Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 quan tâm làm tốt.

Chiến sĩ mới giữa giờ giải lao quây quần bên Chính ủy Sư đoàn 7 nghe kể chuyện truyền thống. Ảnh: N.Hà

Đại tá Lê Lương Quyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 7 chia sẻ: “Làm tốt công tác giáo dục truyền thống góp phần nâng cao nhận thức cho CBCS, nhất là tân binh, giúp họ yêu quý đơn vị, hiểu rõ về truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội”.

* Giúp tân binh yêu quý đơn vị

Tiểu đoàn 1, nơi có 50 tân binh đến từ Đồng Nai (trong đó có 48 tân binh của huyện Định Quán), vừa nhập ngũ vào huấn luyện tại Trung đoàn 141. Trong buổi kiểm tra, động viên tân binh và nói chuyện truyền thống ngay trong giờ giải lao trên thao trường, bằng chất giọng truyền cảm, đại tá Lê Lương Quyền kể những câu chuyện về quá trình chiến đấu của Sư đoàn 7, về vị chỉ huy của sư đoàn - trung tướng Lê Nam Phong, cùng nhiều sự kiện gợi nhớ một thời oanh liệt mà CBCS Sư đoàn 7 đã chiến đấu, giải phóng huyện Định Quán và quốc lộ 20 vào ngày 17-3-1975...

Đa dạng các hình thức giáo dục truyền thống, nhiều năm nay, Sư đoàn 7 luôn là đơn vị được Quân đoàn 4 đánh giá cao, hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ được giao; góp phần nâng cao nhận thức cho CBCS nói chung, tân binh nói riêng, giúp chiến sĩ mới nhanh hòa nhập môi trường quân đội, bước vào huấn luyện đạt kết quả cao.

Chiến sĩ Nguyễn Chí Bảo (ngụ ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đang huấn luyện tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 bộc bạch: “Di tích Chiến thắng La Ngà và quốc lộ 20 nằm ngay sát nhà tôi. Khi còn đi học, những ngày lễ, Tết, tôi thường thấy các đoàn đến dâng hương tại khu di tích nhưng để thực sự hiểu và biết rõ về các đơn vị quân đội đã có công giải phóng thì nay tôi mới tường tận khi được nghe chính ủy sư đoàn kể lại”.

Đây cũng là tâm sự của chiến sĩ Cao Văn Thọ (ngụ thị trấn Định Quán): “Hôm nay, tôi mới hiểu rõ về ý nghĩa của các sự kiện lịch sử của quê hương mình. Chính các chú, các bác của đơn vị mà tôi đang rèn luyện, học tập đã hy sinh xương máu để góp phần giải phóng quê hương, đất nước. Vì thế, tôi cùng các bạn sẽ quyết tâm rèn luyện tốt, chấp hành nghiêm kỷ luật, hoàn thành xuất sắc đợt huấn luyện chiến sĩ mới”.

* Nhiều cách làm sáng tạo

Bên cạnh kể chuyện truyền thống, các hoạt động: về nguồn, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, tham quan nhà bảo tàng, phòng truyền thống, nhà lưu niệm kỷ vật chiến tranh cách mạng, quan tâm chăm lo công tác chính sách, hậu phương quân đội… là những cách làm sáng tạo mà Đảng ủy Sư đoàn 7 đã thực hiện trong thời gian qua.

Cũng theo đại tá Lê Lương Quyền, vào những dịp kỷ niệm như ngày thành lập đơn vị, dịp lễ, Tết, ngày Thương binh - liệt sĩ… Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 7 thường tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm lại chiến trường xưa. Có thể kể đến như: thăm, tặng quà gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó tại xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nơi thành lập đơn vị hoặc những vùng chiến khu cách mạng; những nơi CBCS đơn vị đã từng sống, chiến đấu, hy sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, giải phóng quê hương.

Cán bộ Sư đoàn 7 giới thiệu các trận đánh tiêu biểu mà sư đoàn đã tham gia trong sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: N.Hà

Các tân binh còn được tham quan Phòng Truyền thống Sư đoàn 7, nơi lưu giữ các hình ảnh, kỷ vật của một đơn vị có truyền thống gần 58 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành; nghe giới thiệu các trận đánh nổi tiếng như: Tàu Ô - Xóm Ruộng; Chiến thắng Đường 14 - Phước Long… cách đây hơn nửa thế kỷ và những phần thưởng cao quý mà thế hệ cha ông trước đây, CBCS qua các thời kỳ đã góp sức xây dựng để Sư đoàn 7 vinh dự được Chủ tịch nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến sĩ Huỳnh Tấn Đạt, đến từ xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) cho biết: “Buổi nói chuyện truyền thống của Chính ủy Sư đoàn 7 và được tham quan Phòng Truyền thống đơn vị đã giúp tôi cùng đồng đội hiểu thêm về một thời hào hùng mà các bác, các chú của đơn vị đã chiến đấu, anh dũng hy sinh để chúng tôi được học tập, rèn luyện, trưởng thành trong hòa bình. Chính điều này giúp tôi và đồng đội thêm hiểu nhau, yêu quý nhau hơn, yêu đơn vị và quyết tâm rèn luyện thật tốt để hoàn thành các nhiệm vụ”.

Giáo dục truyền thống cho CBCS, nhất là tân binh, là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác Đảng, công tác chính trị. Qua đó, giúp CBCS nâng cao lòng tự hào dân tộc, hiểu sâu sắc hơn về truyền thống quân đội, đơn vị, hun đúc trong họ tinh thần yêu nước, tạo chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, xây dựng niềm tin cho mỗi CBCS nói chung, tân binh nói riêng.

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202403/chu-trong-giao-duc-truyen-thong-cho-chien-si-moi-6985a60/