Chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS

Để giúp học sinh có hướng đi phù hợp và đảm bảo công tác hướng nghiệp, phân luồng hiệu quả cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp bậc THCS trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp học sinh có định hướng cho tương lai và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc THPT.

Một giờ học của học sinh lớp 9, Trường THCS Quang Trung (thành phố Tam Điệp).

Một giờ học của học sinh lớp 9, Trường THCS Quang Trung (thành phố Tam Điệp).

Theo đại diện các trường THCS, chương trình hướng nghiệp cho các em học sinh THCS sẽ giúp học sinh tăng khả năng nhận biết về bản thân mình có sở thích và khả năng nổi bật gì; mặt khác, giáo dục hướng nghiệp giúp các em trau dồi các kỹ năng học tập theo nhóm, trải nghiệm thực tế về các ngành, nghề khác nhau. Chương trình này đã và đang được nhiều trường học trong tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian qua, giúp các em học sinh chủ động vận dụng kiến thức đã học thông qua các hoạt động thực tiễn. Qua đó nâng cao ý thức, bước đầu các em có sự định hướng nghề trong tương lai, có kế hoạch học tập, rèn luyện để đạt được mục tiêu đặt ra của bản thân.

Tại Trường THCS Quang Trung (thành phố Tam Điệp), ngoài các tiết học, nhà trường còn giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh thông qua giờ sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp và giáo viên bộ môn lồng ghép trong nội dung bài học. Đối với học sinh có nguyện vọng thi vào lớp 10 THPT, nhà trường tìm hiểu nguyện vọng của học sinh để định hướng cho các em tập trung vào một số môn thi phù hợp với năng lực, trình độ và ý thức học tập của các em. Đối với học sinh có nguyện vọng học nghề, nhà trường động viên các em tích cực tham gia vào hoạt động hướng nghiệp của nhà trường. Nhờ đó, nhiều học sinh đã có những quyết định rõ ràng hơn về việc chọn trường, lớp, ngành, nghề phù hợp với bản thân.

Cô giáo Bùi Thị Bạch Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết: Những năm qua, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; đẩy mạnh triển khai thực hiện giáo dục STEM trong trường trung học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, nhà trường còn huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp... Kết quả, hiện nay, sau tốt nghiệp THCS, đã có nhiều em lựa chọn vào học nghề kết hợp với học văn hóa tại các Trung tâm GDTX hoặc các trường nghề trên địa bàn thành phố, góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội.

Tại Trường THCS Thạch Bình (huyện Nho Quan), xác định công tác hướng nghiệp là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ tư vấn, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm chủ động và quan tâm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Trong đó quan tâm đến phương pháp giáo dục STEAM. Mỗi một chủ đề STEAM được bố trí từ 5 đến 8 tiết/học kỳ. Nhờ đó, giáo viên và học sinh có thể chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức trên lớp thông qua hoạt động thực hành thử nghiệm... Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng trở nên linh hoạt và thuận tiện hơn, tạo điều kiện cho học sinh được thực hành STEAM với nhiều chủ đề hấp dẫn, đa dạng, như các ngành, nghề thu hút nhiều lao động hiện nay, hoạt động chế biến các món ăn…

Em Quách Thị Kiều Linh, học sinh lớp 9C, Trường THCS Thạch Bình (huyện Nho Quan) cho biết: Qua nghe tư vấn, phân tích của thầy cô về chương trình học ở bậc THPT và học chương trình GDTX, cùng những ý kiến góp ý của phụ huynh, chúng em biết được những ưu điểm của từng trường, từ đó, nhìn nhận khả năng của bản thân để đăng ký chọn trường tiếp tục học tập phù hợp với năng lực của mình. Nhiều bạn qua được nghe tư vấn cũng cân nhắc, với năng lực học tập, do điều kiện gia đình có thể chọn các Trung tâm GDNN-GDTX hoặc các trường nghề để vừa học văn hóa vừa học nghề, sau khi tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có nghề trong tay có thể đi làm để nuôi sống bản thân...

Cô giáo Hoàng Thị Mai Phương, giáo viên Trường THCS Thạch Bình cho biết: Tại nhà trường, các hoạt động trải nghiệm được học sinh hào hứng thực hiện. Thông qua các tiết học trải nghiệm STEAM, các kiến thức trong sách vở trở nên sinh động và dễ hiểu hơn, góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng liên quan đến nhiều lĩnh vực sinh học, hóa học, vật lý… Đặc biệt, việc hướng nghiệp, dạy nghề tại Trường còn bằng những hoạt động cụ thể, như phân công lao động hợp lý ở từng khu vực cho học sinh lao động thường xuyên và lao động định kỳ; giáo dục cho học sinh ý thức lao động, biết vận dụng những kiến thức đã học vào lao động để có hiệu quả cao, các em biết sử dụng thành thạo các dụng cụ lao động... Năm học 2021-2022, nhà trường tổ chức tư vấn nghề cho 159 học sinh khối lớp 9, trong đó có 23 học sinh tham quan trường nghề ở Tây Bắc.

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2019- 2025, từ năm học 2019-2020, ngành Giáo dục Ninh Bình đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục huyện, thành phố và các trường THCS trong tỉnh quan tâm giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 9.

Thực hiện chỉ đạo của ngành, các cơ sở giáo dục đã quan tâm bố trí đủ giáo viên tham gia giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9. 100% đơn vị trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức hoạt động ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Để làm tốt công tác phân luồng, các trường THCS còn chủ động thành lập Ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với Hội cha mẹ học sinh làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp.

Hàng năm, sau khi thi học kỳ 1, dựa trên kết quả kỳ thi, các trường THCS tổ chức họp phụ huynh, lồng ghép tuyên truyền nội dung này cho phụ huynh khối lớp 9 cuối cấp nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông cho phụ huynh, học sinh.

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và các nhà trường còn tổ chức ngày hội khởi nghiệp cho học sinh, qua đó giúp các em có cách nhìn nhận và định hướng đúng về nghề nghiệp và tương lai của mình...

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chu-trong-cong-tac-huong-nghiep-cho-hoc-sinh-thcs/d2023031008162398.htm