Chú trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa thu hút được khoảng 1.300 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 250 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh lâm sản, hơn 30 doanh nghiệp chế biến nông sản, 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản. Đây là cơ sở để phát triển công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao giá trị của nông sản.

Các sản phẩm mắc ca của HTX mắc ca Thành Phát (Như Xuân) tại Hội chợ kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

Được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển nông nghiệp, huyện Như Xuân đã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, như: vùng sắn nguyên liệu 2.965,5 ha, mía đạt 440,45 ha, duy trì 2.580 ha cao su và 152 ha chè... Đây là vùng nguyên liệu bền vững để phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản. Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp vào liên kết, chế biến sản phẩm không phải là điều dễ dàng, bởi vậy để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp, nhiều hộ dân, HTX đã chủ động đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến sâu, góp phần thương mại hóa sản phẩm.

HTX mắc ca Thành Phát, xã Cát Vân là một trong những điển hình cho việc đầu tư, chế biến. Anh Đỗ Trọng Học, giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, đơn vị đang trực tiếp sản xuất 10 ha mắc ca và tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên. Để nâng cao giá trị kinh tế, HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy sấy, máy đập vỏ, hút chân không... để tạo ra các loại sản phẩm từ quả mắc ca thay vì tiêu thụ hạt mắc ca thô như trước đây. Đến nay, HTX đã có các sản phẩm hạt mắc ca sấy, rượu ngâm hạt mắc ca, bột hạt mắc ca, mật ong hoa mắc ca... nhờ đó, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, cao hơn 30% so với trước đây.

Được biết, không chỉ thành công với việc chế biến các sản phẩm từ mắc ca, HTX mắc ca Thành Phát còn sản xuất khoảng 4 ha chè, đầu tư máy sao chè, máy hút chân không để nâng cao giá trị sản xuất cho cây chè nguyên liệu.

Những năm gần đây, để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, người dân xã Luận Thành (Thường Xuân) đã chú trọng phát triển một số loại cây trồng dược liệu để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhận thấy việc tiêu thụ sản phẩm thảo dược, dược liệu thô không mang lại giá trị kinh tế cao, chị Quách Thị Anh, thôn Sơn Minh, xã Luận Thành đã nghiên cứu và sản xuất thành công một số sản phẩm thảo dược, từ nguồn nguyên liệu tại địa phương. Chị Quách Thị Anh cho biết: "Bản thân là người “đam mê” với các loại hương liệu tự nhiên nên tôi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm cũng như tham khảo các chuyên gia về các loại thảo dược mà huyện đang có thế mạnh. Từ năm 2020, tôi đã đầu tư máy móc, thử nghiệm sản xuất một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp có nguồn gốc từ thiên nhiên. Các sản phẩm có nguyên liệu chính là các loại cây thảo dược bản địa, dựa trên các bài thuốc lưu truyền trong dân gian của người dân tộc Mường, dân tộc Thái, kết hợp với công nghệ hiện đại. Đến nay, đã tạo ra 17 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm vừa đạt chứng nhận OCOP là si rô húng chanh và cao tía tô. Các sản phẩm được chứng nhận chất lượng từ chuyên gia và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng".

Công nhân Công ty CP chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt (TP Thanh Hóa) sản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu. Ảnh: Lê Hòa

Từ thành công ban đầu, năm 2021, chị Quách Thị Anh đã thành lập tổ hợp tác thảo dược thiên nhiên Hương Quê, với 7 thành viên là hội viên chi hội phụ nữ thôn Sơn Minh nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2023, doanh thu của tổ hợp tác đạt hơn 1 tỷ đồng, thành công của tổ hợp tác Hương Quê đã góp phần bảo tồn, phát triển, nâng cao giá trị cây dược liệu bản địa, mở ra hướng sản xuất mới cho các mô hình nông nghiệp tại địa phương.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp các loại. Tuy nhiên, chủ yếu các sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường dưới dạng sản phẩm thô, phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị chưa cao, tổn thất nhiều. Các nông sản chủ lực như lúa gạo, rau màu, thịt, trứng... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng gói bao bì và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu, ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn, hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng. Do đó, với định hướng của tỉnh là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp đã nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản vào đầu tư trên địa bàn. Hiện nay, đã có nhiều mô hình liên kết chuỗi giá trị thành công, như: Công ty Xuất khẩu nông sản T9 liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xoài keo, chanh leo tại một số huyện miền núi và nhà máy chế biến tại Như Xuân; 8 nhà máy chế biến dứa liên kết thu mua sản phẩm cho các vùng dứa nguyên liệu... Ngoài ra, toàn tỉnh có 7 nhà máy chế biến lúa gạo, hơn 200 nhà máy chế biến lâm sản, hàng chục cơ sở chế biến rau, quả, thực phẩm. Cùng với đó, có hàng trăm hộ dân, HTX, chủ cơ sở sản xuất cũng hưởng ứng, đầu tư vào khâu chế biến để đa dạng hóa sản phẩm nông sản, phát triển thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chu-trong-che-bien-sau-de-nang-cao-gia-tri-nong-san/201629.htm