Chủ tịch Võ Chí Công suốt đời tận tụy vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, đồng chí Võ Chí Công có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng; luôn quan tâm xây dựng Đảng gắn với xây dựng chính quyền cách mạng và phong trào cách mạng.

Nhà lãnh đạo tâm huyết với công tác của Đảng

Đồng chí Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, Quảng Nam (nay là làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) trong một gia đình trí thức yêu nước và cách mạng. Hoạt động yêu nước và cách mạng từ năm 18 tuổi, Võ Toàn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1935 và một năm sau được cử làm bí thư chi bộ tại quê nhà. Đầu năm 1939, đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ. Tháng 3-1940, khi Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Nam tái lập, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Nam; năm 1941 được bầu làm Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên; tiếp đó làm Bí thư Liên Tỉnh ủy, Thành ủy Quảng Nam-Hội An-Đà Nẵng. Tháng 10-1943, đồng chí bị chính quyền Đông Pháp bắt và tòa án thực dân xử án tù chung thân, sau đó, giảm án xuống còn 25 năm tù và bị giam cầm tại các nhà tù Hội An, Buôn Ma Thuột.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, buộc nhà cầm quyền Nhật tại Đông Dương phải thả một số tù nhân chính trị, trong đó có Võ Toàn. Ra tù, đồng chí hoạt động trong Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Quảng Nam, làm Trưởng ban Khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được cử làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Khi chính quyền Đông Pháp khủng bố ráo riết các phong trào cách mạng ở Trung Kỳ, đồng chí bí mật vào hoạt động tại các tỉnh Nam Trung Bộ, xây dựng các cơ sở cách mạng tại Đà Lạt. Năm 1942, đồng chí được điều về giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ hai. Khi Liên Tỉnh ủy, Thành ủy Quảng Nam-Hội An-Đà Nẵng được thành lập (tháng 8-1942), tiếp đó là hội nghị hợp nhất ba đơn vị trên (ngày 16-1-1943), đồng chí được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy, Thành ủy Quảng Nam-Hội An-Đà Nẵng, gọi tắt là Đảng bộ Quảng Nam. Từ tháng 3-1952 đến năm 1953, lần thứ ba, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau nhiều năm công tác tại Khu ủy Khu V, Khu ủy Liên khu V, tại Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Khu 5.

Tháng 1-1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Với bí danh Võ Chí Công (Năm Công), đồng chí được phân công đảm nhiệm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam. Trải qua nhiều chức vụ, năm 1975, đồng chí làm Phó ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Việt Nam, tiếp đó lần lượt giữ các chức vụ: Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm Thường trực Ban Bí thư; từ năm 1987 đến năm 1992 là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chủ tịch Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, đồng chí Võ Chí Công có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng; luôn quan tâm xây dựng Đảng gắn với xây dựng chính quyền cách mạng và phong trào cách mạng. Đặc biệt, trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Võ Chí Công có nhiều bài viết quan trọng về xây dựng Đảng, luôn gắn bó, lăn lộn với công tác của Đảng và quan tâm xây dựng Đảng. Đồng chí cho rằng, phải coi trọng xây dựng Đảng ở cả hệ thống dọc (trục tung) và hệ thống ngang (trục hoành). Hệ thống dọc là ở ba cấp: Cấp cơ sở; cấp địa phương; cấp Trung ương. Hệ thống ngang là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Trong nhiều bài viết, bài nói, đồng chí Võ Chí Công cho rằng, muốn xây dựng Đảng thành công, những người làm công tác Đảng phải biết khơi dậy tinh thần của đảng viên và quần chúng; tập trung được trí tuệ của cán bộ, đảng viên và quần chúng từ dưới lên để đề ra được nghị quyết sát, đúng, cụ thể, phù hợp với thực tế đời sống xã hội, bảo đảm vừa có tính tích cực cách mạng, vừa có căn cứ thực tế vững chắc, thể hiện đúng tinh thần trong các nghị quyết của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh, trong công tác Đảng và công tác xây dựng Đảng, phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), trong xây dựng và hoạt động của đảng cộng sản, của nhà nước XHCN và của các tổ chức xã hội.

Xây dựng Đảng, theo quan điểm của đồng chí Võ Chí Công, phải chú trọng xây dựng hình tượng người đảng viên cộng sản gương mẫu, hết lòng hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, trung thành với Đảng và nhân dân, nói đi đôi với làm, bền bỉ trong công tác và nghiên cứu; có ý thức tổ chức và kỷ luật cao, có óc sáng tạo. Tấm gương sáng về gương mẫu của người đảng viên là tiền đề để nêu gương sáng trong quần chúng. Nhiều đảng viên có tấm gương sáng sẽ làm cho Đảng sáng lên trong lòng dân và như vậy, dân sẽ càng tin tưởng vào Đảng.

Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Võ Chí Công rất chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đảng, cán bộ chính quyền ở trong nước và ngoài nước. Đồng chí cho rằng: “Không đào tạo có nghĩa là không có cán bộ, mà không có cán bộ thì không có phong trào”.

Trải qua nhiều năm tháng làm công tác Đảng, xây dựng Đảng, đồng chí luôn chú trọng xây dựng các cơ quan tham mưu của Đảng và nhấn mạnh, nếu không kiện toàn các cơ quan tham mưu, cán bộ làm công tác tham mưu, thì cấp ủy không thể có được sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng. Cán bộ làm công tác tham mưu giỏi sẽ làm cho cấp ủy giỏi và ngược lại. Vì vậy, trong Điều 32, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa V đã ghi rõ: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng phải kiện toàn tất cả các cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương và của Hội đồng Bộ trưởng”.

Đồng chí cho rằng, nếu vận dụng tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chúng ta sẽ bầu ra được cấp ủy các cấp xứng đáng, có sức chiến đấu và phẩm chất cao, có năng lực lãnh đạo và tổ chức chỉ đạo thực hiện đường lối của Đảng; thể hiện tính liên tục trong xây dựng cơ quan lãnh đạo của Đảng. Nếu thực hiện tốt nguyên tắc này, còn giúp phát hiện những cán bộ ưu tú trong phong trào để bổ sung vào cấp ủy.

Quan tâm xây dựng Đảng gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Từ tháng 4-1987 đến năm 1992, đồng chí Võ Chí Công là đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tuy không làm công tác Đảng nữa nhưng đồng chí vẫn luôn gắn bó với công tác Đảng, đóng góp nhiều ý kiến quý báu về xây dựng Đảng đi đôi với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

Khi đồng chí nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua một năm đầu. Thời điểm này, Bộ Chính trị ra Quyết định số 03-QĐ/TW, ngày 14-3-1987, về việc thành lập Ban Soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban. Đồng chí Võ Chí Công là thành viên của ban và đã có những đóng góp quan trọng trong việc soạn thảo Cương lĩnh.

Công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế bắt đầu được thực hiện, đồng chí Võ Chí Công ngày đêm trăn trở về vấn đề này. Trong quá trình thảo luận, có một số đồng chí cho rằng, lúc này, Trung ương chưa nên ra nghị quyết về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, vì điều kiện chưa chín muồi. Đồng chí Võ Chí Công lại cho rằng, cần phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, trước mắt, phải chọn những vấn đề đã rõ và có thể kết luận được để ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết, không thụ động chờ đợi. Nội dung nghị quyết Trung ương khi đó đã xác định đổi mới một bước cơ bản về cơ chế quản lý kinh tế, mở đầu bằng khâu chủ yếu là chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế cơ sở, đồng thời đổi mới một bước cơ chế quản lý Nhà nước về kinh tế, tạo thuận lợi cho cơ sở, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước.

Lúc này, vấn đề phân phối lưu thông được đặt ra hết sức cấp thiết. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã có đóng góp quan trọng, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông. Đồng chí nhận định: “Trong đời sống kinh tế nước ta hiện nay (thời điểm năm 1987, 1988, 1989-tác giả) nạn lạm phát trầm trọng, mà nguyên nhân trực tiếp là bội chi ngân sách lớn, dẫn đến giá cả tăng vọt, tiền lương thực tế giảm, tệ tranh mua, tranh bán đẩy giá lên cao đối với hàng tiêu dùng trong nước cũng như hàng xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải giải quyết một bước những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông bằng việc giảm bội chi ngân sách, giảm dần nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát “phi mã”, đổi mới cơ chế chính sách, góp phần giải phóng sức sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN, bước đầu mở rộng thị trường Việt Nam ra thị trường thế giới bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, có mẫu mã đẹp, từng bước đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới”.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công rất chú trọng đến việc soạn thảo luật pháp và thi hành pháp luật; quan tâm đến đời sống nhân dân, đến các vấn đề an sinh xã hội và an ninh xã hội. Đồng chí có nhiều chuyến đi tới các địa phương, cơ sở để nắm tình hình, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất. Thời gian đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước không dài, nhưng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Chủ tịch Võ Chí Công mất ngày 8-9-2011, thọ 99 tuổi. Suốt đời tận tụy vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân, đồng chí Võ Chí Công đã có nhiều đóng góp to lớn. Đất nước độc lập, nhân dân có cuộc sống ấm no, dân chủ, hạnh phúc, luôn là điều mong mỏi và là niềm tự hào của nhà cách mạng trung kiên Võ Chí Công.

PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/chu-tich-vo-chi-cong-suot-doi-tan-tuy-vi-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-cua-nhan-dan-514355