Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Điều kiện kinh doanh như ở Việt Nam… thì Boeing cũng bó tay

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm, các DN cần nhất là hệ thống pháp luật kinh doanh được minh bạch, công bằng, thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được bình đẳng, an toàn.

Trên quan điểm của DN và rà soát bước đầu của VCCI của các Hiệp hội DN cho thấy ít nhất có trên 20 quy định đã rõ là không hợp lý những vẫn chưa được sửa đổi. Ảnh: Tường Lâm

70% DN thấy tác động của NQ35 là tích cực

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc ban hành Nghi quyết 35 (NQ35) trong 1 thời gian ngắn kỷ lục với các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi và có phân công trách nhiệm cụ thể rõ ràng đã thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng DN VN lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sau 1 năm thực hiện NQ35, tại hầu hết các địa phương, thời gian thành lập DN đã giàm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày so với cam kết và quy định của Nghị quyết 19, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu (đạt chỉ tiêu đặt ra). Các tỉnh, thành phố đều triển khai tích cực kê khai nộp thuế điện tử, đa số đạt 96-100%.

Qua khảo sát nhanh của VCCI cuối năm 2016, đầu năm 2017, có 70% đánh giá của DN cho thấy tác động của 5 nhóm giải pháp được đưa ra trong NQ35 là tích cực, chỉ có 25% DN cho biết chưa nhận thấy tác động của giải pháp này. “Các đánh giá này không phải là cảm tính mà dựa trên con số và kết quả đạt được trên thực tế, thể hiện bước tiến rõ rệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế” – ông Lộc khẳng định.

DN cần nâng cao năng lực quản trị

Song, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, chưa nên thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các DN vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lời, tài sản của DN trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% (năm 2012) đã giảm xuống còn 3,2% (2015). Các tháng đầu năm 2017 số lượng các DN thành lập mới tuy có tăng, nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng 1/2 số DN thành lập mới.

“Nguyên nhân chính là môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, giải quyết. Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và còn nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã dồn tụ từ nhiều năm qua cần đòi hỏi những nỗ lực cố gắng trong dài hạn” – ông Lộc nói.

Đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang là quốc gia có chi phí kinh doanh cao trong khu vực (kể cả chi phí chính thức và không chính thức). Nên giảm chi phí cho DN đang là yêu cầu cấp thiết. Nhưng việc giảm chi phí không phải là tất cả.

Theo ông Lộc, nói về Chính phủ kiến tạo, gần đây hay đề cập đến những hỗ trợ, ưu đãi. Nhưng cái cần nhất đối với DN không phải là hỗ trợ (tài chính) mà nếu có chỉ là sự hỗ trợ, định hướng giúp DN nâng cao năng lực quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính phi thị trường vào DN. Các DN cần nhất là hệ thống pháp luật kinh doanh được minh bạch, công bằng, thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, cần một nền tư pháp bảo vệ cho họ được bình đẳng, an toàn.

Thúc đẩy cải cách thể chế

Đề cập tới sự chậm trễ cải thiện môi trường kinh doanh, ông Lộc cho rằng, đó là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Trên quan điểm của DN và rà soát bước đầu của VCCI, của các Hiệp hội DN cho thấy, ít nhất có trên 20 quy định đã rõ là không hợp lý nhưng vẫn chưa được sửa đổi.

Cụ thể, điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm nêu trong Nghị định 87 yêu cầu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ các thiết bị ép, đúc, đùn, khuôn mẫu phù hợp để sản xuất vỏ mũ bảo hiểm, khuôn mẫu phù hợp để sản xuất mút xốp, thiết bị rập, đinh tán để sản xuất các chi tiết.

Điều kiện đóng tàu yêu cầu cơ sở sản xuất đóng tàu phải có đầy đủ máy cưa, sọc, máy cưa vòng, máy cưa đĩa, máy cưa cầm tay, máy bào, máy đục, máy khoan, máy mài…

Điều kiện kinh doanh cơ sở in cấm các cơ sở in không được hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in gia công, in sau đối với hợp đồng 1 người nhận.

“Chúng ta đều hiểu trong điều kiện sản xuất được tổ chức theo các chuỗi giá trị toàn cầu, để làm ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh, 1 DN cần phải có liên kết, thậm chí với hàng trăm, hàng ngàn DN khác. Dây chuyền sản xuất máy bay Boeing là một ví dụ khi được sản xuất dựa trên cơ sở các chi tiết làm ra tại hàng trăm cơ sở sản xuất ở hàng chục quốc gia”.

“Nếu quy định theo kiểu điều kiện sản xuất kinh doanh như thế này đối với cơ sở sản xuất theo kiểu đóng tàu, mũ bảo hiểm… thì Boeing cũng bó tay, không thể đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh tại Việt Nam” – ông Lộc hài hước cho biết.

Do đó, đại diện VCCI đề xuất, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thúc đẩy việc thực hiện NQ35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cần đạt được trong năm nay, và chỉ trong năm nay. Đồng thời nêu rõ thời hạn cần đạt được, nêu rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện và có chế tài để thực thi.

Trần Kiên

Trần Kiên

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/chu-tich-vcci-vu-tien-loc-dieu-kien-kinh-doanh-nhu-o-viet-nam-thi-boeing-cung-bo-tay-40793.html