Chủ tịch VCCI: 'Đến Boeing cũng không thể làm được máy bay ở Việt Nam'

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp, hoạt động kinh doanh còn nhiều điều kiện không phù hợp cần bãi bỏ. Nếu không cải thiện, đến Boeing cũng không thể làm được máy bay ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn.

Chuyển biến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp

Ngày 17/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tại hội nghị, từ ý kiến của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nhân phân tích các kết quả đã đạt được cần đối chiếu lại với những nguyên tắc để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân cùng với hai nhóm giải pháp trước đây chúng ta đã đề ra.

Đó là kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật, cải cách thủ tục hành chính.

“Tôi tin rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng và thịnh vượng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trao đổi tại hội nghị về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho hay ngay sau khi Nghị quyết ban hành, nhiều bộ ngành, địa phương đã sớm triển khai chương trình hành động.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI. Ảnh: Nguyên Đức.

Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết từ ngày 29/4/2016 đến tháng 1/2017, VCCI đã tập hợp được 421 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước đến gửi tới các bộ ngành, địa phương để trả lời giải quyết.

Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành doanhnghiep.chinhphu.vn từ khi được thiết lập và hoạt động tháng 10/2016 đã tiếp nhận và chuyển các bộ ngành, địa phương 489 kiến nghị từ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp (chưa kể 97 phản ánh, kiến nghị còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải giải quyết theo quy trình khiếu nại, tố cáo cũng được Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng), trong đó có 372 kiến nghị đã được xử lý, giải quyết, trả lời (đạt tỷ lệ 76,1%).

Như vậy, kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có trên 1098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan Nhà nước và có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.

Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.

Cụ thể, về cải cách hành chính cần tập trung vào cải tiến thủ tục thuế, hải quan, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính; cần tập trung vào việc phát huy hiệu quả của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Việc triển khai Nghị quyết 35 đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đạt kết quả khả quan, có tỉnh thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ có 1,5-1,84 ngày (như Đồng Nai, Lai Châu, Hà Tĩnh…); mô hình trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh thành tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tất cả các địa phương đều triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…

Các tỉnh đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đạt từ 96-100%) như tại Đồng Nai, Quảng Trị, Gia Lai (100%), Bình Thuận 99,84%, TP.HCM 99,37%...

Nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh Lãnh đạo Chính phủ, nhiều bộ ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trong Chính phủ “không có chỗ để bàn lùi”.

Nhiều điều kiện kinh doanh “đến Boeing cũng không thể làm được”

Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, thực tế vẫn còn không ít khó khăn do tích tụ từ thời gian trước để lại.

Các địa phương đã quan tâm hơn đến việc lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành địa phương tuy nhiên mới phổ biến hình thức lấy ý kiến trên mạng, chưa đa dạng các hình thức lấy ý kiến đóng góp. Việc triển khai ứng dụng CNTT mức 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp còn chậm. Số lượng thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 còn rất ít.

Nhiều doanh nghiệp có ý kiến về việc lỗi do phần mềm thuế cập nhật chậm khiến doanh nghiệp đã đóng thuế nhưng vẫn bị thông báo là nợ thuế.

Ngoài ra, việc nhiều bộ ngành địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, sự thay đổi chính sách đột ngột, sự hồi tố trong kinh doanh; nhiều địa phương vẫn lạm dụng thanh tra, kiểm tra với nội dung trùng lặp. Có những doanh nghiệp mỗi năm tiếp tới 10 đoàn thanh kiểm tra, chưa kể những đoàn chưa chính thức.

Trên thực tế, nhiều chính sách bất cập cần được bãi bỏ. Ví dụ như Nghị định 60/2014 quy định về hoạt động in với nội dung “Hạn chế các cơ sở in không được hợp tác với các cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in do mình đã nhận hợp tác”, đặt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay với sự xuất hiện của các mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần phải có sự liên kết với hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp khác.

Lấy ví dụ như dây chuyền sản xuất máy bay Boeing làm ví dụ, hãng này phải thiết lập quan hệ đối tác với hàng chục nghìn nhà cung ứng tại rất nhiều quốc gia khác nhau.

“Nếu tình trạng này không được cải thiện và chấm dứt thì đến cả Boeing cũng không thể làm được máy bay ở Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Cũng tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Nguyên Đức

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/thoi-su/chu-tich-vcci-den-boeing-cung-khong-the-lam-duoc-may-bay-o-viet-nam-152969.ict