Chủ tịch UBND TP.HCM: Tránh phiền hà cho dân khi sắp xếp khu phố, ấp

Các cơ quan cần nghiên cứu cập nhật tự động thông tin giấy tờ của người dân khi sắp xếp khu phố, ấp.

Ngày 11-8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP.

Theo quy định, khu phố, ấp hình thành sau khi sắp xếp phải đảm bảo quy mô từ 500 hộ dân trở lên, ấp từ 350 hộ dân trở lên.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết địa phương sẽ thí điểm sắp xếp khu phố, ấp ở ba phường. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết địa phương sẽ thí điểm sắp xếp khu phố, ấp ở ba phường. Ảnh: HÀ THƯ

TP Thủ Đức thí điểm sắp xếp ba phường

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết TP Thủ Đức đã đề xuất và được TP.HCM đồng ý cho thí điểm sắp xếp khu phố, ấp ở ba phường là An Phú, Hiệp Bình Phước, Phú Hữu. Sau khi sắp xếp, số khu phố của ba phường tăng từ 15 lên 76 khu phố nhưng số người hoạt động không chuyên trách giảm 183 người (từ 563 người giảm xuống 380 người).

Chủ tịch TP Thủ Đức nhìn nhận qua khảo sát, tỉ lệ người dân đồng thuận với việc sắp xếp chỉ khoảng 70%, có người chưa đồng tình, có người còn băn khoăn. Cán bộ ở khu phố, ấp cũng băn khoăn không biết ai tiếp tục làm, ai thuộc diện tinh giản.

Việc sắp xếp tuy trên nguyên tắc không phát sinh trụ sở mới nhưng ba phường ở TP Thủ Đức sau khi sắp xếp tăng từ 15 lên 76 khu phố nên việc sử dụng chung trụ sở rất bất tiện. Ông kiến nghị nơi nào có thể bố trí, cân đối được trụ sở thì nên khuyến khích có trụ sở riêng cho khu phố. Trong đó có thể sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư hoặc tìm khu vực đất công để có trụ sở khu phố riêng, lồng ghép sinh hoạt cộng đồng.

Chủ tịch TP Thủ Đức cũng kiến nghị HĐND TP ủy quyền cho HĐND năm huyện và TP Thủ Đức được phê duyệt các đề án sắp xếp của năm huyện và TP Thủ Đức mà không cần trình HĐND TP. Khi đó việc sắp xếp sẽ linh hoạt, nhanh chóng hơn.

Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước khẳng định khu phố, ấp tuy không phải là cấp chính quyền nhưng là cánh tay nối dài của cấp chính quyền đến người dân. Ông cho biết huyện đã rà soát, vẽ sơ bộ ranh giới khu phố, ấp theo quy mô dân số. Dự kiến huyện Nhà Bè sẽ có 139 khu phố, ấp mới trên hiện trạng 30 khu phố, ấp và 423 tổ dân phố, tổ nhân dân. Huyện cũng phân công một phó chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Trần Quốc Xuân cũng thông tin quận hiện có 10 phường, 53 khu phố, 735 tổ dân phố, sau khi sắp xếp còn 214 khu phố.

UBND TP.HCM sẽ tổng hợp trình HĐND TP kế hoạch, phương án sắp xếp khu phố, ấp của các địa phương vào tháng 12 và hoàn thiện việc sắp xếp trong quý I-2024.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ

Không cứng nhắc trong việc đặt tên khu phố

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua TP.HCM đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khảo sát, thống kê, dự kiến các phương án, kế hoạch và thăm dò ý kiến của người dân.

Sau khi các địa phương ban hành kế hoạch, phương án sắp xếp thì TP.HCM sẽ tổng hợp trình HĐND TP vào tháng 12 và hoàn thiện việc sắp xếp trong quý I-2024.

Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu trong quá trình xây dựng các phương án, kế hoạch tại cơ sở, cần tổng hợp đầy đủ các vấn đề phát sinh, xử lý kịp thời và báo cáo về TP, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách. “Chúng ta phải phối hợp chọn phương án làm sao vừa thực hiện quy định nhưng ít gây xáo trộn nhất” - ông Mãi nói.

Chủ tịch TP.HCM cho biết sau khi sắp xếp mỗi khu phố có năm chức danh “cứng” gồm bí thư, trưởng khu phố, ấp, ban Mặt trận, Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ. Tuy nhiên có nơi chưa có Đoàn Thanh niên thì có thể thay bằng Hội Cựu chiến binh. Hay việc đặt tên cho khu phố, ấp theo số nhưng có những khu phố cần đặt tên theo chữ.

“Chúng ta không cứng nhắc” - ông Mãi nhấn mạnh và đề nghị cấp ủy phải lãnh đạo để cả hệ thống chính trị cùng tham gia lựa chọn để có phương án phù hợp nhất.

Không để phát sinh
vấn đề phức tạp

Phó Giám đốc Công an TP.HCM Trần Đức Tài cho biết lực lượng công an kiên quyết đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn sau khi sắp xếp, không để phát sinh vấn đề phức tạp. Công an TP cũng sẽ bố trí, sắp xếp lại lực lượng cảnh sát khu vực phù hợp với khu phố, ấp mới.

Ông Tài cũng đề nghị khi sắp xếp khu phố, ấp cần tính đến những người dân lưu trú thực tế gồm cả tạm trú, thường trú. Bởi có những địa bàn số người dân tạm trú cao hơn thường trú, nhất là quận Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn… nơi tập trung các khu công nghiệp.

Đáng chú ý, ông Phan Văn Mãi đề nghị phải rà soát, giải quyết các vấn đề về giấy tờ của người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính liên quan được thuận lợi nhất.

“Hạn chế thấp nhất việc gây phiền hà cho người dân, tổ chức và ứng dụng công nghệ để chuyển đổi các hồ sơ” - ông Mãi nhấn mạnh và đặt hàng các cơ quan liên quan nghiên cứu để giấy tờ của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp khu phố, ấp và sau này khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải được tự động cập nhật, đảm bảo nhanh chóng, chính xác.

Về sắp xếp trụ sở, ông Mãi yêu cầu giữ nguyên tắc chung là không làm phát sinh biên chế, quỹ tiền lương, hoạt động, trụ sở cũng như các tài sản công. Tuy nhiên, phải đảm bảo các điều kiện cơ bản, tối thiểu cho hoạt động của các khu phố, ấp. Trong đó, nơi sinh hoạt của văn phòng khu phố, ấp là phải có và việc sắp xếp như thế nào tùy điều kiện của địa phương.

Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết qua rà soát TP có 6 quận và 142 đơn vị cấp xã cần sắp xếp. Tuy nhiên, TP cần rà soát các tiêu chí đặc thù và sẽ có một số đơn vị cấp huyện, xã thuộc diện không phải sắp xếp.

“TP đang khẩn trương lập đề án để đến ngày 1-10 trình Thủ tướng phê duyệt” - ông Mãi nói và cho biết tuần sau, TP.HCM sẽ họp ban chỉ đạo để cho ý kiến về đề cương, sau đó báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP trước khi trình Thủ tướng.

Trân trọng sự đóng góp của cán bộ khu phố, ấp

Mô hình khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân đã hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực cho hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh tại cơ sở. Đặc biệt, thông qua mô hình này, chúng ta đã thực hành mở rộng dân chủ cơ sở rất tốt. Đây là các mô hình rất cần thiết, có ý nghĩa cho sự ổn định và phát triển tại cơ sở nói riêng và toàn TP nói chung.

Chúng tôi ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của cán bộ khu phố, ấp, tổ trong thời gian qua. Đây là những người sát cơ sở, nhiệt tình, tâm huyết, có tình cảm, trách nhiệm đối với TP, thậm chí phải hy sinh thời gian, công sức của mình cho công việc chung tại cơ sở.

Do đó, đề nghị các cơ quan có hình thức ghi nhận, động viên, tôn vinh xứng đáng đối với những cán bộ khu phố, ấp, tổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-ubnd-tphcm-tranh-phien-ha-cho-dan-khi-sap-xep-khu-pho-ap-post746483.html