Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và mục tiêu quốc gia

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.

Ngày 8/5/2024, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung. Sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư; ý kiến của các sở, ngành, đơn vị, địa phương; ý kiến của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận như sau:

Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh, sự nỗ lực của Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ đầu tư đã hoàn thành mục tiêu giải ngân được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 (đạt 95,05%/mục tiêu trên 95%), cao hơn so với thực hiện năm 2022 (84,86%/KH giao đầu năm và 78,37%/tổng KH giao) và cao hơn bình quân chung cả nước (93,12%). Trong đó biểu dương các đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành mục tiêu, đặc biệt là các đơn vị đã giải ngân 100% kế hoạch như các địa phương: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Thái Hòa và các đơn vị: Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản Nhi,...

 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với các đơn vị chủ đầu tư chưa hoàn thành mục tiêu cần có giải pháp chấn chỉnh, đặc biệt là các đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 85%) như: Sở Y tế (4,85%), Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (10,1%), Trường Cao đẳng Việt - Đức (23,67%), Sở Du lịch (48,57%), UBND huyện Tương Dương (63,8%), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (65,28%), Sở Lao động - Thương binh và xã hội (70,76%), UBND huyện Kỳ Sơn (82,64%), Sở Văn hóa và Thể thao (83,27%) và Sở Công Thương (84,82%).

Việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 khá thuận lợi với việc đã hoàn thành giao chi tiết 100% vốn cho các dự án ngay từ đầu năm. Công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao với việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, đôn đốc đến cơ sở; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh cũng như giám đốc các sở, ngành theo dõi từng dự án; Tổ công tác cấp phòng, cấp tỉnh được thành lập và đã hoạt động tích cực, hiệu quả; 100% chủ đầu tư đã hoàn thành cam kết và có đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng,...

Với sự chỉ đạo quyết liệt đó, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2024 đạt khá (21,37%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (15,3%) và cao hơn bình quân chung cả nước (17,46%), đặc biệt là nguồn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 60,8%; có 24/68 đơn vị giải ngân trên 30%, trong đó một số đơn vị giải ngân khá như: Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (100%), Sở Giáo dục và Đào tạo (69,73%), UBND huyện Yên Thành (59,32%), UBND huyện Đô Lương (52,35%),... Các dự án trọng điểm: Đường ven biển, Bệnh viện Ung bướu và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đảm bảo tiến độ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: Một số nguồn vốn giải ngân còn chậm như: Ngân sách trung ương nguồn vốn trong nước mới đạt 13,01%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân còn thấp (lần lượt là 6,9% và 11,02%); Có 26/68 đơn vị giải ngân dưới 10%, trong đó có 13 đơn vị chưa giải ngân (0%).

Còn 72/160 dự án chuyển tiếp nguồn đầu tư công tập trung, 356/870 dự án chuyển tiếp nguồn Chương trình MTQG chưa giải ngân (0%). Đối với dự án khởi công mới, có 21/33 dự án nguồn đầu tư công tập trung, có 68/152 dự án nguồn Chương trình MTQG đang ở bước đấu thầu tư vấn và thiết kế bản vẽ thi công.

Có 21/160 dự án với số vốn bố trí 1.280 tỷ đồng đang gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị cần xác định vai trò, vị trí của vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, là vốn mồi thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Phải xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được tập trung quan tâm chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành. Trên tinh thần đó, yêu cầu Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Các ngành, các huyện, các chủ đầu tư cần bám sát kế hoạch, cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra (bao gồm vốn của năm 2024 và vốn kéo dài của các năm trước); thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; hàng tháng có đánh giá thực hiện cam kết để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch giao theo Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 và Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 418-NQ/BCS ngày 31/7/2023 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 09/4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chủ động chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công, phân nhiệm các đồng chí lãnh đạo phụ trách từng dự án, nhóm dự án; đặc biệt là ở các đơn vị có kế hoạch vốn lớn.

Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án có chất lượng, hiệu quả. Tăng cường năng lực và thường xuyên đôn đốc hoạt động của các Ban quản lý dự án, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, chủ động thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu.

Thực hiện công tác quản lý vốn tạm ứng theo quy định và kiên quyết thu hồi vốn tạm ứng quá hạn; đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư tồn đọng; thực hiện công tác quản lý, sử dụng tiền sử dụng đất qua đấu giá đúng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết của HĐND tỉnh,...

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tháng, từng quý; bám sát, nắm chắc tình hình triển khai từng dự án, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đối với các dự án không có vướng mắc, các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời. Đối với các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục, các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời, có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu (cả đấu thầu tư vấn và đấu thầu xây lắp) để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Các Tổ công tác cấp phòng tiếp tục hướng dẫn các huyện xử lý vướng mắc theo phương châm cầm tay, chỉ việc. Các địa phương quan tâm các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình.

Phấn đấu đến tháng 6/2024 không còn đơn vị, dự án chưa giải ngân (0%), (riêng Sở Nội vụ bắt đầu giải ngân trong tháng 7/2024). Đến tháng 9/2024 tất cả các dự án phải xong hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công. Việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Xem toàn văn kết luận

Đức Dũng

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/chu-tich-ubnd-tinh-nghe-an-chi-dao-giai-phap-giai-ngan-von-dau-tu-cong-thuc-hien-cac-chuong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-xa-hoi-va-muc-tieu-quoc-gia-post289339.html